Dân Việt

"Rác" livestream trên mạng xã hội: Chuyên gia nói điều sâu thẳm (Kỳ 2)

Nguyễn Thịnh 19/06/2021 08:35 GMT+7
PSG.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) nhận định, người nổi tiếng cần có trách nhiệm với lời ăn tiếng nói của mình hơn nhất là khi xuất hiện trên livestream.

Cần có bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Hiện tượng sử dụng livestream lệch chuẩn, sử dụng lời lẽ tục tĩu để công kích, thách thức nhau trên mạng xã hội thời gian qua liên tục xuất hiện. Điển hình là các livestream của một số giang hồ mạng như Khá bảnh, Huấn Hoa Hồng, Dương Minh Tuyền hay mới nhất là những livestream "bóc phốt" giới nghệ sỹ của bà Nguyễn Phương Hằng. Những livestream này được chờ đón, có lượt "share" cực khủng mà đa số người xem là các bạn trẻ.

Những câu nói, phát ngôn của bà Hằng trong các buổi livestream này nhanh chóng trở thành trend (xu hướng) trên mạng và cả ngoài cuộc sống. Tuy nhiên điều đáng nói là những phát ngôn này chưa chuẩn mực, thiếu bằng chứng, chủ yếu ám chỉ. Điều này vô hình chung xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

"Rác" livestream trên mạng xã hội: Chuyên gia nói điều sâu thẳm - Ảnh 2.

Theo PSG.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) nhận định, chúng ta đang thiếu một bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Đặc biệt là một số ngành nghề có ảnh hưởng lớn và sâu rộng đến nhiều người như nghệ sĩ, người nổi tiếng cần phải có chuẩn mực nhất định.


"Như nghề giáo viên có ảnh hưởng đến cả thế hệ trẻ cần có chuẩn mực về nghề nghiệp. Thế nên những ngành nghề được xã hội coi trọng và ảnh hưởng lớn đến thế hệ trẻ như người sáng tạo nội dung trên mạng cũng cần có bộ quy tắc, chuẩn mực riêng. Việc có bộ quy tắc chuẩn mực sẽ đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng và làm sạch không gian mạng", ông Trần Thành Nam chia sẻ.

PSG.TS Trần Thành Nam cũng nhận định, hiện chúng ta mới chỉ có một số cơ chế mang tính chất rất sơ lược cho việc ứng xử trên không gian mạng, chứ chưa có bộ quy tắc cụ thể: "Bên cạnh luật an ninh mạng thì cần có bộ quy tắc ứng xử cụ thể dựa trên quy định của pháp luật và trên chuẩn mực của xã hội."

"Rác" livestream trên mạng xã hội: Chuyên gia nói điều sâu thẳm - Ảnh 3.

Mới đây, Bộ TT-TT cũng đã chính thức ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (có hiệu lực từ ngày 17/6). Theo đó, bộ quy tắc này sẽ áp với 3 nhóm đối tượng, gồm: cơ quan nhà nước, cán bộ, công viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng MXH; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.

Các nhóm đối tượng này sẽ phải tuân theo 4 quy tắc ứng xử chung, gồm:

- Quy tắc Tôn trọng: tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Quy tắc Lành mạnh: hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

- Quy tắc An toàn, bảo mật thông tin: tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin.

- Quy tắc Trách nhiệm: chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên MXH; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.

Người nổi tiếng cần có trách nhiệm với lời ăn tiếng nói của mình

"Rác" livestream trên mạng xã hội: Chuyên gia nói điều sâu thẳm - Ảnh 4.

Cũng theo PSG.TS Trần Thành Nam những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đến xã hội cần có trách nhiệm lớn hơn với mỗi lời ăn tiếng nói của mình: "Mỗi điều họ chia sẻ ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người và đặc biệt là khán giả trẻ. Vì hiệu ứng "hào quang" nên những phát ngôn này sẽ khiến giới trẻ tin tưởng một cách tự động, không có sự phản biện. Chính vì vậy những thông tin này lệch chuẩn, thiếu chuẩn mực sẽ khiến người khác chấp nhận và bắt chước một cách vô thức."

Ví dụ điển hình mới đây là việc ngôi sao bóng đá Ronaldo đã có hành động từ chối sử dụng Coca Cola và khuyến khích mọi người sử dụng nước khoáng đã trở thành trend trên mạng xã hội. Rất nhiều người đã học theo ngôi sao này, từ chối sử dụng nước tổng hợp để sử dụng nước khoáng tốt cho sức khỏe. Rõ ràng chỉ một hành động và một câu nói rất nhỏ nhưng nếu là người nổi tiếng thực hiện thì sẽ có tác động rất lớn đến xã hội.

Giao tiếp, ứng xử, tương tác trên mạng xã hội, mỗi người cần hoàn thiện đạo đức, nhân cách của con người trong thời đại 4.0. Có như vậy mỗi bài viết, mỗi video livestream mới góp phần lan tỏa những quan điểm tư tưởng tiến bộ, những giá trị cao đẹp; tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng; mặt khác, góp phần đấu tranh với những tệ nạn tiêu cực, những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống…