Bộ LĐTBXH vừa hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét. Trong đó, Bộ đề xuất nhiều chính sách để mở rộng đối tượng tham gia và giữ chân lao động ở lại với hệ thống BHXH bằng cách giảm tiền hưởng BHXH 1 lần.
Ngoài một loạt chính sách mở rộng đối tượng đóng, tăng trợ cấp thai sản cho lao động tham gia BHXH tự nguyện... luật còn đề xuất giảm mức hưởng BHXH 1 lần của lao động thất nghiệp không muốn tham gia BHXH nữa.
Cụ thể, dự luật sẽ điều chỉnh quy định hưởng BHXH một lần theo hướng tạo điều kiện cho lao động có sự lựa chọn có 2 phương án. Trường hợp 1: Nếu lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà sau một năm không tham gia BHXH đề nghị hưởng BHXH một lần, thì mức hưởng cho mỗi năm đóng BHXH bằng một lần mức tiền lương bình quân tháng đã đóng BHXH.
“Trường hợp 2, nếu lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng hoặc lao động mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc ra nước ngoài để định cư hợp pháp, thì mức hưởng cho mỗi năm đóng BHXH bằng hai tháng tiền lương bình quân đã đóng BHXH...”, trích đánh giá tác động Dự thảo Luật BHXH sửa đổi.
Như vậy, đề xuất này sẽ làm giảm khoảng 50% mức hưởng BHXH 1 lần của lao động trong trường hợp 1. Thay vì rút BHXH 1 lần sẽ được từ 1,5 - 2 tháng lương tính đóng như hiện hành, Bộ LĐTBXH đề xuất giảm chỉ còn 1 tháng lương.
Chị Lê Thị Thu (Công nhân, công ty may Khu công nghiệp Thăng Long) cho rằng, đề xuất này không hợp lý, gây bất lợi cho công nhân lao động.
"Tôi làm công nhân, tính ra mỗi năm chúng tôi đóng BHXH đến hơn 4 tháng lương. Đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH một lần quá thiệt thòi cho NLĐ. Hiện nay lao động thất nghiệp còn được hưởng bình quân 2 tháng lương tính đóng BHXH, nếu tới đây giảm chỉ còn 1 tháng thì quá là bất công", chị Thu nói.
Theo chị Thu, không phải lao động nào cũng đủ sức khỏe để làm tới khi đủ tuổi. Đó là chưa kể có lao động đủ tuổi mà chưa đủ năm đóng BHXH. Việc quy định lao động phải mắc bệnh hiểm ngèo, lao động ra nước ngoài thì mới được hưởng BHXH 1 lần bằng 2 tháng tiền lương bình quân đã đóng BHXH trước đó là không phù hợp.
"Chúng tôi kiến nghị không nên áp dụng điều này vì nó tạo ra sự bất công, thiệt thòi cho người lao động. Nếu đề xuất này được áp dụng thì nó sẽ khiến nhiều lao động mất niềm tin vào BHXH, không muốn tham gia BHXH", chị Thu chia sẻ.
Bà Trần Thúy Nga - Nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho rằng sửa luật BHXH là cần thiết, tuy nhiên, một số đề xuất còn chưa dựa trên nguyên tắc khi xây dựng luật BHXH. BHXH xây dựng trên nguyên tắc đóng - hưởng. Có đóng có hưởng. Đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều, không đóng không hưởng.
"Nếu dựa trên những căn cứ, nguyên tắc đó thì không thể đề xuất giảm tiền hưởng BHXH 1 lần của người lao động như trên. Lao động có đóng có hưởng. Nếu trong trường hợp vì mất việc, không xin được việc làm mới hoặc vì quá khó khăn mà họ muốn rút BHXH hưởng 1 lần thì phải tôn trọng quyết định của họ. Mức hưởng cần tính toán phù hợp, cân bằng tránh lao động phản ứng", bà Nga nêu ý kiến.
Lo lắng của bà Nga không phải là không có căn cứ, bởi trong thực tế chúng ta cũng đã phải sửa Điều 60 Luật BHXH liên quan tới việc hưởng BHXH 1 lần của lao động.
"Tôi cho rằng nên thận trọng và tính toán kỹ lưỡng", bà Nga nói.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Lao động thì cho rằng, kể cả khi giảm mức hưởng BHXH 1 lần nhằm níu kéo lao động không rời khỏi hệ thống BHXH thì khó đạt được kết quả tốt.
Bà Hương cho rằng, nếu lao động muốn rút BHXH 1 lần thì chỉ rút phần mà lao động đóng, phần doanh nghiệp đóng BHXH cho lao động vẫn nên giữ nguyên để sau này về già lao động có lương hưu.
"Quy định số năm đóng BHXH là 20 năm được hưởng 45% tiền lương sau đó mới tăng dần theo thời gian. Nếu rút tiền BHXH, cuối cùng lao động không còn khoản tiền tích cóp sau khi về già, họ dễ trở thành gánh nặng cho bản thân và gia đình. Điều này có thể làm gia tăng gánh nặng lên hệ thống an sinh, trợ cấp của đất nước", bà Hương nói.
Bà Hương cũng đưa kiến nghị có thể tính toán dựa trên số tiền BHXH mà lao động đã đóng, hay tiền lương hưu lao động có thể nhận được sau này để ban hành những chính sách bảo lãnh cho lao động được vay vốn tín dụng.
Đồng tình với quan điểm của bà Nga, bà Hương cũng cho rằng đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH 1 lần của Bộ LĐTBXH không phải là giải pháp triệt để điều chỉnh hành vi rút BHXH 1 lần của lao động, đồng thời cũng không giải quyết được tình trạng lao ra khỏi hệ thống BHXH.
"Một khi người lao động muốn rút BHXH thì dù ít hay nhiều họ vẫn rút. Theo tôi, giải pháp điều chỉnh có thể thay vì cho họ rút thì cho họ vay dựa trên khoản tiền lao động và DN đã đóng vào quỹ BHXH. Nếu cho rút thì chỉ được rút một phần tiền lao động đã đóng, số còn lại cần giữ để lo cho tương lai về già của lao động", bà Hương lý giải thêm.