Dân Việt

Cho con dùng điện thoại lúc 9 tuổi, người mẹ hối hận vì bị đuổi chém

Ngọc Vũ 05/06/2021 08:21 GMT+7
Câu chuyện đau lòng diễn ra trong một gia đình ở vùng biển miền Trung đã khiến nhiều người cảm thấy sốc và bàng hoàng nhận ra lỗi lầm của người lớn khi cho trẻ em dùng điện thoại mà không kiểm soát được.

12 tuổi đã hút thuốc lá, đi nhậu về khuya

Một chiều tháng 6, chúng tôi có mặt tại ngôi nhà nhỏ của chị L.T.B, trú ở một vùng quê ven biển miền Trung.

Chị B mặt buồi rười rượi, không thể nào ngăn những giọt nước mắt khi nhắc đến con gái 13 tuổi của mình.

"Cháu nó bỏ nhà đi hơn 2 ngày rồi chưa về chú ơi. Giờ tôi không biết tìm ở đâu. Nghĩ đến con, tôi vừa lo vừa giận và hối hận quá", chị B oà khóc.

Cho con dùng điện thoại lúc 9 tuổi, người mẹ hối hận vì bị đuổi chém - Ảnh 1.

Câu chuyện đau lòng diễn ra trong một gia đình ở vùng biển miền Trung là bài học cảnh tỉnh các bậc cha mẹ. (Ảnh minh họa chụp tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị vào tháng 6/2021: Ngọc Vũ).

Vợ chồng chị B có 4 người con. Chồng là ngư dân, đi làm thuê trên tàu cá, 15-20 ngày mới về nhà một lần. Ở nhà chỉ 1-2 ngày lại đi tiếp.

Vợ chồng chị B không biết dùng điện thoại thông minh. Chị B không biết đi xe máy. Hàng ngày, chị đi mua ve chai bằng chiếc xe đạp cọc cạch.

Có 4 người con thì 3 người đi xuất khẩu lao động. Nhớ các con ở xứ người, vợ chồng chị B mua chiếc điện thoại thông minh, đưa cho con gái út học lớp 3 (9 tuổi) tên H, nhờ con đăng ký mạng xã hội, gọi video để nói chuyện online.

Sau khi giúp bố mẹ gọi cho các chị, H xin dùng điện thoại và được đồng ý.

Dần dần, H đâm ra nghiện điện thoại. Lo lắng, nhiều khi chị B đòi tịch thu điện thoại nhưng H van khóc dữ dội nên lại đưa cho con.

"Khoảng 2 ngày không dùng điện thoại là người nó ủ rũ, tóc rối bù như mắc bệnh. Thương con, tôi lại đưa điện thoại cho nó. Tôi muốn kiểm tra xem con dùng điện thoại làm gì nhưng không biết cách. Dần dà tôi không kiểm soát được con nữa", chị B chua xót nói.

Theo chị B, năm học lớp 6, buổi sáng H đi học, buổi còn lại H bảo đi học thêm nhưng đến khuya mới về nhà. Nhiều khi, H về nhà trong tình trạng nặc mùi bia rượu, thuốc lá.

Lo lắng, chị B từ nhẹ nhàng khuyên răn đến la mắng, thậm chí đánh H nhưng không thay đổi được con.

Đuổi chém mẹ và chị rồi bỏ nhà ra đi

Lên lớp 7, H ngày càng lầm lì khi về nhà. Dường như H cảm thấy ngôi nhà của mình là chốn ngục tù. Vì vậy, nhiều lần H nói muốn rời nhà đi làm.

Tôi hỏi: "Sao chị không nói với chồng về tình trạng của H để có biện pháp cứng rắn hơn". Chị B cho biết, chồng đi biển lâu ngày mới về nhà. Khi có mặt bố, H tỏ ra ngoan hiền, không phá phách.

"Khi chồng tôi về nhà thì những lỗi lầm của H đã nguội nên không thể nói nặng lời hay đánh con được", chị B phân bua.

Mới đây, chị gái H là P hết hợp đồng xuất khẩu lao động, về nhà. Thấy H ăn nói hỗn, chửi mẹ rất tục tỉu nên chị la mắng. H chẳng những không sợ mà còn cự cãi, chửi bới lại.

Tức giận, P dùng roi đánh vào chân, mông của H thì bị H dùng gậy 3 khúc đánh vào đầu chảy máu.

P cố gắng lắm mới giật được gậy từ tay H đem cất giấu. Thế là H lấy dao đuổi chém chị mình. Người mẹ chạy tới ngăn chặn cũng bị H đuổi chạy tán loạn, phải kêu cứu hàng xóm. Rất may, P và chị B không bị H chém trúng.

Hôm sau, H bỏ nhà ra đi. Gặp ai, H cũng nói bố mẹ đã ly hôn, ở với chị nhưng bị hành hung nên bỏ nhà đi bụi.

Biết H nói dối, có người tốt bụng đã tìm cách liên lạc với gia đình đưa H về nhà. Thế nhưng, ít hôm sau H trộm tiền mẹ rồi tiếp tục bỏ nhà đi khiến gia đình vô cùng lo lắng.

P cho biết, trở về nhà, nghe mẹ kể H nghiện điện thoại nên đã kiểm tra. P thấy H lên mạng xã hội kết bạn với nhiều thanh niên lêu lỏng, thường xuyên rủ nhau đi chơi, ăn nhậu…

Một số người còn cho biết, H đã chơi với nhóm bạn xấu, có nguy cơ sa vào tệ nạn xã hội.

"Tôi rất hoang mang, lo lắng nhưng không biết phải làm gì để con gái ngoan hiền trở lại. Tôi quá ân hận khi chiều chuộng, cho con dùng điện thoại mà không kiểm soát được. Tôi phải làm gì đây", bà B nói trong nước mắt.

Cho con dùng điện thoại lúc 9 tuổi, người mẹ hối hận vì bị đuổi chém - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng Khoa Tâm lý và Giáo dục Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Ảnh: Tiến sĩ Hùng cung cấp

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng Khoa Tâm lý và Giáo dục Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cho biết, H vừa nghiện điện thoại, vừa giao du với thanh niên ham chơi lêu lổng dẫn đến hành vi lệch chuẩn. Trường hợp của H rất nghiêm trọng, rất khó điều trị, biện pháp giáo dục tại nhà khó thực hiện. Vì vậy, những trường hợp như H gia đình phải tách khỏi môi trường xấu, tốt nhất là nên đưa H vào trại giáo dưỡng để cải tạo may ra mới thay đổi được.

Theo Tiến sĩ Hùng, trẻ em dùng điện thoại nguy cơ cao ảnh hưởng đến thần kinh, tâm lý, dễ bị nghiện game, mạng xã hội..., dẫn đến nhiều hệ luỵ không thể tưởng tượng nỗi, rất khó sửa chữa.

Tiến sĩ Hùng cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, bố mẹ chỉ cho con nhỏ dùng điện thoại "cục gạch" để liên hệ.

Cho con dùng điện thoại lúc 9 tuổi, người mẹ hối hận vì bị đuổi chém - Ảnh 3.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng cho rằng cha mẹ nên cho con tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí để hạn chế dùng điện thoại. Ảnh minh họa: Khon2.com

Để bảo đảm an toàn cho con em mình, Tiến sĩ Hùng khuyên các bậc phụ huynh không cho con dùng điện thoại, hoặc quy định thời gian dùng điện thoại cho con nhưng phải kiểm soát chặt chẽ xem con dùng điện thoại để làm gì.

"Bố mẹ nên quan tâm, giám sát, tổ chức, lôi kéo con vào nhiều hoạt động vui chơi giải trí, học tập như học bơi, đàn, chơi trò dân gian, làm việc nhà... để con em mình hạn chế dùng điện thoại" - Tiến sĩ Hùng nói.