- “Nhà của Cường đó, 5 năm rồi vẫn không thay đổi gì”.
- “Cô có hỏi cha của Cường chuyện cất nhà nhưng than chưa có tiền”.
- “Mỗi lần về thấy nhà bỏ hoang vậy, cô xót xa lắm”.
…
Vừa nói, bà Hồ Thị Mươi (48 tuổi) - cô của Hồ Văn Cường - vừa dẫn PV đi một vòng thăm nhà giọng ca 18 tuổi tại Gò Công Tây, Tiền Giang.
Trái ngược với hình dung, ngôi nhà vẫn y nguyên giống như 5 năm trước – thời điểm Hồ Văn Cường đăng quang Vietnam Idol Kids, thậm chí còn hoang tàn hơn. Bà Mươi nói với Zing nơi ở của gia đình Cường bỏ trống vì cả nhà lên TP.HCM sinh sống.
“Mỗi năm, gia đình Cường về thăm nhà một lần vào ngày 29 Tết. Sau đó, ba người lại vội vã quay lại TP.HCM để Cường chạy show. Ngôi nhà giờ như bỏ hoang, cỏ mọc tùm lum, rắn rết lắm khi bò vô nhà nữa”, bà Mươi chia sẻ.
Theo lời kể của bà Mươi, căn nhà này do ông bà nội để lại, được xây dựng hơn 30 năm. Cha của Cường là con trai út trong gia đình có 11 anh chị em, phải ở trong nhà từ đường để lo việc nhang khói cho ông bà tổ tiên. Ngôi nhà cấp 4 xập xệ, nằm lọt thỏm trong vùng trũng, xung quanh toàn cỏ dại. Phía bên hiên nhà, lu nước, kệ bếp đều mốc meo, ẩm thấp.
“Xung quanh đây, nhà ai cũng xây khang trang hết rồi, chỉ còn lại nhà của cậu Mười (cha Cường - PV). Mỗi lần cậu Mười gọi về cũng hỏi han sức khỏe, chuyện gieo cấy lúa chứ không đả động gì đến việc xây nhà. Có lần, tôi khuyên cậu bỏ vài ba chục triệu để đổ đất, xây hàng rào nhưng cha Cường nói chưa có tiền”, cô út của Hồ Văn Cường cho biết.
Lần gần nhất cả gia đình Cường về quê là vào đầu năm 2020. Lúc đó, quán quân Vietnam Idol Kids 2016 ở lại nhà hơn một tháng. Cậu bé chủ yếu ở trong nhà, ít ra ngoài.
“Thời điểm ấy là vào mùa nắng nóng, cả nhà Cường phải trải chiếu nằm ra sàn nhà để ngủ. Vì nhà lợp mái tôn nóng lắm. Xung quanh toàn cỏ dại nên tôi còn thấy rắn rết bò vô, thấy sợ. Cường có qua nhà tôi ăn cơm hoặc ngủ lại. Thằng bé vẫn như xưa, ôm lấy cô vui vẻ, hỏi han. Mọi người bảo ca vài bài nghe thử, Cường cũng hát luôn”, bà Mươi nhớ lại.
Bà Mươi bày tỏ bước sang tuổi 18, Cường trở nên chững chạc, duy chỉ có tính cách bẽn lẽn, nhút nhát là không thay đổi.
“Cháu cũng ít tâm sự cuộc sống ở trên TP.HCM. Tôi có hỏi thăm chuyện học hành, sống chung với mẹ nuôi Phi Nhung ra sao, cháu bảo vẫn bình thường. Tôi cũng ngại hỏi mấy chuyện đời tư hay tiền bạc khi đi hát… Cháu có kể thì mình nghe nhưng nó khá kín tiếng. Cường về đây vẫn hòa đồng với bạn bè. Thỉnh thoảng, cháu dắt tụi nhỏ đi ăn bò viên, quà vặt ở đầu đường”, cô út chia sẻ.
Về phần cha của Cường, bà Mươi kể anh Mười thường xuyên về thăm nhà hơn. Vào mỗi dịp đám cưới, đám giỗ, anh Mười đều bắt xe đò về quê. Khi đến đầu huyện, anh gọi cô út đi xe máy ra chở về nhà.
Mỗi lần về, anh Mười không ở lại chơi lâu mà xong việc rồi tất tả quay trở lại thành phố. “Bao nhiêu năm rồi mà cậu Mười vẫn vậy, không có gì thay đổi. Tôi thấy nhiều người lên TP.HCM làm việc đều béo tốt, trắng trẻo ra mà anh chị mình vẫn vậy. Bà con làng xóm ở đây còn hỏi: ‘Sao vợ chồng thằng Mười nó đi làm trên thành phố mà giờ không bằng mấy người làm phụ hồ dưới quê vậy?’. Cậu Mười còn không có xe máy để chạy”, cô của Hồ Văn Cường nói.
Khi được hỏi việc cha mẹ Cường có giúp đỡ anh em về vật chất không?, cô Mươi lắc đầu và nói: “Trời ơi, cậu Mười làm gì có tiền đâu. Mỗi lần về đều mang đủ chi phí trang trải. Anh em đông người nên ai cũng tự lo cuộc sống. Người ở quê có sao nói vậy. Tôi cũng chưa bao giờ lên TP.HCM để coi công việc, cuộc sống của cậu Mười ra sao”.
Nén tiếng thở dài, bà Hồ Thị Lắm (68 tuổi) – chị gái thứ tư trong gia đình – sống cách nhà Cường khá xa. Bà kể mỗi lần có dịp đi qua ngôi nhà của anh Mười đều xót xa, thương cảm.
“Không hiểu sao cả nhà đi lên thành phố làm nhiều năm, cháu Cường cũng đi hát có tiền mà nhà ở quê bỏ trống vậy, không tu sửa gì. Ở quê, có khoảng 500 triệu đồng là xây được nhà khang trang rồi. Ngày rằm, giỗ chạp, lễ Tết cũng phải nhang khói cho ông bà. Đằng này, nhà cứ đóng cửa triền miền cả năm, nghĩ mà buồn”, bà Lắm nói.
Cách đây 3 tuần, anh Mười có gọi điện về hỏi thăm chị gái. Khi bà Lắm nhắc đến chuyện sửa sang ngôi nhà hơn 30 năm của ông bà nội, cha của Cường thành thật cho biết: "Em cũng ráng lắm nhưng chưa đủ tiền. Chị cứ để từ từ, em tính”.
“Tôi nhớ không lầm, cậu Mười kể đang làm bảo vệ ở quán chay của cô Phi Nhung, mỗi tháng được trả 4-5 triệu đồng, còn vợ thì làm giúp việc. Cha Cường cũng tâm sự không ăn được đồ chay trong thời gian dài nên phải mua đồ ăn ở ngoài. Mà đồ ăn trên thành phố chắc mắc tiền. Lương tháng từng đó, sao đủ xoay xở”, bà Lắm cho biết.
Ánh mắt người cô sáng lên khi nhắc đến Cường. Bà kể trong nhà, không ai biết hát, chỉ có Cường là theo nghiệp cầm ca như một hiện tượng.
“Hồi nhỏ, Cường ngoan lắm, biết đi hát đám cưới kiếm tiền phụ giúp gia đình. Bây giờ, lớn lên không biết tâm tính có thay đổi không. Tôi cũng lâu lắm không gặp cháu, chỉ thấy vài lần trên tivi”, bà chia sẻ.
“Tối qua, khi đi làm về, tôi có đứa cháu kể giữa Cường và cô Phi Nhung đang có lùm xùm gì đó nhưng không để ý lắm. Người nhà quê, lo thức khuya dậy sớm đi làm. Điện thoại thì không lên mạng được nên cũng không biết xảy ra chuyện gì”, bà Lắm nói tiếp.
Ngồi một góc nhà, bà Lắm bày tỏ mong muốn lớn nhất là cuộc sống của gia đình Cường thay đổi.
“Nếu thực sự Cường không có tiền để trang trải việc học, hay chị em mình gom góp, mỗi người một ít nuôi nó”, cô Lắm quay sang nói với em gái và nhận được sự đồng tình.
Kết thúc câu chuyện, cô Tư chia sẻ: “Chúng tôi đều thương cháu Cường. Thời điểm này gấp rút cho việc ôn thi, chỉ mong Cường vượt qua mọi chuyện, tập trung và thoải mái học hành”.