"19h30 ngày 5/5 vẫn trả học sinh và chào các con, hẹn mai gặp lại thì đùng một cái 22h công văn hoả tốc cho học sinh toàn tỉnh nghỉ do có ca F0", đó là lời chia sẻ đầy ngậm ngùi của cô Nguyễn Thị Mùi, giáo viên ở phố Vàng, xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh kể về đêm dịch Covid-19 bỗng nhiên ập đến quê hương.
Hiện nay, ở xã Nghĩa Đạo có 5 F0, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mới 19 tháng tuổi, nhiều F1 được đưa đi cách ly và trong xã hầu như ai cũng là F2, F3.
"Lúc đầu mình không nghĩ sẽ liên quan đến Covid-19, mình chỉ nghĩ đơn giản là nhanh qua thôi. Thế nhưng đến tối 7/5, mình nhận tin gia đình mình là F2 phải đi lấy mẫu xét nghiệm gấp", cô Mùi chia sẻ. Cô Mùi là F2 của học sinh, con trai cô Mùi là F2 từ bà.
Vậy là 11h đêm, gia đình cô Mùi cùng mọi người trong xã đã đi lấy mẫu xét nghiệm trong không khí vô cùng căng thẳng. Mọi người ngồi đợi lấy mẫu luôn giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và im lặng. Ai cũng lo lắng, mong mình và mọi người đều âm tính.
"Khổ nhất là các con, 2, 3 tuổi mà 11-12 giờ đêm bố mẹ con cái bồng bế nhau đi lấy mẫu xét nghiệm. Quá trình làm xét nghiệm đến gần 2 giờ sáng mới xong và đội ngũ y bác sĩ lại di chuyển sang thôn khác làm việc tiếp trong đêm", cô Mùi cho biết.
Cô Mùi chia sẻ thêm: "Kể từ ngày bùng phát dịch, ngày nào loa phát thanh đều phát đi những ca F0, danh sách F1, F2 được cập nhật liên tục để lấy mẫu xét nghiệm. Có giáo viên hôm trước vẫn không thấy tin mình là F gì thì hôm sau đã F2 và 2 ngày tiếp thành F0.
Hiện tại cả huyện có hơn 100 ca F0 và giờ chỉ mong con số đó dừng lại. Đây là lần huyện mình có người bị F0 nên tất cả mọi người đều lo lắng. Đường quốc lộ giờ vắng tanh. Tất cả các thôn đều lập chốt để kiểm soát người đi lại".
Cô Mùi cho biết, người dân trong xã ý thức được dịch bệnh nghiêm trọng nên không ai dám ra ngoài. Mọi người cũng chuẩn bị trước tâm lý là cách ly nên đã mua sẵn thực phẩm dùng dần. Cô Mùi chia sẻ: "Xét về lâu dài thì thực phẩm không đủ, nhưng rất may có cộng đồng hỗ trợ tiếp lương thực nên các gia đình vẫn có thể duy trì cuộc sống. Một số gia đình có bố mẹ đi cách ly, con nhỏ phải ở với ông bà thì được các anh chị trong tổ hỗ trợ".
Được biết, khoảng 2-3 ngày lại có đợt tiếp tế lương thực cho người dân trong xã bao gồm mì tôm, rau, trứng, thịt, gạo...
Với gia đình cô Mùi, do không được ra ngoài nên ngoài giờ con học bài cô luôn nghĩ ra các trò để chơi cùng con. Hiện cô có con trai đang học lớp 1. "May là ở chỗ mình là quê nên vẫn có cánh đồng. Đến chiều muộn thì cho con ra đồng đạp xe 1 lát rồi về", cô Mùi tiết lộ.
"Dịch đến quá nhanh và bất ngờ. Mỗi ngày mình thức dậy chỉ mong không có loa phát thanh thông báo có ca mới, không có danh sách người đi xét nghiệm. Dịch nhanh chóng được dập để cuộc sống trở lại bình thường", cô Mùi ngậm ngùi.
Cô Mùi hiện là giáo viên tại Trung tâm hỗ trợ Phát triển Giáo dục hoà nhập Từ Sơn, chi nhánh Thuận Thành, cách nhà 3km. Trung tâm có nhiều học sinh là F1 do có bố mẹ, ông bà và hiện tại quanh trường đang có nhiều điểm được phát hiện có ca mắc Covid-19.
"Học sinh trường mình đều là những bạn bị tự kỷ, tăng động nên khi phải nghỉ dịch ở nhà, bố mẹ các bạn ấy rất vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn. Kỳ nghỉ dịch lần trước có bạn bị lạc, có bạn thì ngã xuống ao, bạn thì phải ở trong nhà nên bí bách dẫn đến la hét, đập phá. Có phụ huynh đã đến xin cô cho đến trường để trông hộ con vì ông trông được 1 tuần đã bị tăng xông nhập viện. Tuy nhiên, theo thông báo của Sở nên trường không được hoạt động", cô Mùi bày tỏ.
Được biết, Trung tâm của cô Mùi hiện có 70 học sinh. Cô Mùi cũng lo lắng và mong dịch nhanh chóng kết thúc để học sinh được đến trường. "Cứ dịch là phụ huynh mình lắm do con không kiểm soát được. Ở trong nhà 1 tuần là các bạn không chịu được", cô Mùi thổ lộ.