Mới đây, Công ty phân tích chất lượng di động Opensignal đã công bố nghiên cứu phân tích chất lượng dữ liệu mạng 5G trong thế giới thực, và xác định tốc độ mạng 5G cao nhất ở các thành phố thuộc các quốc gia trên toàn cầu.
Qua quá trình khám sát chất lượng các dải tần 5G vào giữa tháng 4/2021, kết quả cho thấy Jeonju- thành phố lớn thứ 16 ở Hàn Quốc có tốc độ 5G chạy nhanh nhất. Người dân có thể tận hưởng tốc độ tải xuống trung bình 415,6Mbps, nhanh hơn 15% so với tốc độ trung bình mạng 5G của cả nước.
Thành phố có mạng 5G nhanh nhất tiếp theo là thành phố Tân Trúc ở Đài Loan, nơi có tốc độ tải xuống 360,1Mpbs. Riyadh- thành phố thủ đô của Ả Rập Xê Út lọt vào top 3 với tốc độ tải xuống trung bình 317,3Mbps. Các mục còn lại trong top 10 bao gồm các thành phố châu Âu Barcelona, Dublin và Zurich, cùng với Calgary, Dubai, Melbourne và Tokyo. Thật ngạc nhiên khi không có thành phố nào của Hoa Kỳ lọt vào danh sách top 10 này.
Bản thân mạng 5G ở Hoa Kỳ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng chúng ta đang bắt đầu thấy nó chậm như thế nào khi so sánh với các quốc gia khác đang tung ra mạng 5G của riêng họ với tốc độ hơn hẳn.
Dù 5G được kỳ vọng sẽ thay đổi thế giới, nhưng hiện tại việc triển khai công nghệ mới đó rất chậm và không đồng đều - đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Trong các bài kiểm tra Mạng di động nhanh nhất năm 2020, Opensignal nhận thấy rằng, các mạng 5G hiện tại rất khó bắt sóng trong nhiều trường hợp.
Mặc dù tốc độ tương đối chậm, nhưng mạng 5G của Mỹ vẫn được đánh giá là nhanh hơn 1,8 lần so với cơ sở hạ tầng 4G hiện tại của họ, nhưng điều đó cũng thua các nước khác. Chỉ có Hà Lan, quốc gia có mạng 5G nhanh hơn 1,6 lần so với các mạng hiện tại của họ là thua Mỹ. Trong khi đó, các quốc gia bao gồm Thái Lan và Kuwait có tốc độ 5G hiện nhanh hơn lần lượt tới 15,7 và 12,5 lần so với các mạng hiện tại của họ.
Nguyên nhân chính khiến Mỹ thua đau các nước còn lại về tốc độ 5G là loại băng tần mà nhà mạng đang dùng cho 5G. Tại hầu hết các nước khác, nhà mạng dùng băng tần 3.5GHz, cân bằng giữa tốc độ và phủ sóng nhưng chưa có sẵn tại Mỹ.
Tại Mỹ, AT&T và T-Mobile đang phát triển mạng 5G thương mại cho băng tần thấp như 600MHz, độ phủ rộng nhưng tốc độ thấp. Verizon dùng băng tần cao hơn 28GHz dù cho tốc độ khá nhanh nhưng độ phủ hạn chế.
Thậm chí tại Hoa Kỳ, hầu hết đất đai và bất động sản đều tập trung vào tay tư nhân. Để xây dựng trạm thu phát sóng và ăng ten, nhà khai thác viễn thông phải thỏa thuận với chủ sở hữu đất hoặc công trình. Đồng thời, nhà nước không thể áp đặt điều kiện, hoặc buộc chủ sở hữu phải cung cấp đất của mình cho cơ sở hạ tầng di động.
Trước đây, vào cuối năm 2019, Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson đã kêu gọi Washington bắt kịp Trung Quốc trong việc triển khai thế hệ mạng di động 5G và gọi đây là sự thất bại của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mặc dù Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, nhưng việc không nhanh chóng thương mại hóa các ứng dụng mạng 5G đã khiến nước này tụt hậu so với Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ, theo Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
Trong một bài viết trên tờ Washington Post, ông Paulson cho biết, tuy các công nghệ tiên tiến như thuật toán trí tuệ thông minh (AI) và kỹ thuật học máy móc có thể giúp vận hành mọi thứ nhanh và hiệu quả hơn, song quá trình ứng dụng thực tế của những công nghệ này lại cần sự hỗ trợ của mạng 5G, vốn được coi là hạ tầng truyền tải và phân phối cho phép các công nghệ hoạt động tối ưu.
Trong khi các trường đại học và các công ty công nghệ Mỹ vẫn đi đầu trong những thành tựu đổi mới tiên tiến, từ trí tuệ nhân tạo đến công nghệ không dây 5G, thì Trung Quốc lại là nơi triển khai chúng trên thực tế, đẩy Mỹ vào thế thua trong cuộc đua thương mại hóa 5G. Ông Paulson cũng nói thêm rằng, Washington cần khẩn trương đối mặt với những thiếu sót này để bù đắp cho những cơ hội đã mất.
Ông Paulson cho rằng trong bối cảnh Washington đang "dậm chân tại chỗ", thì các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc lại đang triển khai nhanh chóng, với khoảng 150.000 trạm gốc 5G dự kiến được dựng lên vào cuối năm 2019, gấp khoảng 15 lần những gì nước Mỹ sẽ có.
"Nước Mỹ không có nhà sản xuất thiết bị 5G nội địa, vì vậy họ phải dựa vào các nhà cung cấp châu Âu hoặc Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đã có Huawei và ZTE", ông Paulson nói. Trước bối cảnh này, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ còn kết luận: "Chúng ta cần một chiến lược để thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực 5G một cách nhanh chóng".