Nỗi lòng những người mẹ thất hứa với con
Hình ảnh một bé gái mới hơn 1 tuổi khóc thét, phân trần tức tưởi khi nhìn thấy mẹ trên tivi tại 1 bản tin về dịch Covid-19 mà không về ôm mình khiến nhiều người ngấn lệ. Bé hỏi bà: "Sao mẹ ở trên tivi, mẹ không về ôm con".
Điều dưỡng Phùng Thị Hạnh - nhân vật người mẹ bị con trách móc, giận hờn ấy là 1 trong 100 nhân viên y tế Bệnh viện Quân y 103 xung phong vào tâm dịch Bắc Giang trong những ngày nóng bỏng này.
Ngày ngày lao vào công việc, ngộp thở trong những bộ đồ bảo hộ nóng bỏng lại đỡ. Nhưng cứ đêm về chị lại tức sữa, mất ngủ. Chị không dám điện thoại về cho con. Vì mỗi lần 2 mẹ con nhìn thấy nhau lại nước mắt ngắn nước mắt dài. Lòng chị đau như cắt khi con nói: "Mẹ ôm Kem".
"Cách đây 10 hôm, đúng 22 giờ đêm thì tôi nhận lệnh lên đường đến Bắc Giang chống dịch. Tôi chỉ kịp nhờ bà nội qua trông con. Thương nhất là bé Kem con tôi mới 19 tháng, còn chưa cai sữa. Cháu chưa có ngày nào phải xa mẹ, xa sữa mẹ cả"- chị Hạnh tâm sự.
Ngay đêm đầu tiên xa con nhỏ, chị Hạnh đã bị tắc sữa, sốt li bì. Vừa vắt sữa bỏ đi, chị vừa xót xa nhớ con. "Không dám gọi điện về cho con vì con cứ khóc đòi mẹ bế. Dù tôi hứa với con là "ngoan, mấy hôm nữa mẹ về". Nhưng tôi biết mình đang nói dối. Chẳng biết dịch đến bao giờ hết. Chẳng biết lúc nào được về với con. Mà lúc trở về, chắc con cũng đã quên sữa mẹ" - chị Hạnh tâm sự.
Cũng theo điều dưỡng Phùng Thị Hạnh và nhân viên y tế Bệnh viện Quân y 103 đang tham gia điều trị cho hơn 200 bệnh nhân Covid-19, trong đó có hơn chục ca bệnh nặng. Trong số bệnh nhân có cả trẻ nhỏ, 5 phụ nữ đang mang thai, người già ngoài 70 tuổi... Những việc thăm khám, chăm sóc hàng ngày chị Hạnh và đồng nghiệp đều phải tỉ mỉ, cẩn thận. Vì chỉ sợ lơ là, những bệnh nhân có biến chứng nặng.
"Hôm trước bệnh viện dã chiến nhận thêm bệnh nhân nên nhân viên y tế phải nhường nơi ở làm phòng điều trị, chuyển về một trung đoàn bộ đội ở. Giường ngủ kê bằng những tấm gỗ mà tôi thì gầy quá nên đau lưng, khó ngủ. Lại còn căng sữa, nhớ con...".
Tôi không dám điện thoại về nhà, sợ con hỏi: "Bao giờ bố về"
Trong hơn 1 năm qua, bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) đã lăn lộn hết "chiến trường" này đến "chiến trường khác". Mỗi cuộc chiến đều kéo dài 3-4 tháng, không biết ngày nào được về nhà. Vài ngày trước, bác sĩ Linh và 12 anh em khác của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã đến Bắc Giang. Hiện bác sĩ Linh và đồng nghiệp tiếp nhận Bệnh viện dã chiến đặt tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang, chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.
Anh tâm sự: "Tôi gần như không dám gọi về nhà bởi mỗi lần nghe con hỏi khi nào ba về đều xót xa, nhớ nhà lắm. Nhưng rồi mỗi buổi sáng, khi vào bệnh viện, các bệnh nhân nặng chưa thoát được nguy hiểm, chúng tôi lại lao đầu vào công việc và không nghĩ gì cho mình nữa. Chúng tôi chỉ mong sao mong dập tắt dịch, cứu được nhiều người... Chúng tôi biết rõ, khi Bắc Giang-Bắc Ninh và các tỉnh khu vực miền Bắc bình yên thì miền Trung, miền Nam của đất nước mới giữ sạch được "mảnh lưới". Tôi vẫn nói với mọi người, có thể chiến trường, chiến tranh có tiếng súng. Còn chiến trường nơi vùng dịch chỉ là tiếng còi xe cứu thương liên tục và các chiến sĩ áo trắng vẫn ngày đêm làm nhiệm vụ. Chúng tôi quyết tâm mang lại sự bình an để mọi người có thể yên tâm trở lại cuộc sống bình thường".
TK (ghi)
Chị Hạnh cũng cho biết, vì trời nóng nực, công việc vất vả nên cơm nước chẳng buồn ăn, chị thường ăn mì tôm cho nhanh. Cũng có khi ăn xôi thì lại bận việc đến lúc sờ đến gói xôi đã khô cứng. Mọi người làm cùng nhau nhưng phải giữ khoảng cách, nên cũng ít được trò chuyện, tâm sự với nhau"...
"Là một người lính áo trắng, tôi luôn hiểu được trách nhiệm của một người lính, một lương y. Tôi hy vọng mình và mọi người sẽ chung tay sớm chiến thắng dịch để những người mẹ như tôi được về nhà, ôm con vào lòng"- chị Hạnh nghẹn ngào.
Một người mẹ nữa cũng thất hứa với con là điều dưỡng Nguyễn Thị Chiến (Trạm Y tế xã Hoài Thương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh).
Từ ngày 5/5, khi xã Mão Điền (huyện Thuận Thành) phát hiện ca Covid-19 đầu tiên, chị Chiến đã được huy động đi tham gia truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Chị chỉ kịp vơ vội đồ dùng cá nhân để lên đường. Hai đứa con nhỏ của chị (1 đứa 4 tuổi, 1 đứa 5 tuổi) ôm chân mẹ khóc òa, nói mẹ đừng đi. Bé gái 5 tuổi còn mếu máo: "Sắp sinh nhật con rồi, mẹ còn đi".
Chồng chị bị tai nạn lao động bị mất 1 chân, teo 1 cánh tay nên số tiền lương gần 5 triệu đồng của chị Chiến gần như toàn bộ chi tiêu của gia đình trông vào. Con còn nhỏ, chồng không đủ điều kiện để chăm sóc con, mẹ thì mất sớm nên chị đành đem con đi gửi bà nội. Bà cũng đã hơn 70 tuổi, cũng không còn khỏe.
Gần 1 tháng nay, chị Chiến quay cuồng trong công việc, làm từ sáng đến đêm khuya, thời gian chợp mắt cũng xa xỉ. Vừa truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, vừa làm "phu khuân vác" trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm... "Đi làm mệt, mặc những bộ đồ bảo hộ cả người ướt đẫm. Nhiều lúc cảm giác như bao nhiêu nước ở cơ thể mình đã chảy ra hết. Đến đêm khuya lê bước về phòng nghỉ cũng chả thiết ăn uống gì. Tôi và chị em chỉ uống sữa hoặc uống oresol bù nước. Nhưng lúc nào tôi cũng phải cố gắng, động viên làm tốt để nhanh được về với con"- chị Chiến tâm sự. Và chị cũng đành thất hẹn với con gái khi hứa sinh nhật con sẽ mua tặng búp bê Elsa.
Dồn lực cho tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh
Tính đến trưa ngày 30/5, Bắc Giang có hơn gần 2.100 ca Covid-19, Bắc Ninh có gần 800 ca. Kéo theo đó là hàng chục nghìn F1, hàng trăm ngàn F2. Tại đây có một lượng công việc khổng lồ đang cần nhân viên y tế, tình nguyện viên hỗ trợ.
Để thần tốc truy vết hơn nữa, Bộ Y tế đã thực hiện xét nghiệm test nhanh đối với hàng chục ngàn người là công nhân, người dân ở các điểm có nguy cơ cao mắc Covid-19. Cứ 3 ngày lấy mẫu 1 xét nghiệm 1 lần. Riêng tại Bắc Giang, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện đang có 1 đội quân hơn 700 người là nhân viên y tế, sinh viên tình nguyện hàng ngày đi lấy mẫu... Là hàng chục các phòng xét nghiệm sáng đèn thâu đêm suốt sáng... Là hàng trăm nhân viên ngồi nhập dữ liệu, cập nhật báo cáo về tình hình dịch...
Ngày 29/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu trong vòng 1 tuần Bắc Ninh và Bắc Giang phải tổ chức tiêm xong 200.000 liều vaccine Covid-19 (mỗi tỉnh) cho công nhân các khu công nghiệp. Để thực hiện lượng công việc khổng lồ này, Bộ trưởng Long cho biết, Bộ Y tế sẽ điều 1.000 nhân lực ở Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai và các lực lượng y tế khác hỗ trợ 2 địa phương
Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu các "thủ lĩnh" bộ phận thường trực ở Bắc Ninh, Bắc Giang điều quân từ các nơi về chi viện ở mọi mặt trận. "Đến giờ, nhiều nhân viên y tế đã mệt, cần đưa về tuyến sau và đưa lực lượng mới lên. Thay quân có sức lực hơn để chiến đấu. Nếu quân yếu mệt thì không thể chống lại dịch.
Chỉ tính riêng ở Bắc Giang, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang - cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.400 nhân viên y tế, sinh viên học sinh, các trường ĐH y khoa, có lực lượng quân đội, công an tham gia mọi mặt trận chống dịch ở Bắc Giang.
Trong thời gian tới, dịch ở Bắc Giang có thể lan rộng. Bộ Y tế khẳng định đã chuẩn bị lực lượng, hoàn toàn chủ động để hỗ trợ Bắc Giang.
Thứ trưởng Sơn cho biết, trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt 35-37 độ C, trong bộ đồ bảo hộ kín, tất bật lấy mẫu xét nghiệm, một số sinh viên bị ngất. Vì vậy, bộ phận thường trực đặc biệt đã chỉ đạo để các lực lượng lấy mẫu xét nghiệm vào sáng sớm và chiều tối để đảm bảo sức khoẻ cho anh em, đồng thời đảm bảo chế độ ăn uống để các em giữ sức.
Để có nhân lực hỗ trợ toàn lực 2 tỉnh, GS-TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã kêu gọi lãnh đạo 125 trường đại học và cao đẳng y, dược trên toàn quốc hỗ trợ nhân lực cho công tác phòng, chống dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh.
Đến nay đã có hơn 26.000 sinh viên, giảng viên ở các trường y dược đăng ký xung phong chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Các đội đều sẵn sàng lên đường khi có lệnh, thay thế những người đã mệt. Đảm bảo các trận tuyến được giữ vững, không một giây phút lơi lỏng, sớm chặn dịch thành công.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ