Tự cổ chí kim, câu chuyện tranh quyền đoạt vị đã trở thành chủ đề không thể tránh khỏi của mọi vương triều phong kiến, không chỉ với những người là con của vua mà ngay cả giữa vua cha và con cũng từng xảy ra mâu thuẫn vì vấn đề này, như câu chuyện của Lý Thế Dân là một ví dụ điển hình.
Ở thời kỳ nhà Thanh, câu chuyện lên ngôi của hoàng đế Ung Chính là đề tài xuất hiện nhiều lần trong dòng phim cổ trang Trung Quốc, xuất phát từ một thực tế là trong hậu thế lưu truyền không ít những câu chuyện cho rằng ông không lên ngôi một cách danh chính ngôn thuận.
Ung Chính (hoàng tử Dận Chân) từng tham gia vào cuộc đấu cung đình nổi tiếng "cửu tử đoạt đích" (chín người con tranh giành ngôi vị) và giành được thắng lợi, trong khi ban đầu ông không có ý định tham gia.
Ngoài ra, trong nhân gian còn lưu truyền câu chuyện Ung Chính sửa nét chữ trong di chiếu truyền ngôi của vua cha để lên ngôi: Ông ta đã sửa chữ "thập" (十) trong cụm từ "truyền vị thập tứ tử" (truyền ngôi vị cho con trai thứ mười bốn) tứ thành chữ "ư" (于) – "truyền vị ư tứ tử" (truyền ngôi cho con trai thứ tư).
Câu chuyện này tạo thành một trong hai nghi vấn lớn nhất trong cuộc đời vị hoàng đế tài năng (bên cạnh nghi vấn hạ độc vua cha giành ngôi).
Gần đây, các chuyên gia khảo cổ đã tìm thấy một phần trong di chiếu của hoàng đế Khang Hy, góp phần hóa giải tai tiếng của Ung Chính.
Trong bản di chiếu này, tên tước vị chính thức "Ung Thân Vương" và thứ tự của ông so với các huynh đệ (con thứ tư) được viết một cách rõ ràng theo đúng chuẩn quy tắc viết ở thời kỳ nhà Thanh. Điều này cho thấy Ung Chính đã lên ngôi một cách danh chính ngôn thuận!
Bất chấp những hiểm nguy đố kỵ nơi cung cấm, Ung Chính đã chứng tỏ tài năng hơn người của mình.
Thời kỳ trị vì của Ung Chính là một bước đệm trong giai đoạn "Khang – Càn thịnh đế" của nhà Thanh, ông đã tiếp nối những di sản của cha mình và không ngừng đưa ra các cải cách mạnh mẽ và hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện để người con trai mình là vua Càn Long lên ngôi, mở ra thời kỳ phát triển của đế quốc Đại Thanh nhiều năm sau.