Theo phong tục tang lễ truyền thống của Trung Quốc, người Trung Quốc rất coi trọng chuyện hậu sự, chỉ cần xem tình trạng phần mộ của tổ tiên là có thể biết được thế hệ con cháu sống như thế nào và có chăm chút, thờ cúng tổ tiên hay không.
Nhưng chính vì con người quá chú trọng vào cuộc sống sau khi chết, gia tộc nào càng giàu có thì mồ mả sửa sang càng sang trọng, điều này cũng đã sinh ra cái nghề đê hèn "trộm mộ".
Và để đảm bảo yếu tố an toàn, lăng mộ của vua chúa hay những gia tộc lớn thường đều có người trông lăng.
Trong ấn tượng của mọi người, người trông coi lăng mộ luôn mang trong họ điều gì đó bí ẩn, kể cả có hậu duệ của người giữ mộ còn tồn tại đến nay thì vẫn khó ai có thể nói hết về kinh nghiệm truyền đời của họ.
Những người trông coi mộ là những người kính trọng người chết và tôn trọng sự sống nhất. Họ tin rằng thiện ác hữu báo, tôn trọng tự nhiên, coi trọng lời hứa, họ sẵn sàng dành cả cuộc đời mình cho lăng mộ của hoàng đế hoặc các gia tộc khác. Và truyền thống này cũng được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Không phải tất cả những người trông coi lăng mộ đều phục vụ cho những dòng họ thế gia vọng tộc, nhiều người trong số họ đôi khi chỉ vì một lời hứa mà có thể bám trụ cả đời.
Ví dụ, Viên Sùng Hoán, một vị tướng nổi tiếng chống nhà Thanh vào cuối thời nhà Minh, đã bị buộc tội oan và giết hại.
Một trong những thuộc hạ của ông, họ Xa, không thể chấp nhận được việc chủ soái bị oan nên đã bí mật lấy trộm đầu của Viên Sùng Hoán về chôn cất và thờ cúng tại sân sau của nhà mình ở Bắc Kinh.
Gia tộc họ Xa cũng đã trở thành người trông coi lăng mộ của Viên Sùng Hoán, gia đình của ông đã tiếp nối qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay.
Tổ tiên của ông đã tuân theo gia huấn của tổ tiên qua nhiều thế hệ, không một ai ra làm quan, cũng không dám trở về quê hương Quảng Đông, vẫn mãi canh giữ tại đó.
Tạm gác lại câu chuyện về nhà họ Xa. Vào năm 1998, một nhóm khảo cổ đã tìm thấy dấu vết của một "người trông mộ" thời hiện đại trong một ngôi mộ cổ.
Đây là một điều bất ngờ thú vị bởi theo thời gian, người trông coi mộ cũng dần dần biến mất, thời hiện đại ngày nay rất khó để tìm được một gia tộc trông giữ mộ như gia tộc họ Xa.
Lăng mộ này khá lớn, nằm ở An Đức Sơn, quận Vũ Hoa Đài, Nam Kinh và được bảo quản rất tốt.
Sau khi nghiên cứu, các nhà khảo cổ nhận định đây là lăng mộ của Công chúa Phúc Thanh, con gái thứ tám của Chu Nguyên Chương, vị hoàng đế sáng lập ra nhà Minh. Công chúa Phúc Thanh sinh năm 1370, giỏi cầm kỳ thi họa, trị quốc an dân, là một kỳ tài.
Vì được Chu Nguyên Chương sủng ái nên công chúa Phúc Thanh thậm chí có thể tham gia thảo luận chính sự, nàng thông minh lanh lợi, cũng đã đưa ra nhiều ý kiến để giúp cha giải quyết nỗi lo của mình.
Năm 1385, công chúa Phúc Thanh 15 tuổi kết hôn với Trương Lân, con trai của Trương Long, một danh tướng thời đầu nhà Minh. Văn bia ghi lại rằng công chúa Phúc Thanh chỉ có một con trai duy nhất, sau khi Chu Đệ lên ngôi, chồng của cô là Trương Lân cũng bị tước chức Hầu tước, ngay cả công chúa Phúc Thanh cũng không thể cứu vãn được tình thế.
Năm 1417, Công chúa Phúc Thanh qua đời ở tuổi 47 và được chôn cất ở núi An Đức Sơn.
Năm 1998, các chuyên gia vào lăng mộ Công chúa Phúc Thanh để khảo sát và phát hiện trong lăng chính có nhiều đồ dùng hiện đại hàng ngày.
Họ cho rằng lăng mộ đã bị mộ tặc phá hoại nên không khỏi xót xa. Nhưng sau khi kiểm tra cẩn thận, họ đã phát hiện ra có điều gì đó không đúng.
Hóa ra ngôi mộ cổ này tuy có dấu vết bị trộm nhưng rất ít và có vẻ xảy ra cũng đã lâu, trong khi dấu vết của đồ vật trong mộ chỉ mới tồn tại khoảng 37 năm đổ lại.
Ngôi mộ cổ cũng được bảo quản rất tốt, không thiếu đồ gốm tang lễ, đồ đồng, đồ lễ, đồ trang sức, toàn bộ ngôi mộ không bị hư hại, vẫn có giá trị nghiên cứu lớn.
Những đồ vật trong các ngôi mộ cổ này còn có một số thứ rất mới như quần áo, chăn mền,… dù kẻ trộm mộ có "điên" đến đâu cũng không tài nào ngủ được trong mộ.
Trước sự bất thường này, các chuyên gia đã tìm kiếm trong lăng mộ và bất ngờ tìm thấy một đường hầm bí mật, vốn được dành cho những người canh giữ lăng mộ.
Phía trước lăng mộ của Công chúa Phúc Thanh còn có một ngôi đền dành cho những người trông coi lăng mộ ở.
Nếu là người bảo vệ ngôi mộ, tại sao họ không sống ở ngôi đền bên ngoài mà lại vào hẳn trong lăng mộ để sống?
Các chuyên gia vội vã cử người đi tìm những người trông coi lăng mộ trong tâm trạng hoang mang, nhưng những gì họ tìm thấy là một nhóm nông nhân.
Hỏi ra mới biết hóa ra vài năm trước, nhóm nông dân này đã rời quê đến một công trường xây dựng gần khu lăng mộ làm thuê.
Đang lúc không nỡ chi tiền thuê phòng trọ, có người trong nhóm vô tình phát hiện ra một đường hầm bí mật dành cho người canh giữ mộ
Một người ngủ lại trong mộ thì rất sợ nhưng một nhóm người cùng ở thì sẽ đỡ sợ hơn, nên họ quyết định vào trong lăng mộ sống luôn.
Thật không ngờ bên trong lăng mộ mùa hè thì mát, mùa đông lại ấm nên những người này cảm thấy rất ổn, họ quyết định biến lăng mộ thành bí mật nhỏ của riêng mình.
Các chuyên gia sau đó đã không khỏi dở khóc dở cười, báo cáo sự việc này lên cấp trên.
Cơ quan hữu quan sau đó đã giúp nhóm công nhân tìm được nơi ở thích hợp, giải quyết vấn đề có người sống trong mộ.
Cuối cùng, người trông giữ mộ thực sự cũng đã được tìm thấy, và lăng mộ công chúa Phúc Thanh trở thành lăng mộ công chúa duy nhất trong số những lăng mộ được phát hiện từ trước đến nay ở Trung Quốc mà vẫn còn người giữ mộ.
Nhưng cùng với việc xây dựng và sửa chữa lăng mộ của công chúa, người trông giữ lăng mộ sau đó cũng lặng lẽ biến mất vì không muốn lộ diện. Dù sao thì nhiệm vụ của người đó đến nay cũng xem như đã hoàn thành.