Chia sẻ tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhận định: Cần đầu tư cho TP.HCM mạnh hơn nữa để tạo động lực cho các địa phương khác đi lên. Ông Thành cho rằng, ngân sách Trung ương nên tăng cường thêm cho thành phố để làm nguồn lực đầu tư hiện đại hóa, mở rộng không gian đô thị. Tỷ lệ ngân sách để lại của TP.HCM thấp hơn so với bình quân một triệu dân. Do đó, ông đồng tình nên có chủ trương tăng đầu tư cho TP.HCM.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, TP.HCM cần khai thác thêm các nguồn lực hiện có như: nguồn thu từ cảng biển, các dự án giao thông của TP.HCM nên áp dụng vừa kết hợp đầu tư công, vừa kết hợp xã hội hóa nguồn lực. Nhưng chủ yếu, địa phương phải lo được việc giải phóng mặt bằng, còn lại là PPP.
Sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và 12 ý kiến của bộ, ban, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, những kiến nghị thể hiện nhu cầu cấp bách, sát với thực tế và trách nhiệm của thành phố.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: TP.HCM vẫn là đầu tàu của cả nước, thể hiện ở quy mô dân số, đóng góp GDP và tổng ngân sách. Thời gian qua, thành phố cũng đạt được những thành tựu quan trọng về hiệu quả đầu tư.
Thủ tướng đặc biệt biểu dương thành quả kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19; mặc dù TP.HCM là địa phương có nguy cơ cao. "Giờ này chúng ta có thể ngồi họp ở đây chứng tỏ thành quả chống dịch của TP.HCM" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Khẳng định TP HCM đã đạt được mục tiêu kép, nhưng Thủ tướng lưu ý lãnh đạo TP tiếp tục cảnh giác với các nguy cơ lây nhiễm. "Cương quyết không để dịch Covid-19 bùng phát tại TP HCM" - Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn cho biết, TP.HCM có hạn chế lớn là phát triển kinh tế - xã hội chưa thực sự xứng tầm với vai trò, vị thế, tiềm năng, cơ hội khác biệt, thuận lợi của thành phố. Giai đoạn 2016 – 2020 TP.HCM chưa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, chưa đạt mục tiêu 7 chương trình đột phá, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, tỷ lệ đất cho công nghiệp, giao thông thấp. TP chưa trình chính phủ kế hoạch sử dụng đất đến 2030 tầm nhìn 2050, trong khi đây là một lĩnh vực rất quan trọng, kế hoạch sử dụng đất, phải gắn với quy hoạch phát triển xã hội, phát triển giao thông, phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm, khoa học công nghệ chưa thật sự trở thành động lực để phát triển...
"Những hạn chế này có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, phải nhìn nhận xem sự quan tâm của Trung ương đã đúng mức chưa, sự cố gắng của thành phố đã hết sức chưa ?" - Thủ tướng nhận xét.
Chỉ ra những mặt hạn chế của TP.HCM, Thủ tướng cho rằng, không phải nhìn vào những hạn chế đó để bi quan, chán nản, mà phải coi đó là động lực để phát triển trong thời gian tới. TP.HCM phải chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự sang tấn công trên mọi lĩnh vực
Đối với các đề xuất của TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết "Chính phủ cơ bản đồng tình".
"Vướng mắc mà thuộc thẩm quyền Quốc hội thì Chính phủ cùng TP.HCM tháo gỡ. Chúng ta tháo gỡ các vướng mắc với tinh thần "3 không": Chính phủ không nói không, Chính phủ không nói khó, Chính phủ không nói có, mà không làm"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Đi vào một số nội dung kiến nghị cụ thể của TP.HCM, Thủ tướng cho rằng việc nào mà TP.HCM làm tốt hơn Chính phủ, tốt hơn các bộ, ngành thì sẵn sàng giao cho TP.HCM, với tinh thần phân cấp, phân quyền triệt để, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát kiểm tra, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
"Thành phố phải thống nhất về nhận thức và hành động. Nghĩ phải chín, phải kỹ càng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, làm việc có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó vì thực tế đã có những việc nhỏ mà kéo dài cả chục năm" - Thủ tướng nhấn mạnh, lấy ví dụ về việc giải phóng mặt bằng, trước hết phải giải phóng được tư tưởng của người dân, chứ không phải cò kè bớt một, thêm hai.
Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu các bộ, ban, ngành và TP.HCM phải phối hợp trên dưới nhịp ngành, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. TP.HCM phải phát triển xứng tầm là một trung tâm của vùng, một trung tâm phát triển kinh tế của cả nước; xứng tầm hơn nữa với mong đợi và kỳ vọng của nhân dân cả nước.