Tại Châu Âu (EU), tất cả các thành phần thuốc trừ sâu đã được phê duyệt đều phải trải qua các cuộc đánh giá khoa học thường kỳ, được tiến hành bởi các quốc gia thành viên được chỉ định và đồng thời cũng được Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) đánh giá. Glyphosate hiện đang trải qua quá trình đánh giá lại theo định kỳ này ở Châu Âu.
Các Quốc gia Thành viên được chỉ định cho quy trình đánh giá lại Glyphosate hiện tại - được gọi là Nhóm Đánh giá về Glyphosate (Assessment Group on Glyphosate - AGG) gồm Pháp, Hungary, Hà Lan và Thụy Điển. Theo kết quả nghiên cứu của AGG, nhóm này đã chính thức công bố các kết luận chính của dự thảo Báo cáo Đánh giá Gia hạn (dRAR) đối với Glyphosate.
Kết luận của AGG dựa trên một trong những hồ sơ khoa học toàn diện và bao quát nhất mà trước đây chưa từng được biên soạn cho một sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật nào.
Cụ thể, AGG đã đưa ra một loạt các kết luận mới mang tính khoa học và quan trọng về sự an toàn của Glyphosate: "Dựa trên đánh giá hiện tại, Glyphosate đáp ứng các tiêu chí cho phê duyệt".
"Sau khi xem xét tất cả các bằng chứng liên quan, bao gồm các thí nghiệm trên động vật, nghiên cứu dịch tễ học và phân tích thống kê… AGG đề xuất rằng việc phân loại glyphosate liên quan đến khả năng gây ung thư là không hợp lý".
"AGG đề xuất rằng việc phân loại glyphosate là chất độc đối với việc sinh sản là không hợp lý"; "AGG đề xuất rằng việc phân loại glyphosate như là chất gây đột biến gen hoặc gây đột biến tế bào mầm là không hợp lý".
"AGG đề xuất rằng việc phân loại độc tính đối với cơ quan cụ thể là không hợp lý, cho dù là đối với phơi nhiễm đơn lẻ hay lặp lại (STOTSE và STOT-RE) theo thứ tự.
"Quá trình đánh giá lại glyphosate hiện nay cũng chỉ ra, không có nguy cơ cấp hay mãn tính cho người sử dụng glyphosate trong quá trình canh tác nông nghiệp nếu tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng."
"Nhìn chung, AGG kết luận rằng glyphosate đáp ứng các tiêu chí phê duyệt đối với sức khỏe con người"…
Tất nhiên, vẫn còn một số bước trong quy trình đánh giá lại Glyphosate của Châu Âu, bao gồm thẩm định lại kết luận của AGG bởi cơ quan an toàn thực phẩm Châu Âu (EFSA). Song, những kết luận mới nhất của AGG về các thuốc trừ cỏ chứa Glyphosate bổ sung thêm vào đánh giá lâu dài của các cơ quan sức khỏe quốc tế hàng đầu về việc các sản phẩm này có thể được sử dụng an toàn và Glyphosate không gây ung thư.
Các sản phẩm chứa Glyphosate là các loại thuốc trừ cỏ được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn thế giới. Từ nhiều năm nay, các cơ quan quản lý và khoa học trên thế giới đã nhiều lần khẳng định lại kết luận của họ về sự an toàn của các sản phẩm chứa Glyphosate không gây ung thư, bao gồm Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA), Cơ quan Hóa chất Châu Âu (ECHA), Viện đánh giá rủi ro Liên Bang Đức, và các cơ quan quản lý của Úc, Canada, Hàn Quốc, New Zealand và Nhật Bản, cũng như hội thảo kết hợp của FAO và WHO về dư lượng thuốc trừ sâu (JMPR)…
Vì lẽ đó, nông dân trên toàn thế giới vẫn tiếp tục tin dùng các sản phẩm này không chỉ vì khả năng kiểm soát cỏ dại hiệu quả của chúng mà còn giảm thiểu công tác làm đất, giảm khí thải nhà kính, bảo tồn nhiều đất hơn cho môi trường sống bản địa và cung cấp đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng gia tăng trên toàn thế giới.