Ngay đầu tháng 1/2021, thị trường Việt ghi nhận cùng lúc các đợt triệu hồi của các hãng xe đến từ Nhật Bản. Nếu nhìn tổng quan 6 tháng đầu năm 2021, Toyota là hãng xe hơi có lượng xe bị triệu hồi nhiều nhất.
Tháng 1/2021, Toyota triệu hồi 11.700 xe Camry, Corolla, Innova, Alphard, Fortuner, Land Cruiser 200, Land Cruiser Prado, Camry, Hilux, Hiace (sản xuất từ năm 2017 – 2019).
Tháng 3/2021, Toyota Việt Nam thông báo triệu hồi 166 xe Toyota Corolla Altis được sản xuất tại nhà máy Toyota ở Việt Nam trong thời gian 15/7 – 19/8/2019.
Tiếp đến tháng 5, Toyota triệu hồi gần 3.280 xe Toyota Avanza và Rush sản xuất từ ngày 17/7/2018 đến ngày 28/6/201.
Chưa hết, Lexus cũng không thoát khỏi "vận đen" khi phải triệu hồi 1.344 xe RX, NX sản xuất từ năm 2017 - 2019.
Tất cả những xe trong diện triệu hồi đều bị lỗi bơm xăng, cần được kiểm tra và thay thế.
Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam còn ghi nhận thêm chương trình triệu hồi của một loạt thương hiệu ô tô Nhật khác như Mazda, Mitsubishi, Subaru. Nối gót "đồng hương", những xe Mazda và Mitsubishi trong diện bị ảnh hưởng đều bị lỗi bơm nhiên liệu.
Subaru phải khắc phục lỗi liên quan tới hiện tượng cuộn đánh lửa trên xe bị ngắn mạch khiến hộp điều khiển động cơ ECM hoạt động không chính xác.
Cũng trong thời gian qua, thị trường Việt ghi nhận thêm đợt triệu hồi của hãng xe Mỹ với 2.470 xe Ford Ranger, Everest sản xuất 5/9/2019 - 28/2/2020 bị lỗi bơm dầu. Ferrari với 24 siêu xe 58 Speciale, 488 GTB, 488 Spider, California T và F12 Berlinetta bị lỗi túi khí
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, lượng ô tô bị triệu hồi tăng vọt. Đáng nói, những số liệu trên cho thấy, xe Nhật bị ảnh hưởng nhiều nhất do "hiệu ứng" lỗi bơm nhiên liệu". Điều này có đóng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng xe bán tại Việt Nam?
Mỗi năm trên thế giới có hàng trăm đợt triệu hồi ô tô. Còn số này không ngừng tăng lên do sản lượng, quy mô thị trường ngày một tăng. Sản phẩm bị mắc lỗi cũng tăng theo.
Tại Việt Nam, đa số chiến dịch triệu hồi đều do các hãng xe tự đề xuất. Điển hình như Toyota từng mở đợt triệu hồi nhằm khắc phục 4 chiếc xe mắc lỗi. Cũng có một số trường hợp bị cơ cơ quan phụ trách vấn đề an toàn kỹ thuật yêu cầu triệu hồi xe.
Điều này phản ánh một thực tế, những dòng xe hàng chục năm không dính án triệu hồi không đồng nghĩa xe đó không có lỗi. Có khả năng xe đó bị lỗi nhỏ và nhà sản xuất âm thầm khắc phục thông qua những đợt bảo hành, bảo dưỡng xe.
Có những hãng xe khi biết xe bị lỗi bộ phận nào đó, vì sợ ảnh hưởng đến doanh số, uy tín hoặc khả năng chi trả cho việc triệu hồi quá lớn đã chọn cách lờ đi. Nhưng cũng có những hãng sau hàng loạt chiến dịch triệu hồi lại thăng hoa doanh số do chỉ số niềm tin từ khách hàng tăng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, với tư cách là một doanh nghiệp sản xuất, sự hưng thịnh đều nhờ vào niềm tin, sự ủng hộ của khách hàng. Do đó, không một hãng xe nào mong muốn thực hiện triệu hồi bởi rất tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức.
Còn với người tiêu dùng, ngay khi nhận được thông báo triệu hồi xe, nhiều người sẽ "chột dạ". Do chưa tìm hiểu kỹ, hễ thấy triệu hồi là họ lo ngại và cho rằng triệu hồi đi đôi với chất lượng kém.
Nhưng bình tĩnh suy xét thấu đáo sẽ thấy hãng xe đã thể hiện tốt trách nhiệm khi lo lắng và cố gắng làm mọi việc nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như sự an toàn của người dùng.
Do đó, nếu một ngày nhận được tin chiếc xe của mình lọt vào danh sách triệu hồi, khách hàng không nên hoang mang. Hãy bình tĩnh làm theo chỉ dẫn của nhà sản xuất, đưa xe đến hệ thống đại lý chính hãng để khắc phục lỗi mà không phải trả chi phí cho việc đó.