Dân Việt

Có một Đà Nẵng kiên cường trong đại dịch!

Tâm An - Bùi Toàn 23/05/2021 06:19 GMT+7
Gần 2 năm, 3 đợt dịch Covid-19 tấn công, đã có đợt thành phố trở thành tâm dịch với những khó khăn chưa từng có. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh, tình huống chống dịch nào, vẫn thấy một Đà Nẵng can trường, sáng tạo và vô cùng nghĩa khí.

Một Đà Nẵng kiên cường trong đại dịch Covid-19

Gần 20 giờ một tối tháng 5, ông Nguyễn Văn Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) với tay lấy chiếc điều khiển tắt tivi rồi kéo ghế nhựa ra ngồi trước nhà. Nếu không có dịch, tầm này ông vẫn thường cùng với mấy ông bạn lai rai vài ly bia sau ngày lao động vất vả. Nhưng từ khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng, ai ở nhà nấy, mọi người nhắc nhau mang khẩu trang và hạn chế ra khỏi nhà.

“Mình là dân lao động, không làm được gì to tát cho TP thì làm những điều nhỏ nhất, chỉ mong chúng ta sớm trị được con COVID-19”- ông Quang cười.

TP biển Đà Nẵng những ngày này đang căng mình ứng phó với đại dịch. Lực lượng tuyến đầu từ các “chiến binh áo trắng” tới từng chiến sĩ công an, quân đội đều “xung trận” với một tinh thần cao nhất-Tinh thần của người Đà Nẵng.

Có một Đà Nẵng kiên cường trong đại dịch! - Ảnh 1.

Những cuộc họp chống dịch diễn ra vào đêm khuya với những chỉ đạo rõ ràng nhất từ lãnh đạo TP. Những cuộc truy vết, xét nghiệm thần tốc “vô tiền khoáng hậu” của các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng lên trên cả nước.

Nếu như hồi tháng 7-2020, nơi đây trở thành tâm dịch và nhận được sự hỗ trợ, chi viện rất lớn của Bộ Y tế và các bệnh viện lớn trên cả nước thì lần này, thành phố phải tự lực cánh sinh, trong bối cảnh dịch bệnh đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành.

Và một lần nữa, trong trùng trùng khó khăn, người ta lại thấy được tinh thần Đà Nẵng khi nhà nhà đoàn kết, người người trên dưới một lòng cùng hệ thống chính quyền dựng “thành lũy” ngăn chặn sự lây lan của các “ổ dịch”. Dịch xuất hiện ở đâu, các ngành chức năng khoanh vùng tới đó.

 Video: Có một Đà Nẵng kiên cường trong đại dịch

Có một Đà Nẵng kiên cường trong đại dịch! - Ảnh 2.

Còn nhớ tại cuộc họp của Chính phủ hôm 2-5-2021, Thủ tướng đã hai lần điểm tên Đà Nẵng trong số các địa phương lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Lời nhắc nhở, phê bình ấy dường như khiến nhiều người Đà Nẵng có chút “chạnh lòng”. Bởi thực tế Đà Nẵng đã làm rất tốt, một con virus nhỏ xíu khi đã xâm nhập thì không tài nào có thể ngăn ngừa, phòng bị được tuyệt đối. Chưa kể, TP cần phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phải khôi phục phát triển kinh tế. Một nền kinh tế “thấm đòn” khi ngành du lịch-dịch vụ lao đao vì dịch.

Ngày 3-5, thành phố lần thứ ba bước vào cuộc chiến với dịch bệnh khi phát hiện ca mắc cộng đồng đầu tiên ở khách sạn Phú An. Ngay lập tức, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP Đà Nẵng đã họp khẩn. Cuộc họp diễn ra khá căng thẳng.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã nhắc lại lời phê bình của Thủ tướng và từ đó những hành động quyết liệt, mạnh mẽ được đưa ra. Ông Quảng cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, tâm lý lơ là của các quận, huyện, nhất là việc nhắc nhở người dân mang khẩu trang và giữ khoảng cách nơi công cộng. Đặc biệt, sau khi nghe báo cáo, vị Bí thư không hài lòng khi nhiều người “cảm giác như chưa đọc các văn bản” và còn tình trạng “quyền anh, quyền tôi” trong tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Có một Đà Nẵng kiên cường trong đại dịch! - Ảnh 3.

Cuộc họp ấy như giúp Đà Nẵng “xốc” lại tinh thần để một lần nữa bước vào cuộc chiến mới với đại dịch, phức tạp hơn, khó lường hơn. Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho thấy sự chủ động, quyết liệt khi triển khai các phương án chống dịch theo từng cấp độ.

Ngay đêm 3-5, TP cho tạm dừng tất cả các hoạt động không thiết yếu, bao gồm cả việc tắm biển. Học sinh, sinh viên chuyển sang học online, các hàng quán chỉ được phép bán mang về, người dân quay về hình thức đi chợ bằng tem phiếu theo ngày chẵn, lẻ. Trên các tuyến đường, bất kể ngày đêm, lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra nhắc nhở bà con mang khẩu trang, không được tụ tập nơi đông người.

Có một Đà Nẵng kiên cường trong đại dịch! - Ảnh 4.

Chiều chiều, tiếng loa vẫn len lỏi khắp các con phố, ngõ nhỏ để tuyên truyền. Mọi hành vi vi phạm các quy định phòng, chống dịch đều bị xử lý nghiêm khắc. Đặc biệt, Đà Nẵng yêu cầu các quận, huyện khẩn trương rà soát các trường hợp người nước ngoài lưu trú trên địa bàn, kêu gọi người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, báo ngay với cơ quan chức năng khi thấy người nước ngoài có dấu hiệu nhập cảnh trái phép.

Sau khi các ổ dịch ở vũ trường New Phương Đông, thẩm mỹ viện AMIDA được kiểm soát, dịch bất ngờ khó lường khi một công nhân ở khu công nghiệp An Đồn mắc COVD-19 không rõ nguồn lây. Có thời điểm số ca mắc liên quan đến ổ dịch này lên tới hàng chục người. Những địa điểm liên quan đến bệnh nhân COVID-19 lập tức được khoanh vùng, khu công nghiệp tạm thời phong tỏa, hàng nghìn y bác sĩ thần tốc truy vết các “F”, khẩn trương cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nguy cơ cao. Thành phố cũng yêu cầu người dân không được tụ tập quá 5 người nơi cộng cộng, tạm dừng các dịch vụ grab, taxi và shipper.

Tất cả các lực lượng từ công an, bác sĩ, quân đội, dân quân tự vệ đến đoàn viên, thanh niên, tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh đều lao vào cuộc chiến chống dịch với tinh thần cao nhất.

Có một Đà Nẵng kiên cường trong đại dịch! - Ảnh 5.

Và rồi, với sự đồng lòng của nhân dân, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các ổ dịch dần được kiểm soát, số ca mắc giảm dần. Đặc biệt, riêng ngày 19-5, Đà Nẵng lập kỷ lục xét nghiệm mới khi cán mốc 31.451 mẫu/ngày nhờ phương pháp lấy mẫu gộp. Đây là một trong những cách làm sáng tạo được CDC Đà Nẵng thực hiện thành công ở đợt dịch thứ hai vào tháng 8 năm 2020, được nhiều địa phương học tập, triển khai trong công tác chống dịch.

Đến đợt dịch này, phương pháp xét nghiệm gộp được cải tiến từ gộp 5 lên 10 mẫu. Người dân trong khu dân cư, vùng phong toả, khu công nghiệp có ca nghi nhiễm sẽ được lấy mẫu gộp để xét nghiệm. Nếu có kết quả dương tính sẽ lấy riêng mẫu của từng người để xét nghiệm lại. Còn các trường hợp nghi nhiễm hoặc có tiếp xúc gần (F1) vẫn được lấy mẫu xét nghiệm riêng.

Có một Đà Nẵng kiên cường trong đại dịch! - Ảnh 6.

“Với tình hình dịch như hiện nay chúng tôi phải huy động nhân lực để bổ sung cho khoa xét nghiệm, làm việc 24/24 mới có thể giải quyết được lượng mẫu rất lớn. Có ngày chúng tôi phải xét nghiệm cho 22.000 lượt người. Việc xét nghiệm gộp không chỉ tranh thủ được thời gian vàng để khẩn trương khoanh vùng, truy vết các F, tăng năng lực xét nghiệm cộng đồng mà còn giúp thành phố tiết kiệm chi phí, trong khi kết quả xét nghiệm vẫn được đảm bảo”- bác sĩ Tôn Thất Thạnh (Giám đốc CDC Đà Nẵng) cho hay.

Có một Đà Nẵng kiên cường trong đại dịch! - Ảnh 7.

Đây không chỉ là sự động viên, ghi nhận kịp thời, xứng đáng dành cho những sáng tạo, nỗ lực không biết mệt mỏi của ngành y tế và chính quyền Đà Nẵng mà còn là chiến công chung của người dân TP trong cuộc chiến với đại dịch.

Có một Đà Nẵng kiên cường trong đại dịch! - Ảnh 8.

“Đà Nẵng ơi tình đời. Có qua bao lận đận mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu. Có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến. Có hiểu được lòng nhau mới thấu hết nghĩa tình”. Đó là những câu hát rất hay, rất đẹp mà nhạc sĩ Đình Thậm viết về vùng đất và con người Đà Nẵng.

Quả thực, có sống ở TP biển những ngày này mới thấy hết cái tình của người Đà Nẵng. Trước dịch, người ta có thể mâu thuẫn, lời qua tiếng lại chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Thế nhưng, khi TP đối mặt với vô vàn khó khăn bởi dịch bệnh cũng là lúc người dân gần nhau hơn. Những người xa lạ không ngại ngần chia cho nhau từng chiếc khẩu trang, chai nước sát khuẩn hay nhắc nhau mang giãn cách mỗi khi ra đường. Những người hàng xóm sẵn sàng san sẻ cho nhau lá phiếu đi chợ hoặc vui vẻ mua giúp hàng xóm bó rau, mớ cá nếu được nhờ.

Xa hơn, chúng ta chắc hẳn chưa thể quên mùa hè nóng bức năm ngoái, Đà Nẵng trở thành tâm dịch và nhiều bệnh viện bị phong tỏa. Hàng tấn hàng hóa đã được quyên góp để ủng hộ đội ngũ y bác sĩ trong bệnh viện, người dân trong các khu phong tỏa, hàng nghìn suất ăn được nấu bàng cả trái tim gửi đến lực lượng chức năng tại các điểm chốt kiểm soát dịch bệnh.

Có một Đà Nẵng kiên cường trong đại dịch! - Ảnh 9.

Hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Chi (91 tuổi, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu) đã dành toàn bộ số tiền tích cóp từ các khoản lì xì hàng năm và tiền quà của con cháu ủng hộ lực lượng chống dịch làm nhiều người cay xè khoé mắt: "Ngày xưa chiến tranh khói lửa, mình nghèo khổ đã có Nhà nước giúp đỡ, chăm lo, nay Nhà nước cần mình thì có cái gì mẹ ủng hộ cái đó".

Người dân TP Đà Nẵng vẫn không quên hình ảnh của bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng (Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng) với mái tóc bạc, vai khoác ba lô cồng kềnh khi ông dẫn quân chi viện Gia Lai chống dịch. Vắt kiệt sức sau hai đợt dịch, ông và những người con ưu tú của TP vẫn sẵn sàng lên đường hỗ trợ tỉnh bạn trong lúc Tết Nguyên đán cận kề.

Có một Đà Nẵng kiên cường trong đại dịch! - Ảnh 10.

Cái tình của người Đà Nẵng còn thể hiện qua cách lãnh đạo TP đưa ra phương án chống dịch, chủ động, quyết liệt nhưng vẫn luôn nghĩ đến lợi ích của người dân. Ngay khi Đà Nẵng quyết định tạm dừng dịch vụ grab, taxi, shipper... chúng tôi đã đặt câu hỏi với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng: “TP có áp dụng giãn cách xã hội trong một khoảng thời gian nhất định để dập dịch?”.

Ông Nguyễn Văn Quảng không ngần ngừ mà trả lời rằng, biện pháp giãn cách xã hội đơn thuần rất dễ cho cơ quan quản lý, nhưng lại tạo khó khăn rất lớn cho đại đa số người dân, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi người dân vẫn có nhiều nhu cầu phải thực hiện. “Thực tế các biện pháp này là từng bước mình khoanh nhỏ theo đúng chủ trương khoanh vùng hẹp, xét nghiệm rộng. Cách thức này chính là phục vụ cho việc khoanh hẹp nhóm người có nguy cơ cao mà không ảnh hưởng đến những người khác”, ông Quảng nói.

Có một Đà Nẵng kiên cường trong đại dịch! - Ảnh 11.

Khi những ca bệnh bắt đầu được phát hiện ở các địa phương khác, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại rằng nguồn cơn bắt đầu từ Đà Nẵng. Thậm chí, có địa phương vì lo ngại dịch bùng phát đã quyết định không tiếp nhận người từ Đà Nẵng về hay bắt buộc xét nghiệm, cách ly đối với công dân Đà Nẵng khi đến địa phương khác.

Những thông tin đó khiến những người con của thành phố bên sông Hàn thêm một lần chạnh lòng, song chính quyền Đà Nẵng không vội phản bác. Đối với họ, hành động thần tốc và quyết liệt để chiến đấu với đại dịch, quan trọng hơn.

Tối 17-5, khi nghe tin Bắc Giang và Bắc Ninh- hai tỉnh miền Bắc tiếp tục bùng phát dịch với số ca dương tính tăng lên không ngừng, chính quyền Đà Nẵng ngay lập tức quyết định chi viện 12.000 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, tương đương 6 tỷ đồng cho 2 địa phương để hỗ trợ dập dịch.

Dẫu vẫn đang oằn mình chiến đấu với dịch bệnh, Đà Nẵng vẫn không quên đưa một cánh tay hỗ trợ tỉnh bạn, hỗ trợ người dân cả nước vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra. Những tháng đầu năm 2021, dù kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề sau các đợt dịch nhưng TP vẫn sẵn sàng đón hơn 80% chuyến bay đưa người Việt từ bốn phương trở về nước cách ly. Trong đó, nhiều trường hợp mắc COVID-19 được cách ly, điều trị tại các bệnh viện của TP.

Có một Đà Nẵng kiên cường trong đại dịch! - Ảnh 12.

Người Đà Nẵng là như thế, luôn đoàn kết và nghĩa khí trong hoạn nạn.

Mới đây thôi, CDC Đà Nẵng đã công bố kết quả giải trình tự gen cho thấy, hai ca bệnh dương tính tại Hà Nội không lây nhiễm COVID-19 từ Đà Nẵng như nghi ngại của nhiều người trước đó. Thông tin này đã khiến người dân thành phố thở phào nhẹ nhõm, trút bỏ được mối lo về nguồn lây nhiễm tại Đà Nẵng.Xa hơn nữa, thông tin này cũng củng cố một niềm tin của người dân, của cả nước vào chiến thuật phòng chống dịch của thành phốthời gian qua.

Thành phố bên sông Hàn vẫn đang tiếp tục kiên cường chiến đấu với dịch bệnh. Qua mỗi ngày, cấp độ chống dịch của toàn thành phố lại nâng lên một bậc. Song người Đà Nẵng đặt niềm tin vào lãnh đạo, vào chính quyền, bởi thế, cuộc chiến chống dịch này dường như không có gì có thể làm khó họ.

Có một Đà Nẵng kiên cường trong đại dịch! - Ảnh 13.

Y bác sĩ lại bước vào những buổi thâu đêm xét nghiệm, chữa trị. Lực lượng quân đội, công an, tình nguyện viên lại lên đường hỗ trợ người dân cách ly, kiểm soát dịch. Người dân nhất loạt không ra khỏi nhà khi không có việc thiết yếu, vui vẻ đi chợ bằng “tem phiếu” và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu, biện pháp từ thành phố.

Chưa thể nói trước được bao giờ thì hết dịch. Người Đà Nẵng sẽ còn phải sống những ngày “không bình thường”. Nhưng họ vững tin rằng, chính quyền thành phố đang làm tốt, người dân đang làm tốt, và Đà Nẵng sẽ tiếp tục thắng trong cuộc chiến này, như đã từng làm được!