Loài cây ở "xứ sở nghìn lẻ một đêm" khoe sắc tại nút giao lớn bậc nhất Thủ đô
Chà là loại cây đặc trưng của xứ Ba Tư xa xôi vẫn còn khá mới lạ với đa phần người dân Việt Nam. Nhưng vào thời điểm này, nhiều người lưu thông qua nút giao trung tâm của quận Long Biên (Hà Nội) đều bất ngờ và thích thú khi được hòa cùng sắc xanh mát, ngắm những chùm quả chín vàng của loại cây này.
Tọa lạc tại quận Long Biên, nút giao Long Biên – Nguyễn Văn Cừ là công trình quan trọng nhằm kết nối trung tâm Hà Nội với các tỉnh phía Bắc. Công trình chính thức được khởi công xây dựng vào năm 2014 với mức đầu từ gần 3.000 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm xây dựng, đầu năm 2016 nút giao chính thức thông xe, trở thành nút giao có quy mô lớn bậc nhất của Hà Nội.
Điểm nhấn của nút giao thông này là cầu vượt bằng thép lớn nhất Việt Nam, gồm 16 nhịp chính và phần cầu dẫn bằng bê tông, cốt thép. Cùng đó là vòng xuyến với thiết kế 6 làn xe theo hướng từ đường Nguyễn Văn Linh đi Quốc lộ 5 kéo dài. Các phương tiện tại đây được lưu thông với vận tốc lên tới 80km/h.
Được đầu tư đồng bộ cùng các hạ tầng kĩ thuật là hệ thống cây xanh đa dạng chủng loại trên diện tích hàng trăm mét vuông của đảo tròn nút giao tới giải phân cách và vỉa hè.
Được trồng nhiều hơn cả là cây chà là. Chà là được biết tới là loại cây thuộc họ cau, trồng để lấy quả. Nhiều tài liệu cho rằng, nguồn gốc xuất xứ của nó ở các đảo thuộc Vịnh Ba Tư. Từ lâu chà là đã trở thành biểu tượng của "xứ sở nghìn lẻ một đêm" huyền bí; là loại cây gắn bó lâu đời và là nguồn lương thực đối với con người thân thiện nơi đây.
Chà là có kích thước trung bình cao khoảng từ 15 – 20m, lá dài 3 – 5m với nhiều cọng sóng. Vì thuộc họ cau nên quả của chà là khi mọc cũng thành từng chùm. Khi chín sẽ chuyển từ màu vàng sang vàng nâu.
Quả chà là có nhiều giá trị dinh dưỡng đặc biệt là các loại vitanim, giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, cải thiện sức khỏe, tăng cường não bộ,... Loại quả này được chế biến theo nhiều cách khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là chà là khô.
Ở Hà Nội, loài cây này được trồng với mục đích tạo cảnh quan, lấy bóng mát trên các tuyến đường giao thông huyết mạch.
Theo một số chuyên gia giao thông đô thị, sau gần 5 năm thông xe, đưa vào sử dụng nút giao Long Biên – Nguyễn Văn Cừ đã chứng minh hiệu quả trong việc kết nối, tăng năng lực vận tải, giảm ùn tắc giao thông tại cửa ngõ Thủ đô. Không những vậy, nơi đây còn trở thành lá phổi xanh cho Long Biên cũng như Hà Nội, giúp vơi đi cái nóng của những mùa hè đổ lửa.