Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuân thủ lệnh giãn cách xã hội là điều kiện sống còn để kiểm soát tốc độ lây lan dịch Covid-19. Thế nhưng điều này tác động không nhỏ tới tình hình kinh doanh của các hãng xe nói riêng.
Để duy trì hoạt động kinh doanh, một số hãng xe nhanh chóng thay đổi chiến thuật tiếp cận khách hàng, điển hình là Mercedes-Benz, VinFast và bây giờ là Hyundai.
Giữa tháng 3, Mercedes-Benz ra mắt nền tảng thương mại điện tử, hướng đến mục tiêu mang đến trải nghiệm mới, giúp khách hàng có một hành trình mua xe đơn giản, tiện lợi trong mùa dịch.
Sau 2 tháng, trang thương mại điện tử chứng tỏ tính hiệu quả và lợi ích cho khách hàng, giúp Mercedes-Benz ghi dấu ấn đặc biệt phân khúc xe sang.
Nối gót Mercedes-Benz, toàn bộ hệ thống phân phối VinFast triển khai chương trình hỗ trợ khách hàng mua xe trả góp trực tuyến và cho phép khách hàng trải nghiệm xe tại nhà. Người mua có thể truy cập vào website, fanpage chính thức của VinFast hoặc gọi tới showroom gần nơi mình sinh sống để tìm hiểu thông tin xe, đặt lịch hẹn trước, sau đó nhận xe lái thử tại địa điểm mình yêu cầu.
Nhờ đó, VinFast là một trong số ít hãng xe có doanh số tăng trưởng dương (tăng nhẹ 5%) trong tháng 5 vừa qua.
Mới đây, Hyundai đã bắt tay vào việc số hóa trải nghiệm của khách hàng Việt Nam với thử nghiệm đầu tiên là mẫu Hyundai Santa Fe 2021 trên chính website của mình.
Khảo sát các đại lý tại Hà Nội, phóng viên được biết, hầu hết các đại lý hải thay đổi chiến lược kinh doanh để đảm bảo chỉ tiêu. Tùy vào nhu cầu của khách hàng, nhân viên sẽ linh hoạt trong việc áp dụng giao xe tại nhà.
Anh Q - nhân viên bán hàng đại lý ở Hà Nội chia sẻ: “Đợt dịch này còn phức tạp hơn những lần trước, số người mắc tăng đột biến trong thời gian ngắn khiến khách hàng e ngại đến nơi đông người, giao dịch mua bán ô tô vì thế phải linh hoạt hơn. Chỉ cần khách hàng gọi điện yêu cầu, đại lý sẽ giao xe tận nơi 24/24 giờ."
Ngoài ra, các hãng xe, đại lý phân phối áp dụng ưu đãi, giảm giá sâu nhằm chia sẻ bớt khó khăn với khách hàng. “Thời điểm này, nếu không giảm giá và có hình thức bán hàng công nghệ 4.0 thì sẽ thật khó để duy trì, đến cả những mẫu xe dẫn đầu phân khúc còn không ngoài cuộc”, anh Trung - nhân viên tư vấn cho biết.
Trên thế giới các hãng xe đã sớm triển khai và sớm biến hình thức này thành xu hướng trọng tâm, cần thiết trong thời đại 4.0. Còn tại Việt Nam, bán ô tô online mới chỉ ở giai đoạn sơ khai.
Một khách hàng đã trải nghiệm chia sẻ: “Bán ô tô online thì chỉ đặt hàng và thanh toán chứ phần lớn công đoạn khác vẫn phải làm việc trực tiếp với nhân viên tư vấn hoặc đại lý”.
Nói như vậy, Mercedes-Benz, VinFast hay Hyundai mới chỉ số hóa một phần quy trình bán xe tại thị trường Việt. Nhưng đây là một tín hiệu đáng mừng.
“Bán online thì mấy câu ru ngủ bền, giữ giá, hết đất sống. Thời đại 4.0 mọi thông tin trên mạng hết”, tài khoản có tên Radar bình luận.
Tài khoản dongnguyen cho rằng: “Đây là hướng đi đúng bởi bán xe như hiện giờ tốn kém cho mặt bằng rất lớn lại thêm nhân viên rất nhiều nên giá thành đội lên rất cao không thể cạnh tranh lại bán online.”
Một chuyên gia nhận định, Việt Nam là thị trường tiềm năng của ngành ô tô nhưng bị phân mảnh về thông tin. Trong khi khách hàng bây giờ yêu cầu cao về tình minh bạch và tối giản mọi thủ tục. Vì thế, kinh doanh ô tô online sẽ là xu hướng tất yếu.