Dân Việt

Cùng con vào lớp 1: Cô giáo tiểu học bày mẹo cực hay giúp trẻ đọc không bị ngọng

Tào Nga 27/05/2021 06:02 GMT+7
Vài mẹo nhỏ của cô giáo tiểu học sẽ giúp cho học sinh đọc chuẩn, không bị ngọng để tự tin vào lớp 1.

Con vào lớp 1

Làm sao khi con ngọng thanh ngã? Đó là câu hỏi của một số phụ huynh khi rơi vào trường hợp này. Nói ngọng sẽ khiến con mất tự tin, đọc sai và ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Cô Lương Ngọc Anh, giáo viên tiểu học ở Hà Nội chia sẻ, trong quá trình giảng dạy cũng như nhận được nhiều câu hỏi từ phụ huynh, cô biết nhiều bố mẹ đang băn khoăn không biết sửa cho con nói ngọng thanh "ngã" phát âm thế nào. 

Cùng con vào lớp 1: Cô giáo tiểu học mách nước giúp học sinh đọc không bị ngọng - Ảnh 1.

Cô Lương Ngọc Anh, giáo viên tiểu học tại Hà Nội.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp, cô Ngọc Anh tiết lộ công thức đơn giản.

Tách một tiếng có thanh ngã thành hai tiếng: Tiếng có thanh nặng + tiếng có thanh sắc. Cụ thể như sau:

Âm tiết mở đầu bằng nguyên âm đơn

Đỗ = Độ + ố => quả đỗ
Cỗ = cộ + ố => ăn cỗ
Mõ = Mọ + ó => cái mõ
Chõ = chọ + ó => cái chõ
Gỗ = gộ + ố => khúc gỗ
Dễ = dệ + ế => bài dễ…

Âm tiết mở đầu bằng nguyên âm đôi

Cách nói: Âm tiết đầu là tất cả các âm vị của âm tiết chuẩn nhưng mang thanh nặng. Âm tiết thứ hai là nguyên âm /Ơ/ mang thanh sắc /Ớ/

Ví dụ:

Đũa = Đụa + ớ => đôi đũa
Chữa = chựa + ớ => thuốc chữa
Đĩa = Địa + ớ => cái đĩa
Bữa = bựa + ớ => cơm bữa...

Âm tiết khép bằng nguyên âm ngắn /i/ hoặc /u/:

Vẫn áp dụng công thức trên
Ví dụ: Muỗi= Muội + í => con muỗi
Trỗi = Trội + í => trỗi dậy
Bão = Bạo + ú => cơn bão
Não = Nạo + ú => trí não

Những âm tiết khép bằng các phụ âm mũi sau đây mới mang thanh NGÃ. Các âm đó là âm /m/ , /n/ , /nh/ , /ng/.

Âm tiết thứ hai là nguyên âm /Ư/ ( nhưng phát âm giọng mũi và mang thanh nặng /Ứ/ )

Ví dụ: Lẫn = Lận + ứ => lầm lẫn
Lãm= Lạm + ứ => ngự lãm
Rãnh = Rạnh + ứ => cống rãnh
Dũng = Dụng +ứ => trung dũng
Ngỗng = Ngộng + ứ => con ngỗng…

Nói ngọng là hiện tượng ngôn ngữ bị rối loạn. Ngôn ngữ của trẻ hình thành dựa trên cơ sở các phản xạ có điều kiện. Ngôn ngữ được hình thành từ những tác động của các yếu tố môi trường bên ngoài kích thích vào thính giác. Nói ngọng gặp phổ biến ở trẻ nhỏ, nhiều người lớn cũng bị mắc chứng này.

Thực tế chuyện trẻ bị nói ngọng là hiện tượng rất bình thường, sau khi đi học lớp 1 trẻ sẽ được cô giáo luyện nói lại cho chuẩn, đôi khi trẻ học hỏi bạn bè nên cũng không nói ngọng nữa. Tuy nhiên bố mẹ nên uốn nắn cho trẻ để tật nói ngọng không làm ảnh hưởng đến việc học tập và giao tiếp.