Khan hiếm máy gặt, bà con nông dân đứng ngồi không yên.
Cho tới thời điểm hiện nay, tại cánh đồng Mai, cánh đồng đường Sắt… xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) với 176 mẫu ruộng của gần 400 hộ dân xóm Mỹ Giang, lúa đang chín rục. Có nhiều thửa lúa thậm chí đã rụng hạt do quá chín. Đáng buồn nhất là những thửa ruộng bị ngã đổ do giông lốc từ đầu tháng có dấu hiệu mọc mầm.
Trong khi đó, người dân nóng ruột, đứng ngồi không yên khi lúa đã quá chín mà máy gặt đập liên hợp khan hiếm nên không thể thu hoạch được.
Không chỉ ở xã Hưng Mỹ, mà trên các cánh đồng ở Hưng Nguyên lúa chín vàng rực, nhiều thửa đã rũ, khô cổ bông nhưng vẫn chưa được thu hoạch do khan hiếm máy gặt đập liên hợp. Ông Hoàng Đức Ân, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: "Vụ lúa Xuân năm nay, toàn huyện có 5.200ha lúa. Hiện lúa đã chín rộ, đến kỳ thu hoạch nhưng đến ngày 17/5, toàn huyện mới thu hoạch được 40% diện tích. Năm nay, máy gặt khan hiếm, không đủ phục vụ nhu cầu của người dân".
Ở Trù Sơn (Đô Lương), những ngày qua, bà con cũng như chủ của các máy gặt cũng đã phải làm việc xuyên đêm để kịp thời vụ. Anh Nguyễn Đạo cho biết: "Lúa chín quá rồi, không gặt kịp sẽ rụng hết hạt, mưa xuống nữa là coi như mất trắng. Với lại, nếu không gặt nhanh lại chậm khâu làm đất, chậm xuống giống vụ hè thu, gặp lũ sớm lại mất mùa. Do đó, đêm qua 16/5, cả nhà phải chia nhau theo máy gặt thu hoạch hết 6 sào ruộng, 3h sáng mới xong".
Hầu hết trên địa bàn tỉnh, lúa đã đến kỳ thu hoạch rộ, tuy nhiên, do lượng máy gặt ít nên không kịp đáp ứng nhu cầu người dân, nhiều nơi, lúa chín rục, rụng cổ bông nhưng vẫn chưa thể thu hoạch. Đáng lưu ý, một số nơi, chính quyền địa phương từ xã đến xóm đã chủ động liên hệ, kết nối và hợp đồng giá cả dịch vụ gặt máy cho dân thì ở nhiều địa phương, xuất hiện tình trạng bảo kê máy gặt, lợi dụng tình hình lúa chín rộ, nhu cầu của người dân về gặt máy tăng cao nên ép giá, thổi giá quá đáng khiến người dân phải chịu thiệt.
Nhiều nơi như Hạnh Lâm (Thanh Chương) giá gặt 1 sào lúa đứng là 200.000 đồng, lúa đổ 220-250.000 đồng; Trù Sơn (Đô Lương), lúa đổ 250.00 đồng/sào, lúa đổ ruộng sâu trũng 300.000 đồng/sào; Nam Thanh (Nam Đàn) 180.000 đồng – 250.000 đồng/sào. Bà Phạm Thị Trí, Trù Sơn (Đô Lương) cho biết: "Như năm ngoái, cũng chừng đó ruộng tiền gặt chỉ hết 500.000 đồng năm nay hết 1.500.000 đồng, gấp 3 luôn. Mà có phải dễ dàng thuê được máy mô, phải chờ đợi, đi theo máy cả ngày, phải năn nỉ họ và người nhà phải theo máy tự đóng lúa họ mới gặt cho".
Trên fanpage "Hội gặt máy ở Nghệ An", rất nhiều người dân ở các nơi lên tiếng kết nối, liên hệ để gọi máy gặt về vùng đồng địa phương gặt lúa cho dân. Song hầu hết, các chủ máy đều đòi mức giá cao (200.000 đồng/sào lúa đứng; 250.000 đồng/sào lúa đổ), thậm chí có những người còn lên tiếng "ngăn sông, cấm chợ" cấm các máy gặt khác gặt với giá thấp hơn 200.000 đồng/sào.
Nguyên nhân chính dẫn đến thiếu máy gặt đập liên hợp là do năm nay, dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, máy từ các tỉnh vùng trong hạn chế không ra Nghệ An, trong khi đó, các giống lúa đều xuống giống cùng một thời điểm nên chín cùng lúc, thu hoạch số mà số máy gặt tại các địa phương ít, không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.