Ngày 30/5, Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) theo Chỉ thị 16, từ 0h ngày 31/5.
Trước lệnh giãn cách khá "đột ngột" này, anh Trần Văn Nghĩa (ngụ phường 5, quận Gò Vấp) cho biết, anh hoàn toàn vui vẻ đón nhận dù biết khó khăn đang chồng chất phía trước.
Anh nói, nghề nghiệp của anh là tài xế xe công nghệ, sau khi có lệnh giãn cách là anh nghỉ ở nhà luôn.
"Ngày nào không đi làm là "chết" ngày đó. Bao nhiêu chi phí trong gia đình trông chờ vào tiền chạy xe hàng ngày của tôi. Trong đó, có tiền nhà, tiền góp mua xe, tiền sinh hoạt… Vì miếng cơm manh áo, nhiều lúc tôi nghĩ hay là lén đi về mấy tỉnh lân cận chạy xe kiếm tiền. Nhưng suy đi tính lại, tiền khi nào kiếm cũng được, còn mạng người thì chỉ có một. Vì bản thân, vì gia đình và toàn xã hội, mỗi người cứ cố gắng một chút chờ dịch bệnh ổn ổn rồi tính" – anh Nghĩa nói.
Còn chị M.H. (ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12) làm việc tại một xưởng may ở quận Bình Thạnh. Xưởng yêu cầu những công nhân đến từ các phường bị giãn cách tạm nghỉ ở nhà, không tới làm việc cho đến khi có thông báo mới.
Ngồi trong căn phòng trọ chật hẹp, chị buồn rầu chia sẻ: "Thật sự tôi rất hoang mang, tâm trạng rối bời. 15 ngày giãn cách, không được đi làm với tôi dài đằng đẵng. Trong thời gian này không biết lấy gì để xoay xở cuộc sống. Chồng tôi chạy xe ôm nhưng sợ dịch bệnh nên tạm nghỉ mấy hôm nay, con thì còn nhỏ, mẹ già lại đau ốm liên miên… Trăm thứ trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi mà giờ buộc phải nghỉ ở nhà..." – chị H. thở dài.
Để vượt qua thời điểm khó khăn này, chị H. cho biết sẽ vay mượn tạm bạn bè và ứng lương công ty, sau này đi làm trả lại. Chị H. nói: "Mình cứ chấp hành tốt các quy định để chống dịch trước đã, nếu để dịch bùng phát như nước ngoài còn khổ hơn, có khi không giữ được mạng. Bây giờ có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, miễn khoẻ mạnh và không nhiễm bệnh là được!".
Tay cầm xấp vé số còn khá nhiều, cô Sáu (phường Thạnh Lộc, quận 12) cười như mếu nói: "Tôi thuộc nhóm nghề nghiệp bị "kỳ thị" trong đợt dịch này. Vì tính chất công việc phải đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người nên nguy cơ truyền bệnh cao, thế nên thấy tôi người ta xua đuổi dữ lắm. Có người thì chỉ né né, có người nói thẳng mặt. Nghĩ cũng tủi, nhưng không đi bán thì lấy tiền đâu trang trải cuộc sống. Đi từ sáng tới giờ mà bán được có mấy tờ à".
Cô Sáu cho biết thêm, cô vừa gặp đoàn cán bộ đi kiểm tra và họ khuyên nên tạm dừng hoạt động trong điều kiện dịch bệnh phức tạp.
"Chính quyền cử người đi kiểm tra từng tuyến đường, từng con phố để nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm túc lệnh giãn cách. Thế nên tôi ráng bán hết chiều hôm nay, ngày mai nghỉ tạm chờ dịch lắng xuống. Cũng biết ở nhà là khó khăn, nhưng mình phải chung tay với chính quyền để chống dịch may ra mới kiểm soát dịch được" - cô Sáu nói.
Cũng tại phường Thạnh Lộc, UBND phường đã triển khai lấy mẫu bệnh phẩm để tầm soát dịch bệnh Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Theo đó, tất cả người dân tại phường được thông báo đến các địa điểm cụ thể để lẫy mẫu từ đêm 31/5, cho đến khi hoàn tất.
Anh Nguyễn Tính - Trưởng Ban quản trị chung cư Thạnh Lộc- cho biết: Chung cư có gần 500 hộ dân sinh sống. Tối 31/5 Sở Y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho cư dân, từ người lớn, trẻ em, gia đình tạm trú hay mới chuyển tới đều được thực hiện. Cư dân tại đây rất vui mừng và hợp tác, thực hiện nghiêm túc quy trình để việc lấy mẫu được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.
Vừa được lấy mẫu bệnh phẩm xong, chị Lê Hồng (cư dân chung cư) cho biết, không ai dám chắc bản thân có bị nhiễm bệnh hay không nên việc được lấy mẫu tầm soát là việc làm rất đúng đắn của chính quyền, qua đó có thể khoanh vùng an toàn, vùng nguy hiểm để người dân yên tâm hơn.
"Chúng tôi rất tin tưởng và thực hiện nghiêm túc yêu cầu của chính quyền. Ai cũng mong với sự quyết liệt, nỗ lực của chính quyền và sự đồng lòng của người dân, dịch Covid-19 sẽ sớm được khống chế để người dân ổn định cuộc sống" - chị Hồng nói.