15.000 điểm tiêm chủng
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay sẽ được bắt đầu từ nay đến đầu năm 2022. Dự tính, 150 triệu liều vaccine Covid-19 sẽ được tiêm cho 75% người dân Việt Nam (từ 18-65 tuổi, mỗi người 2 mũi) để miễn dịch cộng đồng, chống lại virus SARS-CoV-2.
"Chúng ta sẽ thiết lập 8 kho bảo quản, trong đó 1 kho tại Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và 7 kho tại 7 Quân khu trong toàn quốc để khi vaccine về sân bay là ngay lập tức vận chuyển về các kho này bảo quản. Các kho đều phải đạt Tiêu chuẩn thực hành bảo quản tốt (GSP), từ đó các xe lạnh vận chuyển vaccine toả đi các điểm tiêm chủng trên toàn quốc" - Bộ trưởng Long cho biết.
Theo ông Long, ngay từ bây giờ cần thiết lập rất nhanh các kho này, rà soát, kiểm tra lại các yếu tố liên quan đến hậu cần, vật chất, hệ thống dây chuyền lạnh, máy phát điện để bổ sung, khắc phục ngay những yếu tố chưa đủ điều kiện nhằm đảm bảo các tiêu chí về bảo quản vaccine an toàn, tránh các tình huống không mong muốn xảy ra.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã tiêm được gần 1,65 triệu liều vaccine Covid-19 cho các nhóm đối tượng ưu tiên và công nhân. Số người được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 là gần 64.000 người. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải tiêm hết vaccine Covid-19 được phân bổ đợt 3 trước ngày 18/6.
"Khác với các lần trước, ở chiến dịch tiêm chủng này, chúng ta đã có kinh nghiệm triển khai tiêm chủng theo chiến dịch. Gần đây nhất (năm 2014), Việt Nam đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm chủng 23 triệu liều vaccine sởi - rubella cho trẻ em. Tuy nhiên, do quy mô của chiến dịch này lớn hơn nhiều nên đòi hỏi có sự tham gia của các bộ, ngành"- ông Long nhấn mạnh. Ông Long cho biết khoảng 15.000 điểm tiêm chủng có đủ nhân lực, thiết bị sẽ được đưa lên "bản đồ" tiêm chủng. Bản đồ này công khai tới toàn dân về quy trình tiêm chủng, số liều vaccine đã sử dụng, số người được tiêm chủng.
Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ đẩy nhanh áp dụng sổ sức khỏe điện tử, đăng ký tiêm chủng qua app và qua tin nhắn. Mỗi người dân khi nhận được nhắn tin mời đăng ký tiêm thì có tin nhắn phản hồi, để làm sao khi vaccine về thì sẽ có tin nhắn mời người dân đi tiêm.
Đàm phán được hơn 120 triệu liều vaccine
Để đạt miễn dịch cộng đồng (75% dân số được tiêm vaccine) thì Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều vaccine. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam mới đàm phán thành công được 120 triệu liều từ các hãng AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna, từ Nga và Cơ chế COVAX.
Tính đến ngày 13/6, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt có điều kiện 4 loại vaccine Covid-19, gồm AZD1222 (do AstraZeneca, Anh, sản xuất), Sputnik V (Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga, sản xuất), Vero Cell (Sinopharm, Trung Quốc, sản xuất) và Comirnaty (Pfizer và BioNTech, Đức, điều chế). Nếu các loại vaccine này được chuyển về Việt Nam là có thể tổ chức tiêm chủng mở rộng cho người dân.
Từ năm 2020, Bộ Y tế đã đàm phán thành công 38,9 triệu liều vaccine Covid-19 qua nguồn COVAX. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vaccine Covid-19 (30 triệu liều) theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Ngoài nguồn của Chương trình COVAX Facility, AstraZeneca, Việt Nam đã đàm phán để có thêm các nguồn vaccine Covid-19 khác.
Hôm qua 16/6, Bộ Y tế đã đạt được thỏa thuận mua 20 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga. Trước đó, tháng 5/2021 Moderna đã ủy quyền cho một công ty phân phối 5 triệu liều cho Việt Nam. TP.Hồ Chí Minh đề nghị được mua vaccine này. Bộ Y tế cũng cho biết từ tháng 3/2021, Bộ đã đàm phán trực tiếp với hãng này, tuy nhiên hãng cho biết không có vaccine cung cấp trong năm 2021.
Ngoài ra, với vaccine của Pfizer/BioNTech, Bộ Y tế cho biết đã làm việc với hãng về việc mua 31 triệu liều ngay từ tháng 10/2020 khi vaccine đang thử nghiệm lâm sàng. Ngày 20/5/2021, Bộ ký hợp đồng vaccine. Số vaccine này sẽ được cung ứng trong quý 3, 4 của năm 2021 theo tiến độ quý III: 15,5 triệu liều; quý IV: 15,5 triệu liều.
"Như vậy, đối với nguồn cung ứng của Nga, của Mỹ và của Anh, có thể nói rằng, chúng ta đã dần dần hướng tới mục tiêu mua đủ 150 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ"- Bộ trưởng Long nhấn mạnh.
Dù đã đàm phán thành công hơn 120 triệu liều vaccine, tuy nhiên, vaccine về Việt Nam vẫn khá chậm. Từ đầu năm 2021 đến nay, Việt Nam mới nhận gần 3 triệu liều vaccine Covid-19. Trong đó nhận 2 lô gồm 811.200 liều vào ngày 1/4 và 1.682.400 liều từ Cơ chế COVAX vào ngày 16/5, đều là vaccine của AstraZeneca) và 400.000 liều do Công ty VNVC đã đặt mua trực tiếp.
GS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, đến cuối tháng 6, đầu tháng 7, chúng ta sẽ tiếp nhận thêm khoảng 1 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca qua nguồn COVAX. Tiếp theo sang quý III, Việt Nam cũng sẽ nhận thêm 2 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế đặt mua thông qua Công ty VNVC. Ngoài ra, theo thông báo của hãng Pfizer, trong quý III hãng này có thể chuyển về Việt Nam 3 triệu liều vaccine Covid-19, số còn lại sẽ tập trung trong quý IV.
Theo GS Đức Anh, vaccine Covid-19 có thời hạn sử dụng rất ngắn, chỉ khoảng 6 tháng, trong khi thời gian từ cơ sở sản xuất đến Việt Nam mất khoảng 2 tháng nên chỉ còn 3-4 tháng để triển khai tiêm.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".