Dân Việt

Sinh viên ngành du lịch chật vật ra trường mùa dịch

Tạ Giang 28/05/2021 06:01 GMT+7
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, sinh viên năm cuối ngành du lịch - lữ hành phải đối mặt với không ít khó khăn.

Tốt nghiệp chậm trễ

Là chuyên ngành cần phải được đi thực tế, trải nghiệm nhiều, mọi năm, ngành du lịch - lữ hành được các trường đại học tạo điều kiện cho sinh viên kiến tập, thực tập tại nhiều khu du lịch nổi tiếng. 

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sinh viên các ngành này đã bị hạn chế cơ hội được tham quan và trải nghiệm thực tế. Cũng chính vì vậy, việc ra trường đúng hạn là điều không thể.

Ngọc Giang, sinh viên năm cuối, chuyên ngành Lữ hành - Hướng dẫn du lịch, trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ: "Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, hầu hết các cơ sở, công ty dịch vụ du lịch - lữ hành đều ngừng hoạt động hoặc chỉ làm việc hành chính, giải quyết giấy tờ, hạn chế số lượng nhân viên. Sinh viên năm cuối như chúng mình không có nhiều cơ hội để thực tập. Hiện tại, kỳ thực tập của mình đang bị hoãn lại cho tới khi dịch bệnh bớt căng thẳng. Việc tốt nghiệp đúng hạn là điều không thể".

Sinh viên ngành du lịch “chật vật” ra trường mùa dịch - Ảnh 1.

Giang dẫn đoàn học sinh tham quan trước khi dịch bệnh căng thẳng. Ảnh: NVCC

May mắn hơn Giang, Phương Thảo, sinh viên năm cuối, chuyên ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành, trường Đại học KHXH&NV đã hoàn thành kỳ thực tập trước khi dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện tại. Tuy nhiên, việc xét tốt nghiệp bị lùi lại. 

"Mình có cơ hội được đi thực tập trước khi đợt dịch lần này bùng phát nên không gặp quá nhiều khó khăn. Nhưng việc xét tốt nghiệp bị lùi lại vì chưa thể hoàn thành các môn học khác và các thủ tục giấy tờ khi trường đang thực hiện học online", Thảo chia sẻ.

Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, trên địa bàn thành phố, tính đến hết tháng 2/2021, số lượng doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động ước khoảng 95%. Số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp đại lý lữ hành, tương đương hơn 12.000 người.

Sinh viên ngành du lịch “chật vật” ra trường mùa dịch - Ảnh 2.

Ngành du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Tư liệu

Chị Bùi Thị Thảo, Giám đốc một doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội cho biết: "Trong gần 2 năm qua, có 4 lần dịch Covid-19 lây lan cộng đồng thì đều vào mùa cao điểm du lịch nên thất thu khá lớn. Để tiết kiệm chi phí, chúng tôi đã cắt giảm đến nửa số nhân sự, đồng thời cũng phải luân chuyển, sắp xếp lại nhiều vị trí".

Cánh cửa tìm việc làm phù hợp hạn hẹp

Trước những tác động mạnh mẽ từ dịch bệnh, hàng ngàn lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch thất nghiệp. Cơ hội việc làm cho các sinh viên mới ra trường trở nên hạn hẹp hơn bao giờ hết.

Việc làm đúng chuyên ngành sau tốt nghiệp mới là nỗi băn khoăn lớn nhất của các sinh viên năm cuối ngành du lịch - lữ hành.

Ngọc Giang luôn mong muốn sau này trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến nam sinh này phải nghĩ khác.

"Trước đây mình có cơ hội thử sức với công việc là hướng dẫn viên du lịch ở một vài công ty. Tuy nhiên, vì dịch bệnh nên mình không thể tiếp tục được. Hiện tại, để duy trì cuộc sống, mình phải làm nhiều công việc khác nhau, không liên quan tới du lịch. Nếu dịch bệnh vẫn căng thẳng, thì tìm một hướng đi mới là điều không thể tránh khỏi", Giang tâm sự.

Sinh viên ngành du lịch “chật vật” ra trường mùa dịch - Ảnh 3.

Phương Thảo đã có nhiều trải nghiệm trong ngành du lịch trước đây. Ảnh: NVCC

Giống như Giang, ngoài công việc chính không đúng chuyên ngành, Phương Thảo cũng đã và đang xây dựng, duy trì fanpage về du lịch, học thêm về content marketing và làm cộng tác viên. Điều này giúp Thảo vừa có thể gắn bó với ngành du lịch cũng như trau dồi những kỹ năng khác để có thể tìm kiếm cơ hội khác nếu như dịch bệnh còn căng thẳng.

Với những sinh viên năm cuối ngành du lịch - lữ hành như Giang hay Phương Thảo, mong mỏi lớn nhất lúc này là dịch bệnh sẽ sớm qua đi, các hoạt động du lịch được kích hoạt trở lại để họ có thể theo đuổi, gắn bó với lĩnh vực mình yêu thích và lựa chọn.