Tỷ lệ tiêm mới bao phủ được 6% dân TP.HCM
Giải thích cụ thể về số lượng vaccine Covid-19 đợt này, ông Dương Anh Đức cho biết, trong 1 triệu liều vaccine Chính phủ Nhật Bản tặng Việt Nam, TP.HCM được phân bổ 836.000 liều. Trong số này, 30.000 liều được giao thẳng cho Bộ Quốc phòng để chủ động tiêm cho lực lượng vũ trang, 20.000 liều giao cho lực lượng công an (18.000 liều cho công an thành phố và 2.000 liều cho Bộ Công an đóng trên địa bàn thành phố).
Số vaccine còn lại 804.000 liều, sau khi tiêm tại một số công ty trong khu công nghệ cao, khu chế xuất từ 19/6, chiều nay thành phố bắt đầu triển khai đại trà, rốt ráo trong vòng 5 ngày và 1,5 ngày tiêm vét cho các đối tượng được ưu tiên theo đúng Nghị định 21 của Chính phủ.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đây là đợt vaccine thứ 4 thành phố được tiếp nhận và cũng là đợt có lượng vaccine nhiều nhất. Tuy nhiên, kể cả tiêm hết lượng vaccine đợt 4 này thì cũng mới chỉ đạt được 6% dân số được tiêm chủng.
"Số lượng vaccine lớn nên công việc chuẩn bị rất gấp rút trong thời gian ngắn, để đảm bảo an toàn tại các điểm tiêm chủng, 946 đội tiêm, 59 đội dự phòng đã được tập huấn, hơn 4.000 đoàn viên sinh viên tình nguyện trong sắp xếp, bố trí người dân ở khu vực tiêm chủng đảm bảo giãn cách, trật tự, an toàn cũng đã được tập huấn đầy đủ", ông Nam nói.
Tại khu vực tiêm chủng, mỗi bàn tiêm có 5 người: 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng, trong đó 1 bác sĩ khám sàng lọc, 1 bác sĩ trực cấp cứu, 2 điều dưỡng tiêm và 1 điều dưỡng phụ cấp cứu. Mỗi điểm tiêm chủng có các đội cấp cứu của các bệnh viện được phân công trực sẵn, đảm bảo xe cấp cứu đến nhanh nhất trong 2-3 phút khi có sự cố.
"Với tiêm chủng, sẽ có tỷ lệ nhất định gặp phản vệ. Người không may bị sốc phản vệ được chế độ bảo hiểm y tế chi trả", ông Nam cho biết.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng cho biết thêm, Sở Y tế TP.HCM đã họp đến 2h đêm để tổng hợp kinh nghiệm, điều chỉnh cách điều phối, sàng lọc, trong và sau tiêm.
"Giai đoạn đầu, ngành y tế cần đảm bảo sàng lọc, chỉ có người đủ an toàn mới được tiêm chủng. Thông thường, phản ứng phản vệ xảy ra khoảng vài phút sau tiêm. Do đó, người được tiêm cần ngồi gần nhân viên y tế theo dõi, sau đó nhường vị trí cho người khác mới tiêm sau", ông Đức nói.
Hiện tại, Bộ Y tế cử đội công tác đặc biệt do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đứng đầu cùng lãnh đạo UBND TP thường xuyên giám sát các hoạt động tiêm chủng cũng như phòng chống dịch.
TP.HCM cố gắng có 5-10 triệu liều vaccine trong năm nay
Ông Dương Anh Đức cho biết TP.HCM có 2 nguồn cung vaccine là Chính phủ cấp và thành phố chủ động tiếp cận.
Theo kế hoạch dự kiến đến cuối năm, Việt Nam nhận hơn 100 triệu liều vaccine, TP.HCM sẽ được nhận khoảng 10% trong số này. Ngoài ra, thành phố đã làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất, cung ứng vaccine, không qua trung gian.
"TP.HCM đang hướng đến là có khoảng 5-10 triệu liều trong năm nay", ông nói.
Về đối tượng được tiêm vaccine, ông Đức cho biết, thành phố thực hiện nghiêm theo các chỉ thị của Chính phủ, đợt này ưu tiên các công nhân đang làm việc trong các KCN, KCX, khu công nghệ cao, khu công nghiệp phần mềm.
"Không có chuyện người này được chích người kia không được chích ngừa, toàn bộ công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và công viên phần mềm Quang Trung đều được tiêm", ông Đức khẳng định.
TP.HCM hiện có 280.000 công nhân trong KCN-KCX, 40.000 người trong khu công nghệ cao và 20.000 người thuộc công viên phần mềm Quang Trung.
Ông Đức giải thích thêm, do nguồn vaccine có hạn nên lúc đầu, thành phố dự kiến chỉ tiêm cho phần lớn công nhân nhưng sau đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố đã quyết định tiêm hết cho toàn bộ công nhân, bởi đây là lực lượng sản xuất chủ lực của thành phố.
"Vaccine về liên tục từ nay đến cuối năm, các đợt sau có thể nhiều hơn đợt này. Khi nguồn dồi dào hơn, thành phố sẽ tiêm mở rộng cho người dân", ông Đức khẳng định.