Đến 2025, 80% lao động các KCN bị tai nạn lao động được theo dõi sức khỏe điện tử
Tại dự thảo Đề án "Phát triển Y tế lao động xã hội đến năm 2030", Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐTBXH) đề xuất mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu 70% các Bệnh viện, Trung tâm Chỉnh hình - Phục hồi chức năng ngành đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời, thực hiện được tối thiểu 70% danh mục dịch vụ kỹ thuật của cơ sở y tế chuyên khoa tuyến tỉnh.
Ngoài ra Đề án đặt mục tiêu để 30% Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của y tế tuyến xã.
Đặc biệt, đề án cũng đặt mục tiêu sẽ có 80% đối tượng thuộc cơ sở, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất bị tai nạn lao động được quản lý, theo dõi sức khỏe điện tử. Bên cạnh đó, từng bước đầu tư, nâng cấp các cơ sở y tế lao động xã hội theo quy hoạch của ngành Y tế và ngành lao động - thương binh và xã hội.
Dự án đưa tầm nhìn tới năm 2030, 100% các Bệnh viện, Trung tâm Chỉnh hình - Phục hồi chức năng của ngành đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của cơ sở y tế chuyên khoa tuyến tỉnh.
Phấn đấu để 50% Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của y tế tuyến xã.
Đề án phấn đấu sẽ có 90% đối tượng thuộc cơ sở, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được quản lý, theo dõi sức khỏe điện tử; đầu tư, nâng cấp các cơ sở y tế lao động xã hội theo quy hoạch của ngành Y tế và ngành LĐTBXH. Điều này được kỳ vọng sẽ là bước để kiểm soát dịch bệnh, như dịch Covid -19 và tăng cường quản lý sức khỏe toàn diện cho lao động.
Bộ LĐTBXH cũng cho biết, theo thống kê hiện nay, ngành lao động - thương binh và xã hội đang quản lý hơn 600 cơ sở y tế lao động xã hội; trong đó, có 9 bệnh viện, trung tâm chỉnh hình - phục hồi chức năng; 50 trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh và người có công, 415 cơ sở trợ giúp xã hội, 123 cơ sở cai nghiện ma túy.
Các cơ sở y tế lao động xã hội hiện đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc hàng tháng cho hàng chục nghìn đối tượng bảo trợ xã hội và hàng trăm nghìn thương bệnh binh nặng và hàng triệu lượt người có công, người nghiện...
Tuy nhiên, công tác chăm sóc, điều dưỡng, chỉnh hình - phục hồi chức năng cho nhóm đối tượng trên vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Cộng thêm vào đó, chất lượng chăm sóc, điều dưỡng và chỉnh hình - phục hồi chức năng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Những hạn chế, bất cập xuất phát từ hệ thống tổ chức y tế lao động xã hội chưa ổn định; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên cơ sở y tế lao động xã hội còn yếu... Bên cạnh đó, các khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước thiếu cơ sở y tế để tổ chức thực hiện các hoạt động về phòng, chống tai nạn lao động, quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe, bệnh nghề nghiệp của người lao động.
Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe có xu hướng gia tăng của các đối tượng trên, ngành LĐTBXH trình đề án "Phát triển Y tế lao động xã hội đến năm 2030".
Đây cũng là một bước để thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về việc Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Qua đó cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước trong việc góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe đối với thương bệnh binh và người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động; góp phần phát triển an sinh xã hội trong tình hình mới.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ