Năm 2009, Susan Boyle - một người phụ nữ giản dị đã khiến giám khảo và những khán giả theo dõi cuộc thi Britain's Got Talent kinh ngạc. Bà xuất hiện trên sân khấu chương trình với bộ trang phục đơn giản, mái tóc xoăn bù xù, dáng vóc đậm đà. Nhiều khán giả cười ồ và giám khảo của chương trình không buồn liếc mắt nhìn Susan vì nghĩ rằng, bà tới tham dự chương trình... "cho vui".
Nhưng khi Susan cất tiếng hát, bà đã khiến tất cả mọi người trong khán phòng im lặng. Giám khảo của chương trình gồm ông trùm âm nhạc Simon Cowell, nữ diễn viên Amanda Holden và nhà báo Piers Morgan, đều đứng dậy vỗ tay vì bị mê hoặc bởi giọng hát của Susan. Phần trình diễn ca khúc I Dreamed a Dream của Susan ngày hôm đó đã trở thành một hiện tượng của chương trình và dấu ấn không bao giờ quên trong sự nghiệp của người ca sĩ 60 tuổi này.
Susan tâm sự rằng, bà từng là nạn nhân của miệt thị ngoại hình khi còn bé: "Tôi ốm yếu tàn tật bẩm sinh và điều đó khiến tôi trở thành mục tiêu của những kẻ hay bắt nạt người khác. Tôi luôn bị lấy tên ra để chế nhạo bởi mái tóc xơ xác cộng với sự học hành chật vật của mình". Việc ca hát đã giúp Susan thấy mình được sống và tìm được sự bình an trong tâm hồn.
Từ một phụ nữ độc thân, sống cô độc và lập dị, Susan trở thành hiện tượng toàn cầu, được báo chí săn đuổi khi đã cận kề tuổi 50. Câu chuyện của Susan Boyle truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ, khiến họ thêm tự tin rằng, dù không có ngoại hình hoàn hảo nhưng nếu có niềm tin và tài năng, nhất định họ sẽ tỏa sáng. Sau chương trình, ông trùm âm nhạc Simon Cowell đã ký hợp đồng thu âm cho Susan với hãng Sony BMG.
Người phụ nữ đó giờ là một ngôi sao ca nhạc với nhiều thành tích đáng nể. Trong năm đầu ra mắt, bà thu được 5 triệu bảng Anh nhờ việc phát hành I Dreamed a Dream. Tài sản ước tính của Susan hiện lên tới 22 triệu bảng Anh nhờ việc tiêu thụ hơn 19 triệu đĩa hát trên toàn cầu.
Khi được hỏi lại về Susan Boyle, Simon Cowell thừa nhận đã sai lầm khi đánh giá một phụ nữ qua ngoại hình của cô ấy: "Khi cô ấy bước ra, tôi thực sự không nhìn cô ấy. Tôi không nghe cô ấy nói nhưng khi cô ấy cất tiếng hát, tôi hiểu mình đã sai. Tất cả chúng ta giễu cợt, chúng ta không lắng nghe mọi người và chúng ta xét đoán mọi người. Tôi không thích cái tôi nhìn thấy trong bản thân mình. Tôi hạnh phúc vì Susan đã khiến chúng ta thấy mình ngu ngốc, bởi chúng ta xứng đáng với điều đó".
Nhiều năm nay, các cuộc thi Hoa hậu nổi tiếng trên thế giới đã dần bỏ các phần thi trình diễn áo tắm vì cho rằng không nên đánh giá phụ nữ qua vẻ bề ngoài.
Bà Julia Morley - Chủ tịch của tổ chức Hoa hậu Thế giới là người đi tiên phong trong quyết định này khi chính thức loại bỏ phần trình diễn áo tắm khỏi cuộc thi từ năm 2015. Bà cho rằng trong suốt lịch sử của Hoa hậu Thế giới đã xảy ra không ít cuộc biểu tình vì phản đối phần thi áo tắm ở các nước Hồi giáo. Bà mong muốn hướng Hoa hậu Thế giới tới cuộc thi tìm "sắc đẹp có mục đích", coi trọng vẻ đẹp bên trong, nên không cần phải có phần thi áo tắm.
"Tôi không cần nhìn những phụ nữ đi lên đi xuống trong những bộ bikini. Nó không có tác dụng gì với phụ nữ. Và nó cũng không có bất cứ tác dụng nào với bất cứ ai trong chúng ta. Tôi không quan tâm mông của người này lớn hay nhỏ hơn 5cm so với người khác. Chúng tôi không nhìn vào mông cô ấy. Chúng tôi lắng nghe cô ấy nói", chủ tịch Julia Morley giải thích.
Năm 2018, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Mỹ đã quyết định loại bỏ phần thi trình diễn áo tắm khỏi chương trình. Bà Gretchen Carlson - chủ tịch Tổ chức Hoa hậu Mỹ giải thích, cuộc thi sắc đẹp sẽ tập trung hơn vào tài năng, trí tuệ và những ý tưởng của các thí sinh. Bà nhấn mạnh: "Vẻ đẹp phụ nữ không thể hiện qua hình thức bên ngoài".
Đây cũng là động thái của tổ chức Hoa hậu Mỹ (Miss America) nhằm ủng hộ phong trào đấu tranh vì nữ quyền #Metoo lan rộng khắp toàn cầu từ năm 2018. "Có nhiều phụ nữ nói rằng họ muốn xuất hiện trong cuộc thi nhưng không thích trình diễn trong trang phục bikini và đi giày cao gót. Chúng tôi đang tiến về phía trước, tạo nên cuộc cách mạng văn hóa và không đánh giá phụ nữ thông qua hình thể", bà Carlson nói.
Năm 2018, phong trào #MeToo, nơi các nữ nạn nhân đứng lên đòi công bằng, bình đẳng giới lên án hành động xâm hại, quấy rối tình dục... bắt đầu được phát động. Một loạt "yêu râu xanh" trong làng giải trí đã bị đưa ra ánh sáng.
Người đầu tiên bị đứng lên tố cáo vì hành vi quấy rối tình dục là Harvey Weinstein, nhân vật quyền lực bậc nhất tại Hollywood. Sự nghiệp của nhà sản xuất phim Chúa tể của những chiếc nhẫn bắt đầu lao dốc không phanh kể từ tháng 10/2017 khi một loạt các tờ báo bóc trần đời sống cá nhân bê bối của ông.
Hơn 100 phụ nữ đứng lên thừa nhận từng là nạn nhân của nhà làm phim 66 tuổi. Trong đó có cả những tên tuổi lớn như Salma Hayek, Gwyneth Paltrow, Angelina Jolie… Asia Argento và Rose McGowan không ngần ngại công khai quá khứ từng bị nhà sản xuất siêu phẩm Pulp Fiction cưỡng hiếp.
Sự việc này khiến Harvey Weinstein phải tuyên bố phá sản công ty sản xuất phim từ tháng 2/2018 và chính thức hầu tòa từ tháng 5/2018. Tháng 3 năm ngoái, Harvey Weinstein đã phải nhận án tù 23 năm vì có hành động tấn công tình dục và cưỡng hiếp. Sau khi ra tù, ông này cũng sẽ bị giám sát trong vòng 5 năm nữa.
Theo các công tố viên, ông Weinstein xứng đáng nhận mức án cao nhất khi đã lạm dụng phụ nữ trong thời gian rất dài, cũng như không ân hận đối với những việc mình làm. Ngoài việc phải bóc lịch, tiêu tan sự nghiệp, Harvey còn bị dư luận "quay lưng". Đây là cái giá xứng đáng mà Harvey phải trả vì coi thường và xâm hại phụ nữ.
Danh hài người Mỹ - Bill Cosby cũng phải trả giá cho những hành động tệ hại của mình. Từ người được xem là "cha của nước Mỹ", danh hài 83 tuổi bị lên án nặng nề sau khi 60 phụ nữ lên tiếng khẳng định là nạn nhân bị ông xâm hại. Ngôi sao nổi tiếng đã phải nhận án phạt từ 3 tới 10 năm "bóc lịch" vào tháng 9/2018 vì những tội danh của mình. Ông đang bị giam giữ tại nhà tù Phoenix ở Pennsylvania.
Tại châu Á, phong trào bảo vệ phụ nữ #MeToo cũng phát triển mạnh mẽ. Năm 2018, nam diễn viên gạo cội xứ Hàn - Jo Min Ki bị hơn 20 nạn nhân đứng lên phanh phui hành vi sai trái. Trước sức ép từ dư luận, Jo Min Ki bị trường đại học sa thải và công ty quản lý chấm dứt hợp đồng. Cuối cùng, Jo Min Ki chọn cách tự tử để chối bỏ mọi trách nhiệm và trốn tránh tội ác.