Như đã đưa trong hai bài trước đó, sau một thời gian đủ để tìm hiểu về các ứng cử viên, cử tri Hà Nội đang rất háo hức chờ đợi đến ngày đi bầu cử. Để cử tri Thủ đô hiểu được hơn về quyền và nghĩa vụ của công dân trong ngày bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, trao đổi với PV Dân Việt một số chuyên gia, nhà nghiên cứu đã có những chia sẻ với cử tri Thủ đô.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên ĐBQH khóa XIII, đại biểu HĐND TP.Hà Nội nhận định: Bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp là một sự kiện quan trọng của cả nước và Thủ đô Hà Nội. Thông qua bầu cử, người dân có thể trực tiếp lựa chọn những người xứng đáng có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương là HĐND các cấp.
Về quyền và nghĩa vụ của cử tri trong bầu cử đã được thể hiện rất rõ trong các quy định của Luật. Ví dụ như công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử. Mọi công dân đều được ghi tên vào danh sách cử tri; được lập và niêm yết công khai... Giá trị phiếu bầu của các cử tri như nhau, không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội...
"Mỗi cuộc bầu cử là dịp để người dân phát huy quyền làm chủ. Vì vậy, mỗi cử tri cần phải sáng suốt lựa chọn, giới thiệu và bầu ra những người tiêu biểu, đủ đức đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình; để thay mặt mình thực hiện quyền lực Nhà nước, góp phần thiết lập ra bộ máy Nhà nước để tổ chức, điều hành các hoạt động quản lý xã hội", PGS.TS Bùi Thị An nói.
Bà An cũng cho rằng, trải qua nhiều cuộc bầu cử, cử tri cũng đã ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình, tích cực tham gia từ giai đoạn giới thiệu người ứng cử, các hội nghị cử tri đến bỏ phiếu bầu.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận cử tri dường như vẫn còn thờ ơ với trách nhiệm công dân của mình, hay nói khác đi, họ coi đây là việc không liên quan gì đến mình cả, nên dẫn đến việc có tình trạng nhờ bỏ phiếu thay, một người đại diện cho cả nhà đi bỏ phiếu; bỏ phiếu qua loa, đại khái. Cũng bởi không quan tâm đúng mức đến ứng cử viên mình lựa chọn hoặc không nắm rõ quy định, số lượng người được bầu nên bầu sai hoặc lựa chọn theo cảm tính.
"Kinh nghiệm để tránh bầu hộ, bầu thay là trước ngày bầu cử 3 ngày phải tổ chức họp các đoàn thể để họ đôn đốc các hội viên của mình, nếu không có sự đôn đốc của đoàn thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi… thì tình trạng bầu hộ, bầu thay rất dễ xảy ra, đặc biệt là ở vùng nông thôn", ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam.
"Theo bà An, nếu bầu người không đúng, sau này người đại biểu đấy không đóng góp được gì cho dân, cho nước thì thật là đáng tiếc. Và khi họ đã giữ một chỗ trong cơ quan dân cử mà không làm gì cũng cản trở sự phát triển bền vững của xã hội.
Bà An chia sẻ: "Với cá nhân tôi, trước mỗi đi bỏ phiếu tôi đều có sự tìm hiểu rất kỹ về từng ứng cử viên, dù người ứng cử được tổ chức giới thiệu song cảm thấy không xứng đáng, mình có quyền không bầu, để góp phần tạo ra cơ quan dân cử chất lượng, để người đại biểu thực sự đại diện cho cử tri".
"Tôi nghĩ các cơ quan có trách nhiệm cần tuyên truyền cho người dân hiểu hơn về quyền của mình và có ý thức hơn trong việc lựa chọn, bầu ra người xứng đáng đại diện cho mình. Công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức phong phú từ báo nói, báo viết, truyền hình và tuyên truyền miệng, trực quan sinh động, nhất là tuyên truyền trực diện và trực tiếp tại cơ sở, tại các cụm dân cư. Qua đó, tạo điều kiện cho từng cử tri nắm bắt được mọi quy trình, cách thức thực hiện quyền bỏ phiếu bầu cử và sẵn sàng cho sự lựa chọn của mình", bà An đề xuất.
Đồng quan điểm, chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa và xã hội nhấn mạnh, bầu cử không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của cử tri trong việc xây dựng Nhà nước của dân do dân và vì dân.
Đề cập đến tình trạng bầu hộ, bầu thay, gạch tên theo cảm hứng, ông Nguyễn Túc cho rằng, việc này có được phép hay không là do sự lãnh đạo của các cấp lãnh đạo, đoàn thể ở cấp chính quyền không chỉ Hà Nội mà cả cấp Trung ương.
Theo ông, kinh nghiệm để tránh việc bầu hộ, bầu thay là trước ngày bầu cử 3 ngày phải tổ chức họp các đoàn thể để họ đôn đốc các hội viên của mình, nếu không có sự đôn đốc của đoàn thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi… thì tình trạng bầu hộ, bầu thay rất dễ xảy ra, đặc biệt là ở vùng nông thôn.
"Ở chỗ tôi (phường Phương Mai, quận Đống Đa, TP.Hà Nội) mấy ngày vừa rồi phường cũng đã tổ chức họp để nói về vấn đề này và đã thành công được một bước, đó là phải đi bầu đúng thời gian và trực tiếp đi bầu, những người nào ốm yếu những người đi xa thì phải báo cho chính quyền địa phương. Đồng thời trước khi bầu phải nghiên cứu kỹ những người mình bầu và không bầu, tránh bầu-gạch theo cảm tính.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng lưu ý, chính quyền Thủ đô phải nâng cao trách nhiệm của công dân, cử tri ngày càng tốt hơn, quan tâm đến những đợt bầu cử như là những lần sinh hoạt chính trị, đồng thời, trách nhiệm công dân phải được đề cao để chọn ra những người xứng đáng nhất.
Những biểu hiện như bầu hộ, bầu thay, không suy nghĩ kỹ để chọn ra những người tài, hay có suy nghĩ bầu ai cũng được, thậm chí có người ý thức chính trị kém, họ chẳng bầu ai, bầu không đúng quy chế… đều thuộc ý thức, trách nhiệm của công dân, hoặc bị tác động bởi những yếu tố tiêu cực đến từ thế lực thù địch, lôi kéo quần chúng phá hoại bầu cử.
Tất cả những cái đó phải được ngăn chặn, phê phán đồng thời phải nâng cao được sự giác ngộ chính trị của cử tri, nhất định chúng ta sẽ chọn được những người xứng đáng trong cuộc bầu cử theo đúng tinh thần mà Bác Hồ đã nói từ cuộc bầu cử đầu tiên.
Ông Phúc nhìn nhận, đây là thời điểm đang rất khó khăn vì vừa phải tổ chức bầu cử tốt vừa phải phòng chống dịch bệnh Covid-19, đòi hỏi trách nhiệm rất nặng nề của Hội đồng bầu cử quốc gia cho đến Ủy ban bầu cử các cấp, trong đó có Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đảng viên tham gia tích cực để tạo sự thành công của cuộc bầu cử cũng như trách nhiệm công dân…
"Song tôi tin là với sự ủng hộ của toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ thành công tốt đẹp vì những lần bầu cử trước đây, chúng ta đã vượt qua được khó khăn thách thức để đi đến thành công", ông Phúc bày tỏ.
Còn ông Nguyễn Túc nhấn mạnh, đến thời điểm này, sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cử tri nhân dân Thủ đô cũng như cử tri cả nước luôn tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đại đa số cử tri đã nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của Quốc hội, HĐND các cấp. Mọi người đều phấn khởi mong chờ ngày bầu cử và tuyệt đối tin tưởng rằng, cuộc bầu cử HĐND các cấp và đại biểu Quốc hội sẽ diễn ra trong không khí dân chủ và công bằng.
"Tôi tin tưởng cử tri Thủ đô Hà Nội và cử tri cả nước sẽ bầu đúng, dân chủ và công bằng…", ông Nguyễn Túc nói.
Ngày 21/5, Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn ra Lời kêu gọi bầu cử đến toàn thể nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Ông Tuấn nêu rõ, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được quyết định là ngày Chủ nhật, 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là ngày hội toàn dân nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế. Hà Nội có 10 đơn vị bầu cử để bầu 29 đại biểu Quốc hội; 30 đơn vị bầu cử để bầu 95 đại biểu HĐND Thành phố; 269 đơn vị bầu cử để bầu 1.054 đại biểu HĐND cấp huyện và 3.056 đơn vị bầu cử để bầu 10.807 đại biểu HĐND xã, thị trấn.
Trong thời gian vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện "mục tiêu kép" - vừa phòng, chống dịch bệnh Covid 19, vừa phục hồi tăng trưởng, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống Nhân dân, đồng thời triển khai đồng bộ các nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho Ngày bầu cử. Không khí vui tươi, tưng bừng, phấn khởi đang lan tỏa trên khắp các tuyến phố, đường làng, ngõ xóm, nhất là tiếng loa truyền thanh tuyên truyền tại khu vực 4.831 địa điểm bầu cử như thôi thúc, động viên mỗi cử tri Thủ đô hãy tích cực, hăng hái đi bỏ phiếu theo đúng thông điệp phòng chống dịch 5K của Bộ Y tế.
"Thay mặt Uỷ ban bầu cử Thành phố, tôi kêu gọi toàn thể cử tri Thủ đô phát huy vai trò, trách nhiệm và quyền làm chủ của công dân, tham gia tích cực bỏ phiếu để đảm bảo bầu đúng, bầu đủ số lượng đại biểu ở từng cấp, sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu, xứng đáng nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân tham gia Quốc hội và HĐND các cấp, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.
Với tinh thần của Ngày Tổng tuyển cử và bằng tất cả trách nhiệm, niềm tin, sự kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng của đất nước, của dân tộc, cử tri Thủ đô Hà Nội cùng với cử tri cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn Thành phố", Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP.Hà Nội kêu gọi.
(Còn nữa)