Dân Việt

Sinh viên chi viện hỗ trợ điểm nóng Covid-19: "Uống mồ hôi thay nước"

Duy Phương 19/05/2021 12:17 GMT+7
Khi mặc đồ bảo hộ, các tình nguyện viên khó khăn trong việc hít thở, cử động. Mồ hôi liên tục chảy xuống mắt, mũi và miệng nhưng không thể dùng tay để lau...

267 cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã xuất quân chi viện công tác phòng chống dịch tại 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Đoàn chi viện cho tỉnh Bắc Ninh bao gồm 2 giảng viên cùng 50 sinh viên xét nghiệm. Đoàn còn lại hỗ trợ cho tỉnh Bắc Giang gồm có 3 giảng viên và 212 sinh viên các lớp xét nghiệm, điều dưỡng và y khoa.

Sinh viên chi viện hỗ trợ điểm nóng Covid-19: "Uống mồ hôi thay nước" - Ảnh 1.

Đoàn cán bộ giảng viên, sinh viên Đại học Kỹ Thuật Y tế Hải Dương xuất quân chi viện tỉnh Bắc Giang phòng chống dịch (Ảnh: NVCC).

Thạc sĩ Ngụy Đình Hoàn (Giảng viên ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương - Trưởng đoàn cán bộ giảng viên, sinh viên hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại Bắc Giang) cho biết, ngay sau khi nhận điều động từ bộ Y tế, trường đã nhanh chóng thành lập đoàn tình nguyện để đi tới tâm dịch.

Ban đầu, đoàn trường dự tính sẽ hỗ trợ địa phương trong khoảng từ 5 đến 7 ngày. Nhưng với tình hình dịch bệnh hiện tại ở Bắc Giang, đoàn sẽ không xác định ngày về.

Xung phong về quê hương hỗ trợ chống dịch

Nhận được thông báo thành lập đoàn chi viện công tác chống dịch Covid-19 ở Bắc Ninh và Bắc Giang kèm lưu ý "đây là nhiệm vụ rất vất vả, ai tự tin hãy đăng ký". Không một chút do dự, Nguyễn Thế Trọng (sinh viên năm 3, lớp Xét nghiệm 11, khoa Xét nghiệm) lập tức đăng ký.

"Là một người con của Bắc Ninh, khi biết có cơ hội về lại quê hương để hỗ trợ chống dịch, mình đăng ký mà chẳng hề do dự.

Cô trưởng khoa trường mình hiểu được điều đó nên đã tạo điều kiện cho sinh viên quê Bắc Ninh tham gia chuyến này. Vậy nên mình đã may mắn có tên trong danh sách chính thức tham gia hỗ trợ chống dịch lần này", Trọng cho biết.

Biết tin con trai tham gia chống dịch tại quê nhà, bố mẹ Trọng tuy có nhiều lo lắng trong lòng nhưng vẫn tự hào, ủng hộ và động viên con trai hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao.

Sinh viên chi viện hỗ trợ điểm nóng Covid-19: "Uống mồ hôi thay nước" - Ảnh 2.

Nguyễn Thế Trọng quyết tâm trở về quê nhà tham gia công tác hỗ trợ phòng chống dịch (Ảnh: NVCC).

Chiều ngày 17/5, Đoàn cán bộ giảng viên, sinh viên của Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương xuất quân đến Bắc Ninh. Nhóm của Trọng gồm 10 người được phân công về Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành, địa điểm bùng dịch "nóng" nhất tại Bắc Ninh hiện tại.

Nghỉ ngơi lấy lại sức, 6h chiều cả nhóm xuất phát đến với tâm dịch Mão Điền. Tuy đã có kinh nghiệm chống dịch trước đó tại Hải Dương, nhưng lần này mọi khó khăn tăng gấp bội.

"Theo kinh nghiệm trước đó, trước khi mặc đồ bảo hộ để bắt đầu công việc lấy mẫu xét nghiệm thì không nên uống quá nhiều nước, để hạn chế đi vệ sinh.

Nhưng mình đã sai, vì dù có lấy mẫu xét nghiệm vào buổi tối nhưng với thời tiết mùa hè cộng với bộ đồ bảo hộ kín mít đã khiến mình đổ mồ hôi như tắm.

Cơ thể mình mất nước trầm trọng, mình cảm thấy hoa mắt, chóng mặt. Đã có lúc mình cảm giác như sắp không thể chịu được nữa nhưng chẳng biết lúc ấy động lực nào đã khiến mình trụ vững và hoàn thành buổi lấy mẫu hôm đó vào lúc 11 rưỡi đêm.

Về đến phòng cũng đã là 12 rưỡi đêm. Cơ thể đã mệt nhoài nhưng bởi lạ phòng nên phải 2 giờ sáng mình mới ngủ được", Trọng tâm sự.

Trọng cho biết, vấn đề lớn nhất là thời tiết. Khi mặc đồ bảo hộ, Trọng khó khăn trong việc hít thở, cử động. Mồ hôi liên tục chảy xuống mắt, mũi và miệng nhưng không thể dùng tay để lau. Cảm giác vô cùng khó chịu.

Nhưng để đảm bảo an toàn, Trọng cùng các sinh viên trong nhóm luôn chấp hành nghiêm các quy tắc phòng dịch.

"Mình cảm giác như phải uống mồ hôi thay cho nước. Dù có vị cay cay, mặn mặn không dễ nuốt lắm nhưng mặc đồ bảo hộ và làm nhiệm vụ rồi thì phải cố gắng thích nghi và hoàn thành tốt thôi", Trọng vui vẻ nói.

Sinh viên chi viện hỗ trợ điểm nóng Covid-19: "Uống mồ hôi thay nước" - Ảnh 3.

Trọng và các đồng đội trong nhóm tại trung tâm Y tế huyện Thuận Thành trước giờ đến tâm dịch Mão Điền (Ảnh: NVCC).

Người dân đến lấy mẫu xét nghiệm ai cũng muốn về sớm để tránh nắng nóng, nhiều người đã không tuân thủ việc xếp hàng dãn cách. Trọng cùng đồng đội phải liên tục nhắc nhở, tránh tình trạng lây nhiễm chéo xảy ra, nhiều người dân không hợp tác khiến thời gian công việc bị kéo dài.

Trọng cho biết, huyện Thuận Thành cũng quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ của cả đoàn. Nơi nghỉ ngơi của đoàn được trang bị đầy đủ điều hòa.

Bữa nào Trọng cũng ăn hết sạch suất cơm, ăn nhiều hơn ở nhà vì đói và mệt.

Cốc mì tôm ngon nhất từng ăn

Phạm Thị Nhung (lớp Y đa khoa 4) chỉ có 3 tiếng để chuẩn bị cho chuyến đi chống dịch lần này.

Với kinh nghiệm chống dịch tại Hải Dương trước đó, Nhung là một trong những người đầu tiên đăng ký tham gia đoàn tình nguyện của Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đến Bắc Giang chống dịch.

Sinh viên chi viện hỗ trợ điểm nóng Covid-19: "Uống mồ hôi thay nước" - Ảnh 4.

Phạm Thị Nhung tiếp tục tham gia công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 (Ảnh: NVCC).

Từ lúc có tên trong danh sách đến lúc lên xe, Nhung chỉ có 3 tiếng để chuẩn bị vài bộ quần áo, đồ dùng cá nhân. Không quên gọi về nhà thông báo với bố mẹ.

"Bố mẹ mình đã rất lo lắng, thương con. Nhưng rồi gác lại nỗi lo ấy, bố mẹ dặn dò mình từng chút một. Mẹ mình bảo, con đi làm việc có ích cho xã hội, bố mẹ rất vui và tự hào về con, cứ yên tâm mà hoàn thành công việc nhé", Nhung xúc động nói.

Giống với tâm lý của nhiều sinh viên khác, trước khi lên đường, Nhung đã băn khoăn về việc liệu sức khỏe có đảm bảo để thực hiện tốt công tác chống dịch đầy khó khăn không.

Nhận được sự động viên từ người thân, thầy cô, bạn bè và các cấp lãnh đạo, Nhung dần lấy lại sự tin với kinh nghiệm vốn có của mình và sẵn sàng cho chuyến đi.

Buổi làm việc đầu tiên trong tâm dịch diễn ra lúc 7h tối, sau khi cả đoàn ăn tối xong. Việc lấy mẫu xét nghiệm kéo dài đến 12h đêm, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, Nhung cảm giác rõ việc cơ thể mất nước.

Về phòng trong tình trạng vừa mệt vừa đói, Nhung và đồng đội liền pha mì tôm ăn để lại sức.

"Đây là cốc mì tôm ngon nhất mình từng ăn. Không phải sơn hào hải vị gì, nhưng cảm thấy ngon sau khi trải qua cơn đói cồn cào lúc lấy mẫu xét nghiệm. Dù mệt bơ phờ nhưng ai cũng cười thật tươi với cốc mì trên tay", Nhung chia sẻ.

Nhung cho biết, mong muốn lớn nhất hiện tại là đủ sức khỏe để hỗ trợ tốt nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh tại Bắc Giang. Ước cho mọi người sẽ đều bình an và cùng nhau vượt qua cơn đại dịch lần này.

Sinh viên chi viện hỗ trợ điểm nóng Covid-19: "Uống mồ hôi thay nước" - Ảnh 5.

Tiết trời nắng nóng không ảnh hưởng đến tinh thần chống dịch của đoàn sinh viên (Ảnh: NVCC).

"Ban đầu khi mới lên hỗ trợ chống dịch ở Bắc Giang, chúng tôi cũng gặp một vài khó khăn bởi chưa từng làm việc cùng trung tâm y tế địa phương trước đó. Nhưng hai bên cũng nhanh chóng hiểu và phối hợp ăn ý giúp thúc đẩy quá trình lấy mẫu xét nghiệm hiệu quả.

Với thời tiết nắng nóng hiện tại cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của sinh viên, tuy nhiên các thành viên của đoàn vẫn thể hiện tinh thần hăng hái, quyết tâm chống lại đại dịch", thầy Hoàn cho biết.