Những chiếc xe ở thời điểm này hằng năm thường dùng cho việc thu mua gà thịt thì nay lại nằm phủ bụi, mà theo như cách nói của các thương lái là "chết máy" do Covid-19. Đó là thực trạng đang diễn ra tại nhiều cơ sở ở huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
Ảm đạm bao trùm cả trang trại gà nhà anh Bùi Văn Nam (Chương Mỹ, Hà Nội), mặc dù bên trong là sự nhộn nhịp của hơn 5000 con gà ta lai. Đã qua gần chục ngày tính từ thời điểm dự kiến xuất bán nhưng số lượng gà này vẫn đang bị ứ đọng. Chất lượng gà quá lứa đã đi xuống, giá thành cũng giảm theo, đặc biệt đầu ra lại càng hạn chế do dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại làm không có thương lái thu mua dù ông Nam đã tìm đủ đầu mối nhưng vẫn chẳng khác nào "dã tràng xe cát".
Clip: Đứt gãy chuỗi cung ứng, nông dân lao đao tìm đầu ra sản phẩm
Tìm hiểu lý do các thương lái không thu mua đây chính là một mắt xích quan trọng trong chuỗi hậu quả nối tiếp hậu quả của đại dịch. Thông báo “cửa hàng tạm dừng hoạt động” hay “chỉ bán đồ mang về” - những biển hiệu mang theo hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc nhưng lại là khởi nguồn cho sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong nông nghiệp. Và trước những biến động của thị trường thì người chăn nuôi lại là bên yếu thế.
Không thể bỏ đàn trái lại mỗi ngày bà con vẫn phải đổ cả hàng triệu đồng để duy trì trang trại. Để tránh những tác động tiêu cực từ thị trường trong đợt dịch Covid-19, người chăn nuôi cần chủ động liên kết với các đơn vị tiêu thụ, đổi mới quy trình chăn nuôi, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng an toàn. Bên cạnh đó cũng cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để hỗ trợ người nông dân vượt qua đại dịch.