Tôi nói cuốn sách này đặc biệt vì đây là tập hợp những bài viết của những người nổi tiếng viết về người mẹ của mình và tình mẹ con. Sách ra đúng "Ngày của Mẹ" (9/5) nên sự đặc biệt càng có ý nghĩa hơn. Bốn năm trước Nhà xuất bản Trẻ cũng đã cho ra đời cuốn sách "Cha và con" (2017) với hồi ức về cha và tình cha con của những người nổi tiếng. Giờ đây với cuốn "Mẹ và con" vừa ra đời bạn đọc đã có cho mình một bộ sách hai cuốn về nghĩa mẹ công cha được viết bởi những người con có chung tấm lòng của muôn triệu người con hiếu đức với các bậc sinh thành.
Bạn sẽ được đọc trong sách này những dòng viết chân tình, xúc động về mẹ của các văn nghệ sĩ (Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Thuỵ Anh, Nguyễn Thị Thanh Thư, Phạm Thị Ngọc Liên, Đỗ Phấn, Lê Thiết Cương...); nhà báo (Tạ Bích Loan, Phạm Thị Hồng Tuyến, Phan Thanh Phong); nhà khoa học (Phong Lê, Lưu Khánh Thơ, Nguyễn Thị Minh Thái); quân nhân (Nguyễn Đức Soát); doanh nhân (Lê Kiên Thành); võ sư (Trần Việt Trung); kiến trúc sư (Tôn Ánh Hồng, Tạ Mỹ Dương, Trần Lê Quốc Bình).
Có bài viết của con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên về bà nội của mình và tình mẹ con của bố mình. Có bài viết của nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ về mẹ mình và đến lượt chị lại là nhân vật trong bài viết của con gái mình. Có bài viết về mẹ Xuân Quỳnh của Lưu Tuấn Anh và má Xuân Quỳnh của Lưu Minh Vũ. Có bài viết của Phan An Sa nhớ "bóng hình mẹ qua mấy vần thơ của cha" là học giả Phan Khôi. Có bài viết của Nguyễn Thị Thanh Thư về mẹ mình là vợ nhà văn Nguyên Hồng... Tập hợp lại 36 bài viết của cuốn sách đều đong đầy tình mẹ và con qua cảnh ngộ riêng tư của từng người. Hai bài viết thay lời bạt của nhà thơ Nguyễn Duy và nhà văn Nguyễn Việt Hà càng làm dầy lên tình mẫu tử thấm đậm trong từng bài viết.
Người mẹ trong lòng người con bao giờ cũng gắn liền với sự chăm chút yêu thương cụ thể gần gũi hàng ngày. Mẹ lớn lao trong lòng những đứa con ở đức hy sinh, chịu đựng gian khổ vất vả lo cho con cái khôn lớn, trưởng thành. Viết về mẹ vì thế những người con đều kể những câu chuyện dung dị bằng những lời lẽ thân thương, ấm áp. Trung tướng phi công Nguyễn Đức Soát bồi hồi nhớ lại buổi lễ đón nhận danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang năm 1973: "Nhìn mẹ ngồi phía dưới, tôi thấy mẹ lấy tay lau nước mắt mà nụ cười thật rạng rỡ. Và tôi hiểu, để có được phút giây hạnh phúc này, mẹ tôi đã phải chịu đựng bao nhiêu lo lắng trong suốt tám năm trời từ cái ngày bà đồng ý cho tôi vào không quân". (Tr.176)
MẸ VÀ CON
Nhiều tác giả
Nhà xuất bản Trẻ, 2021
Số trang: 416 (khổ 15,5x23cm)
Số lượng: 3000
Giá bán: 160.000
Doanh nhân Lê Kiên Thành nghẹn ngào nhớ về mẹ mình, người vợ hai của Tổng bí thư Lê Duẩn: "Thế hệ mẹ tôi, ai cũng phải chịu đựng chiến tranh. Nhưng mẹ tôi, không chỉ chịu cuộc chiến với kẻ thù mà trong bà còn một cuộc chiến không phần thưởng, khốc liệt đến cuối đời. Cuộc chiến trong trái tim người vợ, người mẹ..." (Tr.74)
Nhà báo Phạm Thị Hồng Tuyến kể về bà nội của mình, vợ học giả Phạm Quỳnh: "Bà tên tục con gái là Lê Thị Vân, chị gái cả của một em trai và một em gái, quê trước thuộc Bắc Ninh, nay là huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ông và bà lấy nhau từ rất sớm, khi cả hai mới 19 tuổi, và bà đã thật "kỳ tích" khi sinh cho ông tới... 16 người con, 3 người mất hồi nhỏ, còn lại 13 người, 8 gái 5 trai, mà cả nhà vẫn yêu quý ví von là 8 nàng tiên và 5 chú voi. Thế là trong vòng 27 năm, từ 1911 đến 1938, những người con lần lượt ra đời, bố tôi thuộc loại út ít, vì là con thứ 9, ấy vậy vẫn có tới 4 em, 3 em gái, 1 em trai". (Tr.288) Người mẹ, người bà sinh năm 1892 đó đã một tay chèo chống gia đình, nuôi cả đàn con cho người chồng vừa làm báo, làm quan, làm học thuật nghiên cứu để lại một sự nghiệp văn hóa to lớn cho đất nước trước khi ra đi ở tuổi 53.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhớ lại: "Hồi nhỏ, cứ buổi chiều anh chị em tôi lại ra đầu ngõ chờ mẹ. Mẹ tôi dạy học trường làng, nhưng sau khi tan lớp, mẹ lại làm công việc đồng áng cho tới tối mịt. Có những chiều mưa giông, chúng tôi đứng bên hiên nhà đợi mẹ. Mẹ về, cả người mẹ ướt sũng và tái ngắt vì lạnh. Thấy mưa, mẹ ở lại bắt châu chấu vì mưa châu chấu thường không bay xa được. Mẹ rang châu chấu với nước muối cà cho chúng tôi ăn. Sau này khi gia đình tôi không còn phải chạy ăn từng bữa thì mẹ vẫn ứa nước mắt khi nhớ những ngày các con phải chịu đói rét". (Tr.178)
Giáo sư văn học Phong Lê nhớ công ơn mẹ mình là nếu không có mẹ thì sẽ không có người cha như ông đã có. Bởi vì cha ông là một hương sư (ông giáo làng): "Là hương sư, thầy tôi không phải động chân động tay vào bất cứ việc gì trong một gia đình có 6 người con. Mọi chuyện nhà, từ việc đồng áng đến việc bếp núc - một mình mẹ lo toan tất cả. Từ cày bừa, cấy hái ngoài đồng, đến dọn dẹp, xay giã, bếp núc, chợ búa, giỗ chạp trong nhà, một mình mẹ và các con cáng đáng, để cho ông ngoài giờ đến trường về nhà, chỉ có việc nghỉ ngơi, trà nước, tiếp khách và dạy dỗ thêm cho đám con cháu trong nhà, trong họ. Mẹ, con út của một nhà Nho nổi tiếng trong huyện, có học trò khắp cả vùng, thế mà chịu về làm dâu ở một xã quê bán sơn địa, khỉ ho cò gáy, xa sông xa chợ nên xem ra là "lạc hậu" nhất ở vùng hạ Hương Sơn - Hà Tĩnh..." (Tr.324-325).
Đạo diễn điện ảnh Việt Linh có một bài viết về con gái Trần Hải Anh từ Paris năm 1993 khi con gái mới chào đời đã được những người làm sách lấy làm bài kết như một sự "đảo phách" - mẹ viết về con chứ không phải con viết về mẹ. "Tí Teo ơi... Cuối cùng thì chúng ta đã nhìn thấy mặt nhau. Mẹ dùng chữ cuối cùng để diễn tả với con một sự chờ đợi căng thẳng và đầy kịch tính trong suốt chín tháng trời, từ lúc con còn bé tèo teo cho đến khi con biết vùng vẫy chân tay, chòi đạp trong bụng mẹ, như thể muốn nhắc nhở mẹ về sự hiện diện của con, như thể làm quen, nũng nịu..." (Tr.400)
Tôi chỉ dẫn ra một vài trích đoạn để bạn có thể cảm nhận rất nhiều cung bậc khác nhau của tình mẹ con được nhớ lại và kể lại qua miệng những người con. Bạn đọc sẽ còn được sống tình mẫu tử đó của nhiều người khác trong sách này. Bản thân tôi cũng được góp một bài viết về mẹ mình ở đây. "Mẹ tôi, người không chữ, nhưng mẹ đã cho tôi làm người có chữ bằng cuộc đời cơ cực của mẹ... Đến khi lấy chồng mẹ sinh sáu lần các anh chị tôi nhưng đều "hữu sinh vô dưỡng", không ai sống được đến lúc lớn. Tôi là đứa con út mẹ sinh khi tuổi đã gần bốn mươi may trời cho sống nên người. Cha tôi lấy thêm vợ hai (hồi nhỏ ở nhà tôi gọi là dì, khi lớn đổi gọi là mẹ). Dì sinh được ba em, em đầu là gái cũng mất sớm. Hai em trai sau lớn lên thì cậu út đi lính và hy sinh ở Campuchia năm 1984, khi mới hai mươi tuổi. Em mất liền sau mẹ tôi (1982) và cha tôi (1983)". (Tr. 304).
Đọc sách này trong "Ngày của Mẹ" mỗi người đều biết ơn mẹ của mình và đều có thể viết nên những lời tri ân mẹ đã có công sinh nở dưỡng dục chúng ta nên người.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác!
Mộc Châu, 7/5/2021