Cụ thể, Công an TP.Hà Nội phát hiện một số ứng dụng di động, website không có nguồn gốc rõ ràng, hoạt động dưới hình thức phát hành các điểm thưởng (token) vào tài khoản người dùng khi thực hiện một số công việc theo yêu cầu và hứa hẹn có thể rút tiền mặt.
Các ứng dụng di động, website này có thông tin đăng ký, hệ thống máy chủ đặt tại nước ngoài và có dấu hiệu tổ chức huy động vốn, chiếm đoạt tài sản đầu tư, lôi kéo số lượng lớn người tham gia để hưởng hoa hồng giới thiệu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự.
Điển hình như Pchome, Shopping Mall, Tailoc888… lợi dụng danh nghĩa Thương mại điện tử, nhưng thực chất không có liên kết với các sàn giao dịch nào và hoạt động theo mô hình đa cấp biến tướng.
Người dùng phải đăng ký tài khoản trên ứng dụng, giới thiệu người khác tham gia và "giật" đơn hàng ảo (ứng dụng quảng bá việc mình có liên kết các sàn giao dịch Thương mại điện tử Shopee, Lazada) để hưởng hoa hồng trên tổng số tiền đầu tư.
Số tiền kiếm được của người dùng sẽ tỷ lệ thuận với giá trị các gói đầu tư của họ theo quy định của hệ thống.
Một số nhiệm vụ thường được yêu cầu như: Liên kết các tài khoản trên mạng xã hội, tương tác các tài khoản trên mạng xã hội để tăng mức độ phổ biến, đăng tải bài viết với nội dung quảng cáo, ghép và mua chung đơn hàng trên các sàn giao dịch Thương mại điện tử, xem video…
Người dùng có thể rút thành công ra tiền mặt trong những lần đầu, tuy nhiên những lần rút tiền sau này thì hệ thống đưa ra các quy tắc mới hoặc yêu cầu nạp thêm tiền và cuối cùng hệ thống dừng hoạt động, người dùng không thể rút số tiền đã đầu tư.
Để phát triển mạng lưới, các đối tượng tiếp cận qua nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok… đưa lên các nhóm tìm việc làm online, MMO, bình luận trên các bài viết có nhiều lượt tương tác hoặc thậm chí mở các sự kiện chào đón, trả lãi thật sự cho một số thành viên ban đầu, có chính sách hoa hồng khi người chơi mời gọi được thành viên cấp dưới nhằm thu hút được nhiều người chơi nhất có thể.
Nội dung mời chào hấp dẫn, như "đảm bảo thu nhập ổn định, đầu tư không rủi ro, không cần đặt cọc trước, App kiếm tiền nóng hổi mới ra, vừa xem youtube, tiktok, vừa kiếm thêm thu nhập…".
Các ứng dụng, website trả thưởng này tập trung dụ dỗ, lôi kéo người dùng là những người trẻ trong độ tuổi sinh viên và đang tìm việc làm (từ 18 - 25 tuổi) và người già (từ 55 – 65 tuổi), phần đông là nữ giới ở nhà, chưa có việc làm ổn định.
Dấu hiệu nhận biết các ứng dụng, website này là có tên miền không phổ biến như *.work; *.xyz; *.cc hoặc gồm các chuỗi kí tự, con số không có ý nghĩa (ví dụ: 6868, 999, 888…).
Website có giao diện đơn giản, không có phần thông tin liên hệ rõ ràng, ngôn ngữ lập trình giao diện không được tối ưu cho nhiều thiết bị mà thường chỉ phát triển trên nền tảng HTML cho máy tính.
Một số website còn bị các phần mềm diệt virus cảnh báo website thiếu chức năng bảo mật, chứa các ứng dụng nguy hiểm.
Các ứng dụng, website trả thưởng được các đối tượng xây dựng trên đa dạng các nền tảng như Android, MMO và website với tên gọi khác nhau nhưng giao diện và chức năng khá tương đồng do dùng chung một mã nguồn gốc, chỉ chỉnh sửa chút ít.
Còn các ứng dụng di động dạng trên là không được phát hành trên CHplay (đối với hệ điều hành Android), AppStore (đối với hệ điều hành iOS) do không đảm bảo các điều kiện bảo mật thông tin, thông tin xác thực và rủi ro tài chính của Google, Apple.
Người dùng muốn cài đặt, sử dụng ứng dụng di động phải tải từ website bên ngoài (thường là website do đối tượng tạo lập).
Một bộ phận người dân nhận thức được những trang web này không bền vững, thiếu minh bạch, nhưng vì từng rút được tiền, nên vẫn tham gia.
Thậm chí, có người đã lường trước được việc web sẽ sập bất cứ lúc nào, nhưng cố tham gia kiểu "được đồng nào, hay đồng ấy" và tranh thủ huy động bạn bè, người thân nạp tiền thật vào để chơi trong những ngày đầu.
Trong trường hợp các ứng dụng, website kiếm tiền trả thưởng bị sập, những người chơi thực sự có lãi không bao giờ ra mặt hay lên tiếng. Chỉ có những người là nạn nhân thực sự - mất hết tiền vốn hoặc cả vốn lẫn lãi mới tố giác với cơ quan Công an.
Trước hiện tượng này, Công an TP.Hà Nội khuyến cáo họat động của các ứng dụng, website "giật" đơn hàng ảo có dấu hiệu của tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 290, Bộ luật Hình sự 2015.
Một số trường hợp, các đối tượng tổ chức huy động vốn trái phép và trả thưởng theo mô hình đa cấp thông qua mạng internet dưới hoạt động thương mại điện tử, chưa được Bộ Công Thương cấp phép thực hiện kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp phép hoặc kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa có thể bị xử lý hành chính, theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP hoặc bị xử lý hình sự về tội "Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp", theo Điều 217a Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).