Phong độ chói sáng của Ibrahimovic ở AC Milan ở giai đoạn đầu mùa giải này đã giúp anh tự tin nhận lời trở lại ĐT Thụy Điển để tham dự EURO 2020. Tuy nhiên, chấn thương nặng ở giai đoạn cuối mùa đã khiến Ibrahimovic quyết định từ bỏ ngày hội bóng đá châu Âu. Mất ngôi sao "thủ lĩnh" vào phút chót, HLV Janne Andersson đương nhiên sẽ gặp chút bị động và buộc phải có những sự thay đổi trong lối chơi.
Tại vòng loại Euro 2020, ĐT Thụy Điển nằm ở bảng G cùng với Áo, Bắc Macedonia, Slovenia, Israel và Latvia. Lối chơi chủ yếu dựa vào sức mạnh tập thể đã giúp đoàn quân của HLV Janne Andersson không mấy khó khăn để giành ngôi nhất bảng với 8 chiến thắng, còn lại hòa 1 và thua 1. Sức bật của ĐT Thụy Điển nằm ở hàng thủ khi họ chỉ để lọt lưới 5 bàn ở vòng loại.
Đây là lần thứ 7 trong lịch sử ĐT Thụy Điển giành vé tham dự VCK EURO. Thành tích tốt nhất mà ĐT này đạt được ở giải đấu hấp dẫn nhất châu Âu là vào tới vòng bán kết năm 1992. So với mặt bằng châu Âu, nền bóng đá Thụy Điển chỉ được đánh giá ở mức trung bình khá.
Ngôi sao đầu tiên của ĐT Thụy Điển không ai khác chính là HLV Janne Andersson. Dưới sự dẫn dắt của vị HLV này, Thụy Điển trở thành đội bóng cực kỳ khó bị đánh bại, dù trong đội hình không có nhiều cầu thủ ở đẳng cấp cao. Tại World Cup 2018, Thụy Điển đã gây sốc khi lọt vào tới vòng tứ kết. Mục tiêu trước mắt của HLV Andersson là đưa Thụy Điển vào vòng knock-out ở EURO 2020.
Hai cầu thủ nổi bật trong đội hình Thụy Điển tham dự EURO 2020 là Victor Lindelof (M.U) và Dejan Kulusevski (Juve). Đây là 2 ngôi sao chủ lực ở mặt trận phòng ngự và tấn công. Tại M.U, Lindelof có thể chưa được thừa nhận, nhưng ở ĐTQG, trung vệ này lại trình diễn bộ mặt hoàn toàn khác. Đó là lý do Thụy Điển chỉ để thủng lưới 5 bàn ở vòng loại. Trong khi đó, Kulusevski sẽ là niềm hy vọng lớn nhất trên hàng công của Thụy Điển sau khi Ibrahimovic gặp chấn thương.
1. Robin Olsen (1990, Everton)
2. Mikael Lustig (1986, AIK)
3. Victor Lindelof (1994, MU)
4. Andreas Granqvist (1985, Helsingborgs)
5. Martin Olsson (1988, Hacken)
6. Ludwig Augustinsson (1994, Bremen)
7. Sebastian Larsson (1985, AIK)
8. Albin Ekdal (1989, Sampdoria)
9. Marcus Berg (1986, Krasnodar)
10. Emil Forsberg (1991, RB Leipzig)
11. Alexander Isak (1999, Real Sociedad)
12. Karl-Johan Johnsson (1990, Copenhagen)
13. Gustav Svensson (1987, Guangzhou City)
14. Filip Helander (1993, Rangers)
15. Ken Sema (1993, Watford)
16. Emil Krafth (1994, Newcastle)
17. Viktor Claesson (1992, Krasnodar)
18. Pontus Jansson (1991, Brentford)
19. Mattias Svanberg (1999, Bologna)
20. Kristoffer Olsson (1995, Krasnodar)
21. Dejan Kulusevski (2000, Juventus)
22. Robin Quaison (1993, Mainz 05)
23. Kristoffer Nordfeldt (1989, Gençlerbirliği)
24. Marcus Danielson (1989, Dalian Professional)
25. Jordan Larsson (1997, Spartak Moscow)
26. Jens Cajuste (1999, Midtjylland)