Mới đây, mạng xã hội "dậy sóng" lan truyền hình ảnh chụp màn hình được cho là từ nhóm chat trên Viber của "Nghệ sĩ Việt". Trước ồn ào bị nhắc tên trong nhóm chat sao Việt khiến dân mạng hoang mang, ca sĩ Phương Thanh đã lên tiếng phủ nhận.
Trên trang cá nhân có dấu tích xanh chính chủ, ca sĩ Phương Thanh nhấn mạnh chuyện cô không sử dụng ứng dụng Viber. Nữ ca sĩ khẳng định có kẻ đã giả mạo cô để lan truyền thông tin không chính xác. "Ai đang mạo danh cái tên ca sĩ Phương Thanh trong group chat "Nghệ sĩ Việt" này. Thông báo Chanh không xài Viber, cũng không liên lạc tham gia bất kỳ group chat nào trên Viber", nữ ca sĩ khẳng định.
Ca sĩ Phương Thanh nhấn mạnh rằng: "Chị Chanh là chỉ có 1 mình thôi... rời xa showbiz 8 năm nay rồi, ngược dòng Nguyên Hương rồi nha các bạn, con nhà Phật là vậy". (Ảnh: FBNV)
Sau ca sĩ Phương Thanh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bức xúc khi bị nhiều người nhắc tên xoay quanh bức ảnh được cho là của nhóm chat "Nghệ sĩ Việt đang được lan truyền. Trên trang cá nhân, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: "Tôi nói thẳng với các bạn, các bạn đi spam cái hình này vào Facebook tôi rồi chửi bới, các bạn thật sự quá tào lao".
Tác giả ca khúc "Nhật ký của mẹ" phản pháo lại những kẻ chưa tìm hiểu kỹ sự việc đã buông lời lẽ không hay. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung viết: "Bạn có thể thêm bất kỳ ai vào 1 group trong Viber hoặc Facebook, bất kỳ ai có trong danh bạ của các bạn.
Sao các bạn nghĩ những tấm hình đang lan truyền là thật? Ai làm chứng những tấm đó là thật hay là 1 sản phẩm photoshop? Vì với khả năng photoshop của tôi, tôi có thể làm được như vậy và còn hơn thế nữa. Nhưng avatar của tôi là ảnh thật, không có photoshop.
Và nếu có ai cam đoan là thật vì hack được, thì ai cho phép người đó làm hành vi đó? Pháp luật nào cho phép 1 hacker có thể đột nhập vào điện thoại hoặc tài khoản cá nhân rồi tung những thông tin riêng tư lên mạng xã hội để mọi người phán xét?
Các bạn không có quyền phê phán ai trong 1 group nào đó, vì đó là quyền riêng tư của mỗi người. Bản thân chính các bạn cũng đã và đang ở trong 1 group nào đó, các bạn có muốn thông tin riêng tư của các bạn bị công khai trước mọi người hay không?
Trước khi các bạn phê phán hay chửi ai, các bạn hãy xem người ta đã nói gì sai, làm gì sai mà để cho các bạn chửi? Tôi đã nói gì, làm gì sai với các bạn để các bạn chửi? "Thất vọng", "giả tạo", "không tử tế"... ở chỗ nào? Chỉ ra xem! Muốn nói chữ thì phải có lý lẽ.
Mọi chuyện, mọi sự lừa đảo, mọi sự gian lận hoặc hành vi phạm pháp, sỉ nhục người khác, xâm phạm quyền riêng tư của người khác... đều sẽ được pháp luật giải quyết, và chúng ta hãy chờ phán quyết của tòa án chứ không thể tự tuyên án trên mạng xã hội.
Tôi không can thiệp vào mâu thuẫn của bất kỳ ai và đứng về phía ai trong xã hội này. Tôi sống và làm việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không chửi bới lăng mạ ai, không hack thông tin riêng tư ai, cũng không lừa đảo ai hoặc đe dọa làm hại đến ai. Cái nào ảnh hưởng đến cuộc sống, gia đình, danh dự, hình ảnh và quyền lợi của tôi, thì tôi sẽ lên tiếng và dùng mọi cách hợp pháp để đòi lại công bằng cho tôi".
Ngoài ra, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng cho biết, đây là lần cuối cùng anh lên tiếng về vấn đề này. "Đây là lần cuối tôi nói về vấn đề này. Bất kỳ ai spam hoặc có lời lẽ vô văn hóa, tôi sẽ block thẳng. Đây không phải status để tranh luận, tôi chỉ muốn thông báo vậy thôi. Lo mà nghiêm túc chống dịch đi, cạp đất tới nơi mà còn không biết lo", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhắn gửi những kẻ dùng lời lẽ sỉ nhục người khác, xâm phạm quyền riêng tư và lừa đảo.
Luật sư Lê Bá Thường - Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, hành vi giả mạo tài khoản cá nhân của người khác (có gây ra hậu hay không) đều được xem vi phạm pháp luật.
Các đối tượng làm giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân đều bị pháp luật nghiêm cấm (Điều 12 Luật Công nghệ thông tin 2006). Đồng thời, nếu hành vi giả mạo này gây ra thiệt hại về vật chất, tinh thần thì sẽ bị buộc bồi thường thiệt hại theo quy định của luật dân sự (theo Khoản 1 Điều 584 Bộ Luật dân sự).
Tại điểm d khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, người có hành vi làm giả trang cá nhân của người khác sẽ bị xử lý theo pháp luật tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả gây ra. Theo đó, hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20-30 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu việc giả mạo trang cá nhân của người khác gây ra thiệt hại, thì người giả mạo phải bồi thường thiệt hại bao gồm vật chất và sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, hoặc tính mạng của người bị giả mạo. Mức bồi thường phải căn cứ vào thiệt hại thực tế xảy ra (phải chứng minh được).
Ngoài mức bồi thường thực tế như trên, người giả mạo phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất tinh thần theo thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ bị ấn định với mức tối đa theo mức lương cơ sở là 1,49 triệu/tháng (NQ 128/2020/QH14).
Theo đó, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 590 BLDS 2015): Tối đa 50 lần mức lương cơ sở, số tiền là 74,5 triệu; Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (Điều 591 BLDS 2015): Tối đa 100 lần mức lương cơ sở, số tiền là 149 triệu; Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (Điều 592 BLDS 2015): Tối đa 10 lần mức lương cơ sở, số tiền là 14,9 triệu.
Đặc biệt, những người này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp người thực hiện hành vi giả mạo Facebook, Instagram, website… để xúc phạm danh dự người khác sẽ bị tội "làm nhục người khác", mức phạt từ 10-30 triệu và bị tù đến 2 năm (Điều 155 BLHS 2015). Nếu nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản (Ví dụ để khách hàng hiểu lầm chuyển tiền mua bán hàng hóa cho người giả mạo) thì có thể bị tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015. Mức hình phạt cao nhất là tù chung thân tùy theo hậu quả nghiêm trọng đến mức độ nào.