Điều kiện đủ để bỏ sổ hộ khẩu giấy
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC) sẽ chính thức đi vào vận hành từ ngày 1/7/2021. Đây là nền tảng thay đổi phương thức quản lý công dân từ sổ hộ khẩu giấy sang mã định danh cá nhân, tiết kiệm thời gian, công sức của người dân khi thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, hệ thống và căn cước công dân (CCCD) cũng góp phần đổi mới công tác quản lý con người, quản lý nhà nước về an ninh, trật tự theo hướng hiện đại.
Thiếu tướng Tô Văn Huệ- Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đánh giá, việc bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy là mục tiêu quan trọng nhất của dự án CSDLQGDC. Nói cách khác, việc hoàn thành dự án này là điều kiện đủ để bỏ sổ hộ khẩu giấy.
"Khi dự án được hoàn thiện, tất cả giấy tờ thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu được bãi bỏ, thay thế. Việc đi xin xác nhận lý lịch, giao dịch nhà đất, xin học cho con…, sẽ không cần đến hộ khẩu giấy nữa"- Thiếu tướng Tô Văn Huệ nói.
Theo quy định của Luật Cư trú, từ ngày 1/7/2021, cơ quan công an sẽ không cấp sổ hộ khẩu, cổ tạm trú khi công dân đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong cổ hộ khẩu, cổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, cổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.
Theo tính toán của Văn phòng Chính phủ, dự án này đi vào hoạt động có thể tiết kiệm được 4.000 tỷ đồng mỗi năm trên toàn quốc, do không phải in ấn, photo, nộp các giấy tờ. Ngoài ra, con số tiết kiệm chi phí đi lại, công sức, thời gian của người dân cũng rất lớn.
Theo Luật Cư trú (sửa đổi), Việt Nam sẽ tiến tới bỏ quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu giấy vào năm 2022. Tuy nhiên, từ 1/7 tới đây, thông qua dự án này, người dân đã có thể không cần phải cầm sổ hộ khẩu giấy đi giao dịch, vì tất cả thông tin cư trú được cập nhật trên hệ thống CSDLQGDC.
Mỗi công dân có một mã số định danh, một tệp hồ sơ riêng, cảnh sát chỉ cần tra họ tên trên máy tính để xem xét, hoàn thiện hồ sơ. Thậm chí người dân có thể ngồi tại nhà khai báo thủ tục cư trú trực tuyến. Ví dụ, người dân đang ở phường này đến thường trú ở phường khác, cán bộ chỉ cần cập nhật trên hệ thống và giải quyết hồ sơ, thủ tục trên môi trường mạng.
Tuy nhiên, cần hiểu rằng bỏ sổ hộ khẩu giấy không có nghĩa là bỏ quản lý cư trú, mà chỉ chuyển từ hình thức thủ công, bằng giấy sang điện tử.
Vì vậy, người dân cần tự giác khai báo khi có thay đổi liên quan đến cư trú, thay đổi các dữ liệu cá nhân như tình trạng hôn nhân..., để làm sao các trường thông tin về mỗi người trên hệ thống đều chính xác. Ví dụ công dân khi kết hôn phải thông báo để các cơ quan chức năng cập nhật lên hệ thống, nếu không thông báo, sau này có vướng mắc về thủ tục thì người dân phải chịu trách nhiệm.
Quản lý công dân theo hướng hiện đại
Ngày 22/6, tại hội nghị tổng kết dự án CSDLQGDC, dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD và lễ công bố vận hành chính thức hệ thống từ ngày 1/7/2021, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 dự án trọng điểm, Bộ Công an đã điều động, tăng cường gần 200.000 cảnh sát để thu thập, cập nhật thông tin dân cư trên toàn quốc.
Sau hơn một năm triển khai, Bộ Công an đã xây dựng thành công 2 dự án trên. Đây là 2 dự án độc lập, nhưng bộ đã chỉ đạo lồng ghép tối đa 2 dự án để đồng bộ, tránh lãng phí. Qua đó giảm được mức dự toán so với ban đầu hơn 1.000 tỷ đồng.
Đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo các nhà thầu chính của dự án triển khai thiết kế kỹ thuật hệ thống CSDLQG và sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Các hệ thống sẵn sàng tích với cổng dịch vụ công quốc gia; các bộ, ngành, địa phương và sẵn sàng liên thông quốc tế, đồng thời có tính bảo mật cao.
"Về thu thập cơ sở dữ liệu dân cư, Bộ Công an đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống hơn 98 triệu nhân khẩu. Thông qua đó cấp mã số định danh cho công dân trên toàn quốc vào ngày 18/6" - ông Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Đến nay, Bộ Công an đã thử nghiệm kết nối tích hợp dịch vụ chia sẻ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và kết nối dữ liệu với 33/63 UBND tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua đó giúp xác thực thông tin công dân, giải quyết 236 thủ tục hành chính, đáp ứng các yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử.
Đối với dự án sản xuất và cấp CCCD gắn chip, Bộ Công an cho biết tính đến ngày 15/6, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã thu nhận gần 54 triệu hồ sơ cấp CCCD. Dự kiến việc in và trả toàn bộ thẻ căn cước sẽ hoàn thành từ nay đến hết tháng 9/2021.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, đây là dự án lớn, có quy mô và phức tạp, được tiến hành trong thời gian ngắn và đưa vào sử dụng hiệu quả rất nhanh. Đây cũng là bài học quý về việc lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư tránh dàn trải, tập trung có trọng tâm, trọng điểm; lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong đầu tư công.
Thủ tướng vui mừng vì người dân đã cùng vào cuộc, xếp hàng tới tận đêm để làm CCCD điện tử. Một công việc hợp với lòng dân. Đây là sự kiện quan trọng góp phần khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Theo Thủ tướng, những năm qua, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh công nghệ, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế. Trong đó, Nghị quyết 36 năm 2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế đã xác định: Ứng dụng phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực song có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công; trước hết là liên quan trong lĩnh vực doanh nghiệp và người dân.
Trên cơ sở nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công an đã nỗ lực huy động, phát huy trí tuệ trong và ngoài ngành, triển khai quyết liệt sáng tạo hiệu quả hai dự án CSDLQGDC và CCCD.
Kết quả đạt được như trên đã góp phần quan trọng trong phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại; quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân, khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, các cấp; tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ công. Đồng thời góp phần đổi mới quản lý nhà nước, con người và an ninh trật tự theo hướng hiện đại; hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm; đảm bảo trật tự an toàn xã hội...
Thủ tướng chỉ đạo trong thời gian tới, Bộ Công an phát huy hơn nữa các kết quả đã đạt được, tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực, trong đó có chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, bảo đảm an ninh và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin an toàn, hiệu quả.