Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, cách nào đầu tư hạ tầng giao thông để vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ của đất nước đang là vấn đề được Chính phủ và Bộ GTVT, địa phương quan tâm.
Tháo "điểm nghẽn" hạ tầng giao thông
Nếu chúng ta có kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách… thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm "đi trước một bước" là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đánh giá vai trò của các địa phương trong việc phát triển hạ tầng giao thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo, tới đây sẽ thực hiện phân cấp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Theo đó, quốc lộ, cao tốc đi qua tỉnh nào thì giao tỉnh đó làm chủ đầu tư. Khi đó, Bộ GTVT chỉ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước. Đây được cho là giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu phát triển 5.000km cao tốc đến năm 2030.
"Hiện, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đang được triển khai dài 80,2km, tổng vốn đầu tư trên 13.815 tỷ đồng, trong đó tỉnh bỏ tiền làm 16,7km, đoạn Vân Đồn - Tiên Yên và triển khai GPMB".
Ông Cao Tường Huy
Thực tế, trong những năm qua, đã có một số địa phương có những cách làm rất tốt trong việc phát triển hạ tầng giao thông qua địa phương bằng các nguồn lực từ xã hội và ngân sách.
Điển hình là tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn nghiên cứu một số mô hình đầu tư nhằm kết hợp và huy động nguồn lực từ khối tư nhân và thí điểm đầu tư theo phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư", với các hình thức: Lãnh đạo công - quản trị tư; Đầu tư công - quản lý tư; Đầu tư - sử dụng công...
Từ năm 2014 đến nay, Quảng Ninh đã có 7 dự án, với tổng số vốn 43.099 tỷ đồng được triển khai như cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long…
Ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, nổi bật trong việc tháo "điểm nghẽn" về thể chế chính là Trung ương đã cho Quảng Ninh cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư phần đường cao tốc để đảm bảo tính khả thi của các dự án.
Trong đó, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 25km thì nhà đầu tư triển khai dự án cầu Bạch Đằng theo hình thức BOT dài 5,4km, ngân sách Quảng Ninh đầu tư tuyến dài 19,8km; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài 59,6km, nhà đầu tư làm tuyến dài 53km, ngân sách tỉnh đầu tư đoạn 6,9km.
Tư liệu quý từ địa phương
Đánh giá về thành công của tỉnh Quảng Ninh trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, thành công và kinh nghiệm của Quảng Ninh là tư liệu quý để các cơ quan Trung ương phối hợp tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sớm thông qua nghị quyết để tạo cơ sở triển khai trên toàn quốc trong khi chờ luật được ban hành.
"Về chủ trương đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, Bộ GTVT sẽ đề xuất Chính phủ có sự thay đổi, điều chỉnh. Theo đó, quốc lộ, cao tốc của tỉnh nào thì giao cho địa phương đó đầu tư"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Trong Luật PPP đã quy định rõ, Thủ tướng Chính phủ là người quyết định giao cho bộ, ngành hay địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án hạ tầng đầu tư theo hình thức PPP.
Do đó, với những khó khăn hiện tại, tỉnh Quảng Ninh rất cần Trung ương có cơ chế, chính sách kịp thời hỗ trợ cho nhà đầu tư triển khai các dự án theo hình thức PPP, BOT.
Qua đó tạo động lực, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư tiếp tục mạnh dạn triển khai các dự án theo phương thức này ở địa phương... Chủ trương giao cho các địa phương thực hiện đầu tư các dự án cao tốc theo hình thức PPP hiện không có gì vướng mắc.
Chia sẻ khó khăn, ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP) cho biết, vướng mắc hiện nay khi phân cấp cho địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án PPP là phần vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương tham gia vào dự án. Bởi, trong Luật Ngân sách quy định rõ, ngân sách trung ương sẽ chi cho các dự án do Trung ương đầu tư, còn các dự án do địa phương thực hiện sẽ dùng ngân sách của địa phương.
Muốn dùng ngân sách trung ương hỗ trợ dự án PPP cao tốc do địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ vướng quy định của Luật Ngân sách. Do đó, để tháo gỡ vướng mắc, sắp tới, Chính phủ sẽ phải trình Quốc hội ban hành nghị quyết riêng nhằm thực hiện.
Theo PGS-TS Trần Chủng- nguyên Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), đường cao tốc là công trình giao thông cấp đặc biệt, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ.
"Tôi cho rằng, Chính phủ có thể phân cấp, phân quyền cho các địa phương đóng vai trò là cơ quan nhà nước có quyền tại các dự án đường cao tốc theo hình thức PPP qua địa bàn. Nhưng, việc quản lý chuyên môn, kỹ thuật liên quan đến đường cao tốc dứt khoát phải do Bộ GTVT chủ trì để kiểm soát toàn bộ công tác thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện khai thác vận hành…"- ông Chủng nói.