Những "chiến sĩ" áo trắng nơi tuyến đầu
Ngày thứ Bảy (15/5) xót xa khi một nhân viên y tế đang cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã phải đăng một cái "status" trĩu nặng. Chị viết: "Sáng, nhận được tin mẹ của 1 đồng nghiệp, 1 người em tại BV vừa qua đời đêm qua. Hiện, vợ chồng bạn ấy đều đang chống dịch tại BV, không về lo đám tang cho bà được. Nghĩ đến 2 đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông để đi chống dịch, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu sẽ bơ vơ thế nào?
Lòng trĩu nặng… Đang họp giao ban BV, nhận được tin 1 điều dưỡng bị bệnh nhân Covid-19 lao vào phòng hành chính khoa to tiếng, rồi bóp cổ vì bệnh nhân yêu cầu bạn ý cung cấp số điện thoại của giám đốc BV. Bạn ấy đang cố giải thích là bạn ấy không có và chờ bạn ấy gọi điện thoại báo cáo lãnh đạo khoa nhưng bệnh nhân không nghe. Nghĩ đến 1 nữ điều dưỡng chắc cao tầm 1m50, nặng khoảng bốn mấy cân đó bị bệnh nhân bóp cổ mà nước mắt không kìm lại được, cứ tuôn rơi…
Chia sẻ về bệnh nhân Covid-19 vừa tử vong tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương chiều 15/5, TS Phạm Ngọc Thạch cho biết, đó là một điều đau xót, BV đã nỗ lực hết sức nhưng bệnh nhân cao tuổi trên nền nhiều bệnh lý nền rất nặng. Theo TS Thạch, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 4/5, thì ngay ngày 5/5 đã phải can thiệp ECMO, lọc máu vì tình trạng bệnh quá nặng. Bệnh nhân cũng có bệnh nền phức tạp, suy thận giai đoạn cuối đang chạy thận chu kỳ, suy tim độ IV, tăng huyết áp, đái tháo đường, sốt kéo dài - viêm hạch. Trước khi phát hiện mắc Covid-19, bệnh nhân có 1,5 tháng điều trị tại BV Việt Đức.
Lúc đó, lại nhận được tin có bệnh nhân Covid-19 cần thăm khám luôn. Vừa khóc, vừa mặc quần áo phòng hộ chạy ra buồng bệnh khám bệnh nhân… Xử trí xong bệnh nhân, quay lại thấy các điều dưỡng yên lặng đẩy xe cơm đi phát cơm cho các bệnh nhân, trong đó có cả bệnh nhân vừa bóp cổ đồng nghiệp của mình… Làm sao để vững vàng bước tiếp đây? Làm sao để trả lời được câu hỏi vì sao mình chọn công việc này?".
Khi phóng viên mong muốn chia sẻ thêm về câu chuyện thì nữ nhân viên y tế này cho biết, chị chỉ muốn giấu tên. Đó chỉ là một phút cảm thán của chị khi gánh nặng quá lớn mà đường thì xa. Còn công việc vẫn phải nỗ lực hoàn thành, chưa một phút nào dừng chân.
Cũng trong sáng 15/5, trong buổi họp giao ban, cán bộ và nhân viên BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã dành 1 phút mặc niệm chia buồn với một nữ bác sĩ có mẹ vừa mất. Chồng chị cũng là bác sĩ của viện, hai vợ chồng dù cách nhà có vài cây số nhưng chỉ có thể ở trong viện, gạt nước mắt, bái vọng hướng về nhà.
Trước khi đi, dù mẹ bị ung thư nhưng nhà neo người nên chị vẫn phải gửi 2 con cho bà ngoại trông. Giờ mẹ mất rồi, đau nỗi đau mất mẹ, vợ chồng chị cũng lo hai con gặp cú sốc mà bố mẹ lại không ở bên. Vì vợ chồng bá sĩ neo người nên Ban giám đốc BV cũng đã cử người đến hỗ trợ gia đình lo tang lễ. Trong khi hai bác sĩ đau buồn vì mẹ mất không thể về chịu tang thì một điều dưỡng khác của BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 đã bị 1 bệnh nhân Covid-19 bóp cổ.
TS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc BV cho biết, nữ điều dưỡng bị bệnh nhân Covid-19 tấn công thuộc Khoa Nội tổng hợp. Nam bệnh nhân Covid-19 đang điều trị và cách ly tại Khoa Nội tổng hợp. Bệnh nhân này lớn tiếng đòi nữ điều dưỡng cung cấp số điện thoại của lãnh đạo BV.
Khi được giải thích về việc phải chờ đợi và xin ý kiến lãnh đạo khoa, bệnh nhân này đã xông tới tấn công nữ điều dưỡng. Nam bệnh nhân có hành động đe dọa, bóp cổ nữ điều dưỡng. Thời điểm đó, các bảo vệ của BV đã có mặt kịp thời và can thiệp.
Theo TS Thạch, nguyên nhân vụ việc đang được làm rõ, nhưng bước đầu có thể nhận định do trạng thái tinh thần của bệnh nhân không ổn định, dễ bị bức xúc, kích động sau thời gian dài phải cách ly, điều trị Covid-19.
F1 vẫn điều trị bệnh nhân Covid-19
Theo TS Phạm Ngọc Thạch, hiện nay, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 là đơn vị tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 đông nhất cả nước. Đến trưa ngày 15/5, BV có tới 318 bệnh nhân Covid-19.
Đáng nói, hiện nay tình trạng bệnh nhân nặng và nguy kịch ở BV cũng rất đông. Hiện có đến 35 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Trong đó có 19 bệnh nhân thở oxy, 3 bệnh nhân thở máy không xâm nhập, 13 bệnh nhân thở máy (trong số này có 1 bệnh nhân chạy ECMO, 6 bệnh nhân lọc máu liên tục). Ngoài ra, trong viện còn 1 số bệnh nhân với các bệnh lý khác vì phải cách ly nên chưa thể xuất viện, cần được chăm sóc.
TS Thạch cho biết, 16 tháng nay BV liên tục nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Nhiều bác sĩ cứ hết 3-4 tháng cách ly trong viện, được về nhà chưa bao lâu lại lao vào cuộc chiến mới. Còn lần này, cả cơ sở 2 đều phải cách ly trong viện, cuộc chiến khốc liệt hơn bao giờ hết. Hiện ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, ngoài 1 số nhân viên bị Covid-19, còn lại tất cả nhân viên y tế đều là F1. Nếu như ở những cơ sở y tế khác, nhân viên y tế là F1 được cách ly, không phải làm việc thì ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 dù là F1 nhưng vẫn "ai vào việc đó", vừa điều trị bệnh nhân vừa tham gia phòng chống dịch.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc là một trong số các bác sĩ đang điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Covid-19 tại Khoa Hồi sức tích cực (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2). Suốt 16 tháng qua, anh và đồng nghiệp đã chiến đấu không mệt mỏi để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng. Những bệnh nhân Covid-19 nặng nhất Việt Nam như bệnh nhân số19, đã nhiều lần đối mặt với "tử thần" đều được anh và đồng nghiệp giành giật lại.
"Đợt dịch lần thứ 4 này khắc nghiệt quá. Lượng bệnh nhân nhiều, BV lại trong tình trạng cách ly nên công việc của chúng tôi vất vả hơn nhiều lần"- bác sĩ Phúc chia sẻ.
Vào đêm 14/5 rạng sáng 15/5, anh và các đồng nghiệp đã phải thức trắng đêm để cấp cứu cho 5 bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, trong đó có 1 bệnh nhân diễn biến nguy kịch. Một đêm nhiều kỳ lục.
"Đây là 1 đêm có nhiều kỷ lục đáng buồn. Kỷ lục về số lượng bệnh nhân nặng nhập viện, chưa bao giờ khoa tiếp nhận lượng bệnh nhân nhiều đến thế.
Kỷ lục về số lượng nhân viên y tế cả vòng trong lẫn vòng ngoài được huy động tối đa lúc gần 0 giờ để theo dõi sát sao 18 bệnh nhân nặng, rồi tất tả ngược xuôi chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) cho 1 ca Covid-19 nguy kịch… Trong bất cứ mọi tình huống, các bác sĩ đều đảm bảo cấp cứu một cách nhanh nhất. Đợt dịch nào anh em cũng vất vả, nhưng lần này đúng là quá nhiều trường hợp nặng phải cấp cứu lại vào giữa đêm khuya. "Nếu hỏi chúng tôi có mệt không, đúng là mệt, nhưng không vì thế mà chùn bước, nản chí. Anh em luôn sẵn sàng. Bệnh viện cũng đã có các kịch bản đối phó tình huống cấp bách xảy ra với đầy đủ trang thiết bị, vật tư cần thiết đảm bảo cho công tác cứu chữa được nhanh nhất"- bác sĩ Phúc tâm sự.
Ở hậu phương, do bác sĩ Phúc là F1 nên nhiều người nhà anh cũng trở thành F2, phải cách ly tại nhà. Vì thế, bác sĩ Phúc vừa vất vả điều trị cho bệnh nhân, vừa chịu đựng xa nhà lại càng thương vợ nhớ con hơn.