Vào thời nhà Thanh, đại nội thị vệ là lực lượng bảo vệ Tử Cấm Thành và được ví như "môn thần" hộ mệnh của Hoàng đế.
Trên các bộ phim truyền hình, công việc của họ được miêu tả tương đối nhàn nhã và nhẹ nhàng. Thế nhưng trên thực tế, những người giữ chức vụ này lại có không ít nỗi khổ khó nói.
Và chỉ tới khi cuốn sách kể lại của một thị vệ Thanh triều tên Phú Sát Đa Nhĩ Tế được công bố, hậu thế mới biết tới những góc khuất của công việc này.
Theo "Vãn Thanh thị vệ truy ức lục", các đại nội thị vệ trong Tử Cấm Thành buộc phải tuân thủ những điều được cho là đại kỵ dưới đây.
Vào thời nhà Thanh, Càn Thanh cung được biết tới là nơi để Hoàng đế thiết triều, họp bàn chính sự cùng các đại thần trong Quân cơ xứ. Và một trong những cánh cửa dẫn vào cung điện trọng yếu của Tử Cấm Thành này chính là Cảnh Vận môn.
Theo hồi ức của Phú Sát Đa Nhĩ Tế, Cảnh Vận môn không phải là nơi mà ai cũng có thể ra vào. Ngay tới những quan viên có địa vị trọng yếu hay quý tộc, vương gia cũng cần phải được tra xét cẩn thận mới có thể bước qua cánh cổng ấy.
Để đảm bảo an nguy của nhà vua, công việc của những thị vệ ở Cảnh Vận môn được cho là căng thẳng và nặng nề hơn cả.
Họ luôn phải tập trung tới từng giây từng phút. Bởi lẽ chỉ cần bất cẩn để lọt một người không liên quan bước qua cánh cửa này, đồng nghĩa với việc an nguy của Hoàng đế có khả năng bị đe dọa, tính mạng của họ cũng khó có thể giữ được.
Trên thực tế, các đại nội thị vệ của Thanh triều phải duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi đi ngủ.
Cũng bởi vậy nên dưới gối của họ luôn để sẵn vũ khí thường trực để có thể kịp thời ứng phó trong bất kỳ tình huống khẩn cấp nào.
Chưa dừng lại ở đó, những nhu cầu thiết yếu hằng ngày của các thị vệ như dùng cơm hay đi vệ sinh đều có thời gian quy định rõ ràng và buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Nếu thời gian nghỉ ngơi hay giải quyết việc riêng còn chưa tới thì các thị vệ thời bấy giờ dù muốn giải quyết nhu cầu cấp yếu gì cũng buộc phải nhẫn nhịn.
Vấn đề được coi trọng nhất đối với các đại nội thị vệ chính là yêu cầu về sự sạch sẽ. Vì họ không được phép đổ mồ hôi để tránh làm ảnh hưởng tới các chủ tử.
Do đó, mỗi khi tới mùa hè, tầng lớp này sẽ được cấp nhiều đá viên. Những viên đá làm mát này sẽ được đặt trong bong bóng heo (bóng đái của lợn) đã được làm sạch, sau đó đeo trực tiếp bên người để liên tục làm mát cơ thể.
Không chỉ vậy, bởi nơi mà họ trú đóng trong hoàng cung thường gần nhà vệ sinh, đến mùa hè sẽ thu hút rất nhiều muỗi.
Để những loại côn trùng này không quấy rối cuộc sống của các chủ tử, những thị vệ gác cổng nói trên còn kiêm cả nhiệm vụ… diệt muỗi. Theo đó, họ sẽ có thêm công việc rải muối xuống đất để tránh côn trùng bén mảng tới các cung.
Từ những minh chứng trên đấy, không khó để nhận thấy cuộc sống thực sự của các đại nội thị vệ Thanh triều chẳng hề nhàn hạ như trên phim ảnh mà hậu thế thường thấy.
Họ phải chịu đủ mọi áp lực công việc, ngày đêm sống trong nguy hiểm, thậm chí tới lúc chết cũng phải đem theo không ít bí mật và ấm ức xuống mồ.
Cũng bởi vậy nên có ý kiến cho rằng, mặc dù sở hữu con đường tiến thân được cho là rộng mở, thế nhưng cuộc sống của các thị vệ thời bấy giờ trong Tử Cấm Thành chỉ có thể xem là khá hơn tầng lớp áp chót như cung nữ, thái giám mà thôi…