Như Dân Việt đưa tin, ngày 26/5, một người phụ nữ tên Q. ở phường Trần Nguyên Hãn, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang được xác định là F1 của bệnh nhân Covid-19 nhưng cố thủ trong nhà.
Đến khoảng 20 giờ 30 tối cùng ngày, lực lượng chức năng đã quyết định phá cửa, áp giải bà Q. xuống xe, cùng bố đi cách ly tập trung.
Sau khi đưa 2 bố con bà Q. đi cách ly, lực lượng chức năng cũng tổ chức phun khử khuẩn và ra quyết định cách ly tại nhà đối với 7 F2, là thành viên trong gia đình bà Q.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho biết, hành vi trốn tránh cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19 là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm.
Đặc biệt, trong thời điểm cả hệ thống chính trị đang vào cuộc để phòng chống dịch Covid-19 như hiện nay thì hành vi của bà Q. rất thiếu trách nhiệm, gây bức xúc trong dân dân.
Dịch bệnh Covid-19 được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A, nên mức phạt với hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế chế cách ly y tế thực hiện theo Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Theo đó, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế với các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng.
Đối với những trường hợp được xác định là mắc Covid-19 nhưng cố tình không đi điều trị, cách ly có thể bị xử lý hình sự.
Cụ thể, tại Điều 1 Công văn 45/TANDTC-PC nêu rõ, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly mà từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt cho hành vi này là phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 - 5 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các khung hình phạt tăng nặng khác quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 như: Phạt tù từ 5 - 10 năm đối với trường hợp người vi phạm gây ra hậu quả dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết 1 người; trường hợp gây ra hậu quả dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 10-12 năm.
"Như vậy, người không tuân thủ quy định cách ly Covid-19 có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, hoặc phạt tù cao nhất lên đến 12 năm. Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 240 quy định, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm", luật sư Bình nói.