Sau khi thống nhất 6 nước, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa - Tần Thủy Hoàng, đã bắt đầu tiến hành xây dựng lăng mộ của mình. Hơn 100.000 người trên khắp nơi trên đất nước đã được huy động để xây lăng mộ cho ông trong suốt 39 năm.
Theo truyền thuyết, Tần Thủy Hoàng từng có một giấc mơ rất đáng sợ. Nhiều đêm ông mơ thấy oan hồn của kẻ thù đến đòi mạng khiến ông phải dùng kiếm để tự sát.
Sau khi tỉnh lại Thủy Hoàng đế đã vô cùng sợ hãi, ông lo khi mình băng hà kẻ thù sẽ đến báo thù nên lập tức ra lệnh chôn một số lượng lớn tượng chiến binh mô phỏng theo các vị tướng lĩnh nhà Tần để theo bảo vệ khi hoàng đế đi sang thế giới bên kia.
Đội quân đất nung thần kỳ này được tìm thấy lần đầu tiên vào tháng 3/1974, khi một vài nông dân ở tỉnh Thiểm Tây tình cờ đào được các bức tượng bằng đất có kích thước tương đương với người thật.
Khi vừa mới được khai quật, những chiến binh và ngựa bằng đất nung có thân hình sơn màu rực rỡ. Trang phục, làn da và vũ khí của các chiến binh đều được tô màu cho giống với thực tế nhất. Tuy nhiên trong 7.000 bức tượng được khai quật lại có một chiến binh khác biệt có làn da màu xanh, được gọi là chiến binh mặt xanh. Điều này khiến giới khảo cổ hết sức hoang mang!
Vào thời điểm đó, do chưa có công nghệ bảo quản nên giới chuyên môn còn chưa kịp nghiên cứu hóa giải bí ẩn trên thì tất cả các bức tượng đã bị oxy hóa thành màu nâu. Các chuyên gia đã may mắn lưu lại được một bức ảnh của chiến binh mặt xanh trước khi màu xanh vốn có của tượng hoàn toàn biến mất.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến của những năm gần đây, các chuyên gia đã phục chế lại được màu sơn và sơn lại cho chiến binh mặt xanh. Tuy nhiên để giữ được màu xanh này, bức tượng vẫn phải được bọc trong các lớp vải.
Sau khi khai quật được bức tượng này đã có rất nhiều ý kiến đưa ra nhằm lý giải tại sao phần da mặt của tượng lại có màu xanh, không giống như hàng ngàn bức tượng khác.
Một số chuyên gia phỏng đoán rằng vào thời Chiến Quốc đây là hình tượng "thầy phù thủy" trong đội quân nên có hình dáng khác lạ, nhằm hù dọa kẻ thù. Theo các ghi chép trong sách sử, người Trung Quốc cũng từng sơn mặt binh lính nhiều màu trên chiến trận để dọa kẻ thù nên giả thuyết này cũng tương đối hợp lý.
Có ý kiến khác cho rằng bức tượng có mặt xanh nhưng tay vẫn có màu hồng nên có khả năng người thợ chế tác ra chiến binh đất nung này bị mù màu và pha nhầm màu trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên quá trình chế tạo tượng cho vua Tần được quản lý rất nghiêm ngặt nên trường hợp này rất khó xảy ra!
Ngoài ra, cũng có chuyên gia giải thích rằng màu xanh lá cây cũng là một cách để thể hiện màu da và bản thân nó không có ý nghĩa đặc biệt.
Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa đưa ra lý do thuyết phục vì sao chiến binh đất nung này lại có mặt màu xanh. Hiện nay, Trung Quốc cũng đã ban hành các chính sách liên quan để cấm đưa chiến binh đất nung mặt xanh ra nước ngoài triển lãm.
Trung Quốc cũng giới hạn số lần trưng bày bức tượng quý này tại bảo tàng trong nước. Tính đến nay, tượng mới được trưng bày 3 lần và hiện đang nằm trong trong Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây với hệ thống bảo quản và bảo vệ nghiêm ngặt.