TCB, mã cổ phiếu của ngân hàng TMCP Techcombank đang trở thành "hàng hot" trên thị trường chứng khoán khi tăng tới gần 18% chỉ trong vòng 1 tháng qua, trong khi chỉ số VN-Index chỉ tăng hơn 1% còn chỉ số VN30-Index tăng khoảng 8%.
Với tăng giá cổ phiếu cao hơn so với mặt bằng chung, thống kê ngày 13/5 cho thấy, giá trị vốn hóa của Techcombank vượt BIDV và VietinBank để lọt vào top 6 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn HoSE.
Ở thời điểm hiện tại, TCB đang giao dịch gần 49.000 đồng/cp, tăng vọt tới 48% so với đầu năm.
Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng về quy mô niêm yết của HoSE, vị trí của TCB đã lùi về 2 bậc, xuống đứng vị trí thứ 8 với giá trị vốn hóa 171 nghìn tỷ đồng.
Xét về khối ngân hàng, vốn hóa của Techcombank trong phiên giao dịch này ngang ngửa BIDV (172 nghìn tỷ đồng), thấp hơn Vietcombank (361 nghìn tỷ) và VietinBank (176 nghìn tỷ đồng).
Mặc dù vậy, trong bản báo cáo phân tích vừa được phát hành của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), công ty này ước tính, mức giá hợp lý của TCB là 57.739 đồng/cp.
Với mức giá này, quy mô của Techcombank trên thị trường chứng khoán sẽ vượt trên 200 nghìn tỷ đồng (gần 9 tỷ USD).
Trước đó, chia sẻ tại ĐHĐCĐ của Techcombank vào cuối tháng 4 vừa qua, CEO Jens Lottner tiết lộ, mục tiêu và khát vọng của Techcombank trong 5 năm tới là ngân hàng hàng đầu không chỉ Việt Nam mà TOP 10 ASEAN, với số vốn hóa 20 tỷ USD.
Song, mục tiêu giá trị vốn hóa thị trường 20 tỷ USD mà Techcombank đề ra nằm ở tương lai, vào năm 2025. 5 năm tới là khoảng thời gian dài, tiềm ẩn nhiều biến động của nền kinh tế, có thể thuận lợi cũng có thể bất lợi. Nhưng nhìn vào chặng đường Techcombank vừa đi qua, đang đi và hướng đến, với những giá trị đang sở hữu, từ 7 tỷ USD hiện tại đến 20 tỷ USD vào năm 2025 không quá xa.
"Hiện Techcombank cũng được nhìn nhận đúng hơn trên thị trường chứng khoán với giá cổ phiếu TCB phản ánh đúng đắn hơn sức khỏe và lợi thế của Techcombank so với các ngân hàng khác", lãnh đạo nhà băng này cho hay.
Trả lời câu hỏi của cổ đông là mục tiêu vốn hóa 20 tỷ USD trong năm 2025 có tham vọng, CEO Jens Lottner khẳng định, nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 23- 25%/năm thì trong 5 năm tới chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mức vốn hóa 20 tỷ USD.
Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã chỉ ra nhiều lợi thế cạnh tranh của Techcombank so với các ngân hàng khác.
Đầu tiên là tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi khách hàng (CASA) cao.
Hiện, Techcombank với vị thế là ngân hàng tiên phong trong việc đặt trải nghiệm khách hàng lên trên các lợi ích kinh tế ngắn hạn đã đạt được rất nhiều thành công trong vài năm qua.
Tiền gửi không kỳ hạn của Techcombank tăng 69% so với cùng kỳ. Tỷ lệ CASA đạt 43%, giữ vững vị thế là ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao nhất Việt Nam.
Lý do vì tệp khách hàng sử dụng Techcombank làm ngân hàng giao dịch chính tiếp tục tăng lên cộng với việc lãi suất có kỳ hạn không còn đủ sức hấp dẫn khiến cho nhiều khách hàng không thực hiện gửi tiền mà để tiền ở tài khoản thanh toán.
Lượng tiền gửi CASA cao được đóng góp chủ yếu bởi nhóm khách hàng cá nhân có tính bền vững hơn so với các ngân hàng huy động CASA từ nhóm khách hàng tổ chức.
Bên cạnh việc thu hút được lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn, Techcombank cũng có mức lãi suất huy động giảm nhanh khi nhu cầu huy động tiền gửi có kỳ hạn của ngân hàng là không nhiều.
Chi phí lãi ghi nhận trên danh mục huy động tiền gửi khách hàng của Techcombank giảm xuống còn 2,1% trong quý I/2021.
"Chi phí vốn của ngân hàng vào quý I/2021 ghi nhận ở mức 2,24%, đưa Techcombank trở thành ngân hàng có chi phí vốn thấp nhất hệ thống. Chi phí vốn thấp là một lợi thế cạnh tranh rất lớn của Techcombank giúp cho tỷ suất sinh lời trên tài sản duy trì cao trong dài hạn", chuyên gia của VCBS nhấn mạnh.
Techcombank còn nhiều dư địa tối ưu lợi nhuận. Đặc biệt, tỷ lệ đòn bẩy tài chính hiện ở mức thấp, chỉ đạt 5,9 lần. Lượng vốn chủ sở hữu hiện ở mức rất dồi dào có thể giúp mang lại lợi thế lớn hơn cho Techcombank trong quá trình xét duyệt cấp hạn mức (room) tín dụng.
Với tỷ lệ đòn bẩy thấp, Techcombank có hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 15,8%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu yêu cầu theo thông tư 41. Techcombank được cấp room tăng trưởng tín dụng năm 2021 cao nhất ngành ngân hàng và chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng cao của Techcombank có thể được duy trì trong tương lai.
Về triển vọng, biên lãi ròng NIM tiếp tục mở rộng và việc tập trung triển khai các dự án công nghệ cao sẽ giúp duy trì Techcombank hoạt động hiệu quả trong dài hạn và tốt hơn trung bình ngành trong tương lai.
Ngoài ra, áp lực trích lập dự phòng thấp. Techcombank đang ghi nhận tỷ lệ nợ tái cơ cấu trên danh mục cho vay cuối quý I/2021 ở mức 2,3%, giảm so với mức 3,6 điểm phần trăm ở thời điểm cuối quý II/2020.
Ước tính, Techcombank sẽ đạt 21.543 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 36% so với năm 2020, nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 20%, NIM tăng mạnh lên 5,5% nhờ chi phí huy động giảm mạnh, chi phí vốn giảm xuống 2,57% từ mức 3,09% năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm được dự báo ở mức 0,77% và tỷ lệ dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu đạt 141%.