Nhiều tỉnh có máy ECMO mà không biết sử dụng
Báo cáo Phó Thủ tướng, Phó Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết, thành phố đã chuẩn bị phương án có 5.000 ca mắc Covid-19 và sẵn sàng hơn 1.900 giường bệnh. Đến thời điểm này, các bệnh viện trong thành phố đang điều trị 221 bệnh nhân dương tính, trong đó có 1 ca nặng từ An Giang chuyển về đang phải chạy ECMO, thở máy.
"Thành phố hiện đã sẵn sàng 200 giường hồi sức cùng các máy móc thiết yếu như máy thở, máy ECMO. Đặc biệt, các bệnh viện tuyến cuối được bố trí mỗi bệnh viện 2 máy ECMO", BS Thượng cho biết.
Trong trường hợp xấu, số ca bệnh tăng nhanh, thành phố có thể tập trung 2.000 giường và bố trí 3.000 giường dự phòng tại một đơn vị khác không thuộc ngành y tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố phải đặc biệt chú ý công tác chuẩn bị, đề phòng các tình huống xấu. Bài học từ Ấn Độ khi dịch bùng phát không kiểm soát được đã dẫn đến tình trạng thiếu oxy trầm trọng.
Trả lời Phó Thủ tướng, BS Tăng Chí Thượng cho biết, mặc dù Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải dự trù 5% số ca phải hồi sức cấp cứu nhưng TP.HCM đã chuẩn bị đến 20% để tiếp nhận ca bệnh nặng, trong đó đã tính đến cả phương án phải tiếp nhận bệnh nhân từ địa phương khác chuyển đến.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh yêu cầu phải quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ bác sĩ ở các tuyến dưới. "Nhiều tỉnh có máy ECMO mà không sử dụng được, không biết sử dụng", ông Khuê chỉ rõ vấn đề.
TP.HCM cần tận dụng nhiều nguồn từ tư nhân để mua vaccine
Về việc tiêm vaccine, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, thành phố đã huy động được một ít tiền nhưng cái khó khăn lớn nhất hiện nay là không có nguồn mua, không nắm được thông tin giá cả nên rất cần Trung ương, Bộ Y tế hỗ trợ. "Chính phủ, Bộ Y tế cần mở rộng cơ chế mua vaccine, người dân hiện đang chấp nhận chích ngừa với tỷ lệ rất cao nhưng không có nguồn để mua thuốc về", ông Đức kiến nghị.
Phó Thủ tướng yêu cầu TP.HCM phải đi trước một bước, không thể chậm trễ, đẩy mạnh việc tiêm vaccine càng nhanh càng tốt. Thủ tướng cũng đã đồng ý huy động các cơ chế, nguồn lực để mua vaccine. Thành phố cần tận dụng nhiều nguồn từ tư nhân dưới sự kiểm soát của Bộ Y tế. "Cần vận động xã hội hóa việc tiêm vaccine. Các chủ doanh nghiệp họ cũng đã đồng ý sẵn sàng bỏ tiền để tiêm cho công nhân để có lực lượng sản xuất", Phó Thủ tướng nhận định và yêu cầu phải quyết liệt tiêm cho hết số vaccine Astra Zeneca. Có thể cuối tháng 7 vaccine Pfizer sẽ về, cần phải tính toán đối tượng, số lượng tiêm nhưng mục tiêu là bảo vệ tuyến đầu. "Sáng tôi đi kiểm tra ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, nơi chuẩn bị làm khu cách ly thì thấy các thầy cô giáo, nhân viên phục vụ cho khu cách ly đó cũng cần phải được tiêm", Phó Thủ tướng nói.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh việc chi viện lực lượng y tế cho các địa phương. "Bộ Y tế phải tính toán thật phù hợp việc chi viện này, lực lượng tại chỗ của các địa phương cũng phải luân phiên để giữ sức, không dồn hết bác sĩ ra tiền tuyến. Phải bố trí, phân lực lượng bác sĩ thành nhiều lớp, nhiều tầng, những khâu đoạn như tiêm, lấy mẫu, xét nghiệm… không cần bác sĩ phải làm trực tiếp. Phải hết sức "tiết kiệm" bác sĩ", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Sáng mai (1/6), Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình sẽ có cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM.