Phó chủ tịch bảo mật của Google, ông Royal Hansen đã mô tả điều mà ông gọi là thách thức bảo mật lớn nhất trong 10 năm tới: "Chuyển trọng tâm bảo mật từ công nghệ hiện có sang cấu hình dữ liệu tự phòng thủ, và kiểu dữ liệu này sẽ giúp tiết kiệm nhiều thời gian và tài nguyên máy chủ, dữ diệu được truyền tải nhanh chóng và an toàn hơn bao giờ hết".
Hansen là một trong số các chuyên gia bảo mật của Google đưa ra một số thông tin chi tiết và dự đoán về công nghệ dữ liệu bảo mật tiếp theo.
Hansen cũng giải thích thêm: "Phòng thủ bảo mật dữ liệu theo chiều sâu và thiết kế công cụ bảo mật dữ liệu kiểu mới sẽ phát huy tận dụng tối đa mọi tiềm năng mà phần mềm, công nghệ AI, học máy đem lại. Công nghệ dữ liệu này cũng cho ra các phép loại suy tốt hơn trong quá trình phân loại, kiểm soát dữ liệu"…
Công nghệ dữ liệu tự phòng thủ được xem như hệ thống miễn dịch, nó sẽ hoàn toàn vận hành tự chủ, độc lập và không ngừng phát triển trong 10 năm tới khi nhu cầu về dữ liệu ngày càng tăng, khối lượng lớn, kèm theo đó là yêu cầu bảo mật dữ liệu phải được đặt lên hàng đầu. Với Google, điều đó có nghĩa là họ có trách nhiệm phải tạo ra một mạng Internet an toàn hơn, bảo mật hơn cho hàng tỷ người dùng tiếp theo.
"Lừa đảo trực tuyến sẽ không còn là phương tiện tấn công thành công cho những kẻ xấu nữa. Mật khẩu sẽ là dĩ vãng, khi chúng ta thấy việc áp dụng rộng rãi một khung bảo mật dữ liệu theo mặc định, trong đó có cả công nghệ dữ liệu tự phòng thủ".
"Những tiến bộ của chúng tôi trong công nghệ dữ liệu tự phòng thủ sẽ giúp xác thực và xác minh, nó cũng sẽ thay đổi hoàn toàn cách người dùng đăng nhập vào tài khoản của họ", Mark Risher, Giám đốc Quản lý Sản Phẩm, Danh tính và Bảo mật Người dùng Google cho hay.
"Bảo mật sẽ gần như vô hình đối với tất cả người dùng qua công nghệ dữ liệu tự phòng thủ. Chúng ta cũng sẽ thấy các nền tảng điện toán dựa trên các mô hình tương tự đơn giản hơn, nó sẽ giúp chúng dễ bảo vệ, cập nhật và hỗ trợ tốt hơn, dẫn đến dân chủ hóa các hoạt động bảo mật dữ liệu"- Sunil Potti, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bộ phận Bảo mật đám mây Google khẳng định thêm.
Công nghệ dữ liệu tự phòng thủ đã được các chuyên gia đội ngũ bảo mật của Google chia sẻ sơ bộ. Tuy nhiên, trước mắt đó chỉ là "trang màu hồng", giới công nghệ vẫn chưa quên được vụ việc các nguyên đơn kiện Google vì thu thập dữ liệu cá nhân ngay cả khi người dùng sử dụng chế độ ẩn danh vào tháng 3/2021.
Cụ thể, theo Bloomberg một thẩm phán ở California đưa ra phán quyết rằng Google phải đối mặt với một vụ kiện tập thể về việc công ty này bí mật thu thập dữ liệu người dùng ngay cả khi họ đang sử dụng chế độ "Ẩn danh" riêng tư.
Ba người này đã nộp đơn khiếu nại vào tháng 6/2020 với cáo buộc Google theo dõi dữ liệu tràn lan và việc thu thập dữ liệu này vẫn hoạt động ngay cả khi người dùng thực hiện các bước bảo vệ thông tin cá nhân của mình, như sử dụng chế độ ẩn danh trong Chrome. Vụ kiện này có thể khiến Google tốn ít nhất 5 tỷ USD.
Google đã tìm cách hủy vụ kiện, nhưng thẩm phán Lucy Koh đã viết trong phán quyết của mình rằ,ng công ty đã không thông báo cho người dùng biết Google vẫn thu thập dữ liệu trong khi người dùng đang ở chế độ duyệt web riêng tư.
Google cho biết trong một đơn gửi tòa án rằng, họ đã làm rõ với người dùng rằng tính năng "Ẩn danh" không có nghĩa là người dùng hoàn toàn biến mất.
Người phát ngôn của Google, José Castañeda cho biết công ty không đồng tình với các khiếu nại và sẽ tự bảo vệ một cách mạnh mẽ trước chúng. Ông nói thêm rằng, chế độ "Ẩn danh" của Chrome cho phép người dùng lựa chọn duyệt Internet mà không lưu hoạt động vào trình duyệt hoặc thiết bị của họ. Tuy nhiên, ngay cả khi mở chế độ "Ẩn danh", các trang web vẫn có thể thu thập thông tin về hoạt động duyệt web của người dùng lúc đó.