Theo báo cáo của trang Bloomberg, Patrick Ky- giám đốc điều hành Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA) trong một sự kiện trực tuyến mới nhất, ông khẳng định phương tiện taxi bay điện có thể được phép cất cánh vào năm 2025, hoặc thậm chí sớm nhất là vào năm 2024.
"Tôi tin rằng việc sử dụng taxi hàng không vì mục đích thương mại có thể bắt đầu diễn ra sớm vào năm 2024 hoặc 2025".
Patrick Ky còn cho biết: "Với vận tải hành khách tự động, việc bắt đầu với các phương tiện taxi đường hàng không không hề dễ dàng và phải có lộ trình chuẩn bị nhất định".
EASA cũng trích dẫn các số liệu cho thấy, thị trường lĩnh vực di chuyển hàng không đô thị (UAM) sẽ có trị giá 4,2 tỷ euro ở châu Âu vào năm 2030, có thể tạo ra 90.000 việc làm. Khoảng 31% thị trường UAM toàn cầu mang công nghệ mới sẽ đặt tại Châu Âu.
Thậm chí, EASA đã bắt đầu quá trình chứng nhận một số thiết kế và dự kiến phê duyệt đầu tiên cho các thiết bị nguyên mẫu thử nghiệm nhẹ vào khoảng năm 2024, Ky nói với các phóng viên.
Ở Châu Âu hiện nay có ít nhất 6 công ty đang phát triển lĩnh vực UAM. Công ty khởi nghiệp Đức Volocopter và những các công ty có dự án tương tự khác như Aeroports de Paris (ADP.PA) hy vọng sẽ trình diễn công nghệ UAM kịp thời cho Thế vận hội Paris vào năm 2024.
"Các phương tiện di chuyển hàng không đô thị cũng sẽ phụ thuộc vào các phê duyệt hoạt động kiểm tra xem, chúng có bay qua các trung tâm đô thị tiềm năng không, và có để lại các mối nguy hiểm cho các máy bay dân dụng, đường sắt hay không, bởi thực tế những phương tiện này sẽ cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, không giống như máy bay dân dụng hiện tại", ông Patrick Ky nói.
An toàn cũng là mối quan tâm hàng đầu, và phần lớn những người được thăm dò bởi EASA cũng bày tỏ lo ngại về tác động của công nghệ này đối với chim hoặc côn trùng, trong khi an ninh mạng nằm trong danh sách những mối lo tiềm ẩn cao, đặc biệt là đối với máy bay không người lái, taxi bay điện…
Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu cũng công bố kết quả của một cuộc khảo sát về khả năng di chuyển của phương tiện di chuyển hàng không đô thị, lấy ý kiến của 4.000 công dân ở sáu thành phố châu Âu. Họ nhận thấy rằng, 83% người được hỏi có thái độ tích cực ban đầu, với các mục đích sử dụng taxi bay điện để vận chuyển cấp cứu y tế.
Kỳ cho biết, các phương tiện bay trong các thành phố đông đúc sẽ đòi hỏi các tiêu chuẩn an toàn cao hơn, và các nhà quản lý sẽ phải đối mặt với những lo ngại phiền toái như tiếng ồn và sự lộn xộn về trật tự giao thông trên bầu trời.
Đồng ý kiến trên, Jarrett Walker- một nhà tư vấn về quy hoạch và chính sách giao thông công cộng cho biết, các dịch vụ taxi hàng không tư nhân có thể phát sinh ra nhiều vấn đề mà chúng ta không thể lường trước được: "Những chiếc taxi bay có thể tạo ra 1 mức độ tiếng ồn mới ở các khu đô thị, cụ thể là ở những nơi cất cánh và hạ cánh".
"Những chiếc taxi bay sẽ cần rất nhiều không gian để cất và hạ cánh. Như vậy, nếu chỉ tầng lớp thượng lưu sử dụng thì mới có thể kiểm soát được các vấn đề mà nó gây ra. Sự gia tăng tần suất của những chiếc taxi bay cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn tinh thần của người dân sinh sống quanh đó. Thêm vào đó, những vụ tai nạn giao thông mới liên quan đến chúng là 1 nguy cơ có thể xảy ra. Điều này sẽ khiến người dân bắt đầu lo lắng về những hiểm họa "trên trời rơi xuống".
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho biết để có thể được cấp phép hoạt động, loại phương tiện này cần phải vượt qua nhiều thách thức về công nghệ khác nhau. Một trong số đó là thời gian pin hoạt động. Phần lớn những mẫu được thiết kế đều sử dụng động cơ điện và những loại pin hiện giờ không có đủ năng lượng để một chiếc taxi bay có thể bay ở khoảng cách lớn.
Ông cho rằng, những lo ngại như vậy cần phải được mổ xẻ kĩ càng giữa các cơ quan quản lý của chính phủ, các nhà hoạch định giao thông và các chuyên gia bảo mật.