NSND Bạch Tuyết trải lòng về cuộc đời.
Tập đầu tiên của "Dấu ấn huyền thoại" ngược dòng trở về thời điểm 60 năm trước để cùng NSND Bạch Tuyết - một "cây đa, cây đề" của sân khấu cải lương Việt Nam ôn lại những kỷ niệm xưa.
Xen kẽ với những câu chuyện về cuộc đời, NSND Bạch Tuyết đã biểu diễn những trích đoạn tác phẩm để đời của bà trong hơn nửa thập kỷ làm nghề như: "Chuyện Thúy Kiều", "Đời cô Lựu", "Gọi tên một đời"… Ngoài thể hiện chất giọng cũng như khả năng diễn xuất, những câu chuyện xoay quanh NSND Bạch Tuyết khiến khán giả xúc động.
NSND Bạch Tuyết chia sẻ: "Tám tuổi, mẹ tôi mất vì tai nạn giao thông, người cha đi bước nữa. Các dì dặn một câu mà tôi đã mang theo suốt cuộc đời: "Mẹ chết, hai đứa ở lại một mình sống sao cho người ta đừng chửi là chết cha, chết mẹ".
Từ đó, NSND Bạch Tuyết đi đâu làm gì cũng nghĩ tới mẹ. Khi bị áp lực cuộc sống, bà lại trò chuyện với di ảnh của mẹ trong ví để vượt qua. Bà xúc động kể: "Hồi mẹ tôi mất, tôi đã có ý định bỏ nhà đi giang hồ nhưng lại không biết đi đâu. Bỗng nhiên ở Kiên Giang thời đó có một đại gia lập ra đoàn hát và mời tôi tham gia.
Nhưng khi đó ba tôi không cho đi vì ông nội nói rằng: "Do ba dạy con không tốt nên mới sinh ra "xướng ca vô loài". Câu nói này của ông nội, tôi rất tủi thân chỉ biết khóc và thôi thúc bản thân phải đạt được điều gì đó để chứng mình tài năng thực sự của mình".
Nhớ lại cột mốc trong sự nghiệp ca hát, được phong danh hiệu "Cải lương chi bảo", NSND Bạch Tuyết tâm sự: "Mỗi lần lên sân khấu, khán giả càng vỗ tay lớn thì nỗi nhớ mẹ trong tôi càng dâng lên. Tôi ước nếu như mẹ còn sống để tôi được khoe với mẹ những niềm vui này.
Khi chúng ta có tất cả nhưng mất mẹ, mất cha từ khi còn nhỏ thì đó là sự bất hạnh không thể bù đắp. Mỗi khi đứng trên sân khấu hát những vở tuồng, cải lương đến phân đoạn khóc thì nước mắt cứ tự chảy, đôi khi tôi phải học cách nén cảm xúc lại. Đó là những nỗi đau mà chỉ có nghệ thuật cải lương mới giúp tôi lấp đầy những tổn thương đó".
NSND Bạch Tuyết cho biết: "Sân khấu chỉ có giá trị khi nào biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhân gian và người nghệ sĩ chỉ có giá trị khi nào nói những lời thật với khán giả của mình, làm cho cuộc sống mỗi ngày càng đẹp hơn".
NSND Bạch Tuyết là Tiến sĩ Nghệ thuật Cải lương đầu tiên của Việt Nam. Thậm chí, bà còn sang các nước Châu Âu để học hỏi nền nghệ thuật của nước họ.
Năm 1995, NSND Bạch Tuyết bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại hai Hội đồng là Viện Hàn lâm Hoàng gia Kịch nghệ Anh và Viện Hàn lâm phim ảnh – Sân khấu Sofia với đề tài "Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc của các quốc gia Đông Nam Á với điều kiện sinh hoạt hiện đại của khán giả thế kỷ 21".
Cho tới hiện tại, NSND Bạch Tuyết sáng tác được 30 vở tuồng, cải lương, gần 300 bài ca vọng cổ. Nhớ lại khoảng thời gian đi học ở Anh bà chia sẻ: "Có điều kì lạ là khi ra nước ngoài học, tôi không viết được một câu vọng cổ nào mặc dù rất muốn sáng tác. Từ đó, tôi mới nhận ra rằng chỉ khi nào mình mang cảm xúc tâm hồn Việt thì mới viết được cải lương".
Chương trình "Dấu ấn huyền thoại" lên sóng từ ngày 12/5 tại kênh HTV7, gợi nhớ lại những ký ức âm nhạc của một thời thập niên 80-90, qua kỷ niệm của nhiều gương mặt tài danh.
4: NSND Bạch Tuyết xúc động khi nhớ về mẹ