Người đăng tải bức ảnh này là 1 người dân ở Điện Biên đi tập thể dục sớm.
Người này viết: "Hôm qua 18/5, đang trên đường chạy thể dục, tôi chợt thấy một chiếc xe cứu thương đỗ bên đường, bên cạnh là 2 người mặc đồ trắng toát nằm trên vỉa hè.
Tôi chợt nghĩ, hay là một vụ tai nạn, bởi lúc này mới 4h sáng. Tôi mạnh dạn lay một người dậy, tôi hỏi các anh có làm sao không?
Có người tỉnh dậy trả lời tôi: "Không ạ, chúng cháu mệt quá không thể đi tiếp được, chúng cháu đang tham gia dập dịch ở huyện Nậm Pồ". Thấy vậy, tôi hỏi các anh có cần giúp đỡ gì không, hai anh nói: "Chúng cháu chỉ cần ngủ khoảng 15 phút là đi tiếp được thôi ạ". Tôi xin lỗi vì đã làm phiền, các anh ngủ tiếp đi.
Nghĩ mà thương những chiến sĩ áo trắng phải làm việc hơn 100% sức lực. Xin chúc các anh có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ, giúp người dân dập dịch".
Một trong những nhân vật "ngủ vệ đường" trong các bức ảnh trên là anh Lò Văn Linh - nhân viên y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên).
Anh kể: "Từ ngày 15/5, Điện Biên có ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Tân Phong (xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ), tôi đã nhận nhiệm vụ cùng lực lượng y tế xuống xã Si Pa Phìn để hỗ trợ chống dịch. Công việc hằng ngày của tôi là vận chuyển những F0, F1 đến những khu cách ly, điều trị".
Theo anh Linh, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và căng thẳng nên trong hai ngày đầu tiên tham gia chống dịch, anh và các đồng nghiệp đã phải thức trắng đêm không được ngủ.
Đêm ngày 17/5, anh cùng anh Thân nhận được lệnh chở những F0 xuống Bệnh viện Dã chiến ở trung tâm thành phố cách ly, điều trị. Đến rạng sáng 18/5, sau khi đã đưa các F0 về bệnh viện dã chiến, hai anh tiếp tục quay về Nậm Pồ mà không có thời gian nghỉ ngơi. Mặc dù cả hai đều thấm mệt nhưng vẫn cố gắng động viên nhau.
"Bao đêm anh Thân lái xe liên tục không được một giấc ngủ ngon, tôi rất thương anh. Lúc đi gần hết thành phố để quay về huyện Nậm Pồ, anh Thân nói: 'Thôi giờ chúng ta xuống đây nằm chợp mắt một lúc cho khỏe rồi đi, anh không thể tiếp tục được nữa'. Vì vậy nên hai anh em đã tìm một nơi yên tĩnh để xuống xe nằm nghỉ một lúc rồi mới đi tiếp…".
Tính đến sáng 21/5, vừa tròn 15 ngày, số ca Covid-19 của Điện Biên đã là 48 ca, hàng trăm F1, hàng ngàn F2 khiến lực lượng y tế phải căng mình làm việc 200% sức lực. Nhiều cán bộ đã kiệt sức, nằm chợp mắt một lúc cho khỏe rồi đi tiếp…
Ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế Điện Biên tâm sự, ông cũng đã nhìn thấy bức hình người mặc đồ bảo hộ kín mít nằm ngủ bên vệ đường được cộng đồng mạng chia sẻ những ngày qua. Đó là cán bộ y tế tại Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ và lái xe làm công việc vận chuyển những trường hợp F0, F1 đến những khu cách ly, điều trị.
"Nhìn hình ảnh cán bộ của mình kiệt sức, nằm nghỉ bên vệ đường mà tôi không cầm lòng được. Lo cho sức khoẻ của anh em ngành y tế lắm, họ mà ốm ra thì chẳng có người làm việc. Cả tuần qua, anh em trực chiến, ăn mì tôm mãi cũng chán lắm rồi.
Tôi cũng mới về Nậm Pồ triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và mang thêm thịt lợn, đường sữa, thịt hộp bồi dưỡng anh em cán bộ y tế tăng cường sức lực", ông Nam chia sẻ.
Nhận định về tình hình dịch, ông Nam chia sẻ: "Từ ngày 7/5 đến ngày 20/5, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã ghi nhận gần 50 ca Covid-19, đặc biệt là điểm dịch nguy hiểm như ở xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ. Nhiều trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh có tiền sử tiếp xúc phức tạp, dự báo dịch bệnh có nguy cơ lan rộng cộng đồng khiến lực lượng y tế địa phương rất vất vả.
Họ phải làm việc cả ngày lẫn đêm trong công tác điều tra truy vết, xét nghiệm, test nhanh, hướng dẫn các đối tượng cách ly, vận chuyển các trường hợp F0 về Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ trên tinh thần thần tốc để khoanh vùng dập dịch nhanh nhất.
Theo ông Nam, Điện Biên là tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, địa bàn rộng, địa hình của các huyện phức tạp, dân cư sinh sống rải rác, khiến việc điều tra, xác minh các trường hợp F1, F2 và việc tiếp cận đưa người thuộc diện F1 đi cách ly tập trung, theo dõi sức khỏe tại nhà với F2 gặp không ít khó khăn...
"Đợt dịch thứ 4 này, cán bộ y tế của Điện Biên đã làm việc với 200% sức lực. Chúng tôi cũng vừa có văn bản xin Bộ Y tế tăng cường 1 bác sỹ về Hồi sức, 1 điều dưỡng và 1 cán bộ phụ trách nhiễm khuẩn lên hỗ trợ địa phương. Còn tại điểm nóng Nậm Pồ, Sở Y tế đã tăng cường gần 100 người kết hợp với gần 200 cán bộ y tế của huyện để dập dịch", ông Nam nói thêm.