Tính đến chiều 16/5, chỉ trong vài ngày, Bắc Giang đã dẫn đầu cả nước với số ca Covid-19 "khủng" 314 ca.
Đáng nói, các ca Covid-19 đa số ghi nhận trong khu công nghiệp Vân Trung và Quang Châu với tốc độ lây nhiễm chóng mặt. Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng thừa nhận, sở dĩ lây lan nhanh như vậy là do môi trường làm việc của công nhân trong phòng điều hòa, khép kín, trần rất thấp. Chỉ cần có 1 ca Covid-19 sẽ có nguy cơ lây lan nhanh và ra nhiều người.
Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang diễn biến rất phức tạp, nhất là tại 2 ổ dịch Khu Công nghiệp Vân Trung (tính đến 12h ngày 16/5 đã ghi nhận 169 trường hợp F0) và Khu Công nghiệp Quang Châu (với 150 ca dương tính). Dự báo trong những ngày tới, số ca bệnh tiếp tục tăng sau khi có kết quả xét nghiệm toàn bộ người lao động của các công ty.
Việc lấy mẫu xét nghiệm, truy vết Covid-19 yêu cầu khẩn trương, thần tốc hơn bao giờ hết. Những cán bộ y tế tại Bắc Giang trong nhiều ngày qua đã không có một giờ ăn ngon ngủ yên. Họ gác lại tất cả các chuyện riêng, bỏ qua mệt mỏi để gồng mình chạy đua với Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên nhiều ngày nay đều làm việc từ sáng sớm tinh mơ đến tối khuya. Trời nóng nực, cả người đầm đìa mồ hôi nhưng bà không có cả thời gian để tắm một cái cho sảng khoái. Dù mệt, buồn ngủ rũ nhưng cũng vẫn ngủ không yên.
"Từ hôm địa phương có ca dương tính ở khu công nghiệp, đêm nào ngủ nhiều thì được 3 tiếng. Gọi là ngủ chứ nằm xuống chị vẫn phải cầm điện thoại xem lại các báo cáo, số liệu từ cơ quan chuyên môn và các địa phương…", bà Kim Anh chia sẻ.
Để thuận tiện cho việc báo cáo tình hình dịch, bà Kim Anh đã công khai số điện thoại của mình trên trang thông tin địa phương. Vậy là đủ các tin về dịch dã báo về. Mỗi ngày bà phải nghe hơn 200 cuộc điện thoại, lãnh đạo hỏi công tác truy vết, tình hình dịch, người dân hỏi khai báo y tế, hỏi về cách ly, dấu hiệu bệnh tật.
Bà nghe điện thoại đến ù tai váng óc, nhưng sợ lỡ thông tin quan trọng nên cuộc nào bà cũng phải nghe. "Có đêm chỉ tranh thủ chợp mắt 2 tiếng lấy sức làm việc tiếp mà vẫn ám ảnh tiếng chuông điện thoại”, bà Kim Anh nói.
Số ca Covid-19 trên địa bàn tăng nhanh, đồng nghĩa với các F1, F2 cần truy vết, lấy thông tin ngày càng nhiều. 3 người ở Trung tâm Y tế huyện làm không xuể. “Công việc cứ quay cuồng. Điện thoại cấp trên chỉ đạo liên tục, nhiều lúc nghe tăng thêm từng này, từng kia ca bệnh mà tim đập mạnh, lồng ngực như muốn vỡ ra.
Có khi thêm ca dương tính mới, cấp trên gọi giục báo cáo, mình vừa khóc vừa làm. Có phải mình không biết cách làm nhanh đâu, nhưng nó phải đáp ứng tuần tự và đầy đủ số liệu”, bà Kim Anh tâm sự.
Cũng trong cảnh "quay cuồng' với công việc, bác sĩ Hoàng Văn Luận (Khoa Xét nghiệm – Trung tâm Y tế Việt Yên) "vui mừng" vì qua đợt dịch này anh và đồng nghiệp đều giảm được vài kg.
“Ăn uống thất thường, vội vã, ngủ thì ít, thường xuyên làm việc với cường độ cao. Có khi ít nữa hết dịch được về nhà, nhiều cán bộ hốc hác đến mức người thân không nhận ra”, anh chia sẻ.
Bác sĩ Luận cho biết đêm thứ bảy (ngày 15/5), anh em trong khoa Xét nghiệm đi lấy mẫu ở Khu công nghiệp đến 23h đêm mới xong. Đến hôm nay, dù trời nắng gay gắt, anh em vẫn cặm cụi trong các bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi chảy cạn, cắm mặt vào lấy mẫu, xét nghiệm trong nhiều giờ.
Mọi người đều làm việc không biết ngày hay đêm, kiệt sức thì nghỉ một lúc, hồi sức lại tiếp tục làm. Chưa hết người lấy mẫu, chưa hết mẫu xét nghiệm thì anh em không thể nghỉ ngơi. Cứ thêm các ca dương tính, anh lại cùng các cán bộ của trung tâm Y tế chuẩn bị các máy móc, phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, bình phun, đồ bảo hộ… lên đường thực hiện nhiệm vụ giữa tâm dịch.
"Mọi người làm việc 20 giờ mỗi ngày, cũng không thể về nhà. Chỉ có thể tìm lấy 1 góc ở cơ quan ngủ tạm, chưa đủ giấc lại bừng tỉnh đi lấy mẫu tiếp", bác sĩ Luận cảm thán.
Nhiều ngày nay, bác sĩ Diêm Đăng Đích (Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Việt Yên) và đồng nghiệp đều bắt đầu ngày mới lúc 5h sáng. Giữa cái nóng 37-38 độ C nhưng mọi người vẫn không thể không chui vào những bộ đồ bảo hộ kín mít, bí bách, đẹo khẩu trang, mang kính chắn che mặt, đeo kính.
Dù mồ hôi dầm đìa, khát nước họ cũng hạn chế cởi đồ, uống nước. Mọi người đều hiểu nếu làm không tốt việc phòng hộ thì có thể lây virus bất cứ lúc nào.
“Công việc của mình là vậy, dịch bệnh ập đến, không còn cách nào khác. Mình bảo vợ chẳng may mắc Covid-19 trong quá trình làm việc cũng phải chấp nhận thôi. Thế nên chuyện mình đi làm nhiều ngày không về nhà vợ chẳng trách móc gì”, bác sĩ Đích chia sẻ.
Anh cho biết, nhà anh cách bệnh viện chưa đầy 1km nhưng lại thấy đường về nhà xa vời vợi. Xa đến mức chẳng biết đến bao giờ anh mới về được đến nhà.