Như Dân Việt đưa tin, ngày 1/6, Tòa án nhân dân (TAND) quận 1 (TP.HCM) cho biết, đã có thông báo thụ lý vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, giữa nguyên đơn là Lê Thị Giàu (62 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây- và bị đơn là bà Nguyễn Phương Hằng (ngụ quận 3, TP.HCM) – TGĐ Công ty CP Đại Nam.
Bà Giàu khởi kiện bà Nguyễn Phương Hằng – Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam (Bình Dương) vì cho rằng bị bà Hằng "xúc phạm quá đáng danh dự, nhân phẩm", đồng thời đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng...
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.
Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của công dân tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả của xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Theo Điều 34 Bộ luật dân sự 2015, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ phải được hủy bỏ.
"Như vậy, danh dự, uy tín của công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ. Trường hợp cá nhân có căn cứ cho thấy có người đã xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của cá nhân hoặc sử dụng thông tin hình ảnh của cá nhân trái phép, xâm phạm bí mật cá nhân và bí mật gia đình trái pháp luật thì có quyền yêu cầu người vi phạm phải dừng hành vi vi phạm pháp luật, cải chính xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật", luật sư Cường nói.
Về chế tài hành chính: Nếu hành vi xâm phạm đến bí mật đời tư cá nhân, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, vu khống, bịa đặt, xuyên tạc thông tin về người khác mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, với mức phạt từ 100.000 đồng - 300.000 đồng nếu như hành vi diễn ra trong đời sống xã hội.
Còn trường hợp hành vi vi phạm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác trên không gian mạng (như trên Facebook, YouTube...) người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức chế tài có thể lên đến 20.000.000 đồng.
Trường hợp hành vi đưa tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác đến mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, đời sống, sức khỏe của nạn nhân, gây ra dư luận xấu trong xã hội thì hành vi này là nguy hiểm cho xã hội.
Khi đó sẽ không xử phạt hành chính theo các văn bản pháp luật nêu trên mà sẽ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155, Tội vu khống theo Điều 156, Tội truyền hoặc đưa trái phép thông tin mạng máy tính mạng viễn thông theo Điều 288, Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân theo điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuỳ thuộc vào từng hành vi và hậu quả cụ thể, người vi phạm có thể bị phạt tù.
Luật sư Cường cho hay, trong vụ kiện nêu trên nữ doanh nhân Lê Thị Giàu có trách nhiệm vậy cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi của bà Phương Hằng là đưa tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của nữ doanh nhân này và gây thiệt hại đến nữ doanh nhân.
Bộ luật tố tụng dân sự quy định, nguyên đơn có quyền khởi kiện và có nghĩa vụ phải chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Tòa án chỉ giải quyết khi đương sự có yêu cầu và trong phạm vi yêu cầu của các đương sự. Đương sự đưa ra yêu cầu thì phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình bằng các chứng cứ. Trong trường hợp đương sự không thể thu thập được chứng cứ tài liệu có thể đề nghị tòa án thu thập theo quy định pháp luật.
Có 2 vấn đề mà nguyên đơn trong vụ án này phải chứng minh là hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra. Trên cơ sở các hình ảnh, thông tin được công khai trên mạng xã hội nguyên đơn có thể lưu giữ, lập vi bằng để chứng minh hành vi của bà Hằng là vu khống, bịa đặt hoặc có những hành vi có tính chất xúc phạm danh dự nhân phẩm của nguyên đơn.
Trong trường hợp tòa án xác định có hành vi vi phạm pháp luật vấn đề bồi thường thiệt hại mới được xem xét giải quyết. Còn trường hợp nguyên đơn không chứng minh được bị đơn có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của nguyên đơn tòa án sẽ bác đơn khởi kiện.
Việc kết luận hành vi của bị đơn có vi phạm pháp luật hay không sẽ phụ thuộc vào chứng cứ mà hai bên đường sự cung cấp và phụ thuộc vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa.
Tòa án sẽ căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai để kết luận bà Phương Hằng có vi phạm pháp luật hay không, có xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn hay không trên cơ sở đó sẽ xem xét đến việc bồi thường thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại trên thực tế phát sinh.
Có hành vi vi phạm pháp luật, nguyên đơn chứng minh thiệt hại đến đâu, tòa án xem xét có căn cứ sẽ chấp nhận đến đó, không phụ thuộc vào mức yêu cầu ban đầu mà nguyên đơn đưa ra.
Trong trường hợp tòa án kết luận hành vi của bà Hằng là sai phạm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đồng nghĩa với việc nguyên đơn sẽ được xin lỗi, cải chính và bồi thường thiệt hại trên cơ sở những thiệt hại thực tế xảy ra.
Có thể thiệt hại không đến 1000 tỷ đồng như yêu cầu ban đầu của nguyên đơn nhưng riêng về thiệt hại tinh thần, tòa án sẽ xem xét trong phạm vi không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định theo Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015.