Livestream là sự sáng tạo trong xã hội công nghệ, rút ngắn dần mọi khoảng cách giao tiếp và tạo cơ hội đổi đời cho rất nhiều người. Người xem livestream thường rất tò mò về chuyện gì đang diễn ra, muốn xem tới cùng và dành thời gian theo dõi nó hơn là các video thông thường.
Chỉ với chiếc điện thoại thông minh trên tay, bất kỳ ai cũng đều sẽ trở thành "phóng viên", "nhà báo" không chuyên, chuyển tải nội dung, tin tức đến hàng trăm, hàng vạn người trên mạng xã hội. Trong khi phóng viên, nhà báo phải học tập, rèn luyện về các chuẩn mực đạo đức và nghề nghiệp thì gần như chưa có quy định chặt chẽ cho những người sáng tạo nội dung nêu trên.
Không chỉ bán tin tức, hóng "phốt", livestream tại Việt Nam còn là công cụ kiếm tiền và bán hàng đắc lực, đặc biệt từ thời điểm Covid-19 bùng phát. Mặc dù ở thời điểm hiện tại chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng một thống kê của trang Brands Việt Nam cho biết thị trường livestream Việt Nam hiện trị giá xấp xỉ 20 triệu đô la trong năm 2018 - thời điểm khi livestream bán hàng chỉ như "những đốm lửa nhỏ" và lẻ tẻ. Còn nay, livestream bán hàng đã lớn hơn rất nhiều lần.
Về cơ bản, livestream với bất kỳ mục đích gì cần tuân thủ các quy định của pháp luật. Không vu khống, bôi nhọ, làm nhục người khác có chủ đích, hoặc một số hành vi khác rơi vào tội mà Bộ luật hình sự quy định như vu khống, làm nhục người khác... Đăng ký kê khai và nộp thuế đầy đủ, đảm bảo tính chính xác, trung thực về hàng hóa dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng với các livestream bán hàng. Đảm bảo và tôn trọng bản quyền, nội dung phải lành mạnh, văn minh.
Đồng thời mỗi cá nhân, tổ chức khi livestream phải ý thức được trách nhiệm của mình với mỗi video. Có thái độ ứng xử văn minh, tôn trọng người khác và tự chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình. Cần loại bỏ những livestream và người sử dụng mạng xã hội không văn minh, trả lại cho môi trường không gian ảo tốt đẹp hơn.
Tại Trung Quốc, livestream bán hàng đã trở thành “huyết mạch” của ngành bán lẻ nước này. Năm 2019, có tới 80% doanh số bán hàng của các công ty bán lẻ đến từ hệ thống cửa hàng. Thế nhưng, dịch Covid-19 đã đưa kênh bán hàng trực tuyến lên ngôi, trở thành “phao cứu sinh” cho rất nhiều chủ cửa hàng bán lẻ ở Trung Quốc, giúp họ có thể tiếp cận người mua trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn.
Không chỉ ngành bán lẻ, livestream còn được ứng dụng trong mọi lĩnh vực như giáo dục, giải trí và du lịch, y khoa, từ livestream tư vấn tuyển sinh, giảng dạy và học tập trực tuyến, tổ chức các buổi tọa đàm, khám chữa bệnh từ xa đến livestream các tour du lịch…
Chính quyền Trung Quốc có chính sách khuyến khích người dân livestream bán hàng. Đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo nhân lực bán hàng (livestreamer) về kỹ năng trình diễn, tương tác; khả năng xử lý vấn đề hoặc các câu hỏi, phản ứng trái chiều của khách hàng; cách thức nâng cao mức độ ảnh hưởng cộng đồng xã hội, hoặc thương hiệu cá nhân.
Song song với việc khuyến khích phát triển livestream, Chính phủ Trung Quốc đang siết chặt quản lý nhằm ngăn chặn, khắc phục mặt trái của hoạt động này. Dự thảo về quy tắc ngăn chặn hành vi độc quyền của các nền tảng internet vừa được công bố. Theo đó, người livestream phải cung cấp thẻ căn cước và mã tín dụng xã hội cho các nền tảng internet mà họ sử dụng. Cùng với đó, các quy định việc đăng ký, đóng thuế kinh doanh qua mạng; xử phạt đối với hành vi làm giả lượng giao dịch, lừa dối khách hàng cũng được ban hành.
Cũng theo quy tắc mới, những người bán hàng trực tuyến phải xem xét một cách kỹ lưỡng nội dung mà họ công khai trước công chúng và ngừng mọi quảng cáo bất hợp pháp; những người phát trực tiếp sẽ phải độ tuổi trên 16 (trừ khi có được sự đồng ý của người giám hộ).
Trong khi đó, chính quyền Úc mới đây đã đề xuất luật cho phép chính quyền nước này bắt giam và phạt tù lên đến 3 năm với các nhà điều hành truyền thông nếu để các livestream có nội dung xấu xuất hiện trên nền tảng của mình. Đồng thời các công ty của họ sẽ bị phạt đến 10% doanh thu nếu không kịp thời xử lý và xóa các livestream "rác" này.
Hay như tại các nước châu Âu, các cá nhân thực hiện livestream có nội dung phản cảm, dung tục hay bạo lực có thể bị bắt ngay lập tức. Tùy theo mức độ vi phạm và đe dọa an ninh mà hình phạt có thể từ hành chính đến phạt tù. Cùng với đó, các nền tảng phát livestream cũng phải tuân thủ theo các quy định của nước sở tại, siết chặt quản lý và kịp thời xóa các nội dung xấu và độc hại.
Tại Anh, người ta có thể livestream ở một nơi công cộng như công viên, vỉa hè, trên xe buýt... nhưng nếu cố tình quấy rầy hoặc xâm phạm đời tư của người khác sẽ bị xử lý theo luật "chống theo dõi". Bên cạnh đó, người livestream phải thông báo với một ai đó nếu sử dụng hình ảnh hoặc video về họ cho mục đích thương mại. Ngoài các sự kiện thể thao và chương trình truyền hình, người livestream hoàn toàn có thể bị kiện vì họ có thể đang vi phạm bản quyền của nhiều bên, chẳng hạn nghệ sĩ, nhãn hiệu... xuất hiện trong video.
Mới nhất, Bộ Thông tin và Truyền Thông Việt Nam cũng đã có yêu cầu xử lý livestream, clip vi phạm pháp luật. Cùng với đó là ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (có hiệu lực từ ngày 17/6). Theo đó, bộ quy tắc này sẽ áp với 3 nhóm đối tượng, gồm: cơ quan nhà nước, cán bộ, công viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng MXH; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.
Nhìn chung bất kỳ vấn đề nào đều có hai mặt, livestream đem lại tác dụng lớn về kinh tế, xã hội nhưng cũng đặt ra những thách thức về pháp lý và đạo đức. Chúng ta cần nhanh chóng có những quy định, siết chặt quản lý để loại bỏ dần những mặt tiêu cực, qua đó giữ gìn môi trường lành mạnh trên mạng internet.