Tần Thủy Hoàng là người đầu tiên có thể thống nhất được lãnh thổ Trung Quốc, cũng bởi vì ông ta là người biết trọng dụng tướng tài. Trong số các vị tướng quân nổi tiếng nước Tần, người được coi là trung thành, "đệ nhất dũng sĩ" chắc chắn phải là tướng quân Mông Điềm.
"Mông Điềm liệt truyện" – Sử ký có ghi chép: Dòng họ Mông vốn là người nước Tề, nhiều đời sống dưới chân núi Tề Mông, có truyền thống nhà binh.
Ông nội của Mông Điềm trí dũng song toàn, là tướng đắc lực, có công chiêu mộ nhiều nhân tài giúp Tần Chiêu Tương vương. Cha Mông Điềm là Mông Vũ đi lính từ nhỏ, là người giúp Tần Thủy Hoàng trong cuộc diệt Sở, thống nhất Tần.
Sinh ra trong gia đình như vậy, từ nhỏ Mông Điềm đã chăm chỉ đọc thông binh pháp, ngày đêm rèn luyện để sớm nối nghiệp cha. Ông cùng em trai Mông Nghị trở thành cận thần được Tần Thủy Hoàng tin tưởng.
Năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng đột ngột qua đời khi đang đi tuần phía Đông, Mông Điềm lúc này đang cùng công tử Phù Tô ở nơi biên cương, không biết rằng vận mệnh của mình rồi cũng kết thúc sau sự ra đi của hoàng đế.
Sau khi Tần Thủy Hoàng mất, hoạn quan Triệu Cao và thừa tướng Lý Tư âm mưu cùng nhau hủy di chiếu của hoàng đế, viết di chiếu giả, lập con trai thứ của Tần Thủy Hoàng là Hồ Hợi lên ngôi, tức Tần Nhị Thế, giá tội cho công tử Phù Tô và Mông Điềm, ép hai người tự vẫn.
Mông Điềm biết trong việc này có gian tình, song để bảo toàn danh tiếng của nhà họ Mông, báo đáp ân tình của Tần Thủ Hoàng, ông đã tự vẫn trong ngục.
Sau cái chết của Mông Điềm, các tướng lĩnh dưới quyền của ông vô cùng đau lòng, họ tận tay mai táng cho ông. Lăng mộ của Mông Điềm nằm ở huyện Tuy Đức, tỉnh Thiểm Tây, các tài liệu hương ước của địa phương ghi lại rằng sau khi xây dựng xong lăng mộ, người dân thường đến đây để cúng tế và chăm sóc phần mộ.
Lăng mộ cao 50 mét, nhìn từ xa giống như một ngọn đồi, sau này người ta trồng thêm thông và bách trên lăng khiến lăng mộ trông rất uy nghiêm. Tuy nhiên, sau hơn 2200 năm, lăng mộ của Mông Điềm dần bị bỏ hoang trong mưa gió.
Mãi đến những năm 60 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ học mới chú ý tới lăng mộ này. Năm 1962, người dân ở khu vực này phát hiện trên lăng mộ Mông Điềm xuất hiện một chiếc hố lớn, các chuyên gia cho rằng đó là dấu hiệu của trộm mộ, bèn nhanh chóng tiến hành khai quật.
Tuy nhiên, công việc không thể tiến hành thuận lợi như dự định. Khi các chuyên gia đào sâu được 3 mét, lớp đất trên lăng mộ bị trôi tuột xuống đi nơi khác (do hiện tượng cát lún), lộ ra một lớp đá sỏi rất cứng. Từ đây có thể đoán được rằng sau khi những tên trộm mộ đào đến lớp đất này, chúng đã quyết định dừng lại, vì vậy mà lăng mộ vẫn được bảo toàn nguyên vẹn.
Trong giới khảo cổ Trung Quốc có một quy tắc ngầm, đó là những ngôi mộ vẫn còn được bảo toàn nguyên vẹn và có niên đại khoảng 2000 năm thì tuyệt đối không được phép khai quật.
Một điều đáng nói nữa là lăng mộ có xuất hiện hiện tượng cát lún, sẽ rất nguy hiểm nếu liều mình đi xuống. Do đó, các chuyên gia đành rút khỏi khu vực lăng mộ và niêm phong hố khai quật, từ đó đến nay lăng mộ vẫn nằm trong sự bảo tồn của chính quyền địa phương.