Ratchadawan Puengprasoppon đã bị đánh thức vào tờ mờ sáng thứ Bảy bởi một loạt âm thanh va chạm và đổ vỡ ồn ào. Trong khi đi tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra, cô phát hiện ra một con voi đang thò đầu qua tường nhà bếp, bên cạnh giá đồ đạc.
Con voi đực tên là Boonchuay dường như đang tìm kiếm thứ gì đó để ăn. Nó đã lục tung các ngăn kéo trong bếp, làm rơi những chiếc chảo và đồ dùng nấu ăn xuống sàn. Chú voi thậm chí còn nhai một chiếc túi nilon trong lúc Ratchadawan không biết phải làm gì và dùng điện thoại di động quay phim lại.
Đây không phải là lần đầu tiên chú voi Boonchuay, sống trong vườn quốc gia Kaeng Krachan của Thái Lan, "đến thăm" làng Chalermkiatpattana.
"Chúng đến thăm khá thường xuyên. Chúng luôn đến khi chợ địa phương mở cửa vì lúc đó chúng có thể ngửi thấy mùi thức ăn", Itthipon Thaimonkol, giám đốc công viên cho biết.
Truyền thông Thái Lan đưa tin rằng chính con voi ấy đã ghé thăm nhà bếp của Ratchadawan trước đây và gây ra thiệt hại gần 50.000 baht (khoảng 37 triệu đồng).
Tiến sĩ Joshua Plotnik, trợ lý giáo sư chuyên ngành tâm lý học tại đại học Hunter (New York), là người nghiên cứu về quần thể voi thuộc khu bảo tồn động vật hoang dã Salakpra ở Kanchanaburi, miền tây Thái Lan. Tiến sĩ cho biết việc voi từ các công viên quốc gia phá hoại cánh đồng mía hoặc ngô của nông dân gần đó là rất phổ biến.
"Ở những ngôi làng mà tôi làm việc ở Thái Lan, voi vào ruộng của nông dân gần như hàng đêm. Đây là một vấn đề thực sự khó khăn cho cả người chăn nuôi và đàn voi", Joshua nói.
Hầu hết dân làng đều tôn trọng và có thiện cảm với những con voi, Joshua nói thêm:
"Họ thất vọng vì điều này đang xảy ra và thực sự muốn tìm giải pháp để ngăn chặn. Họ thường không đổ lỗi cho những con voi".
Báo giới cho biết các tình nguyện viên từ cộng đồng địa phương và một nhân viên của vườn quốc gia đang làm việc cùng nhau để theo dõi những chú voi, đồng thời sử dụng tiếng ồn lớn và các biện pháp ngăn chặn khác để cố gắng đưa chúng trở lại rừng.
Gần đây, có một đàn voi ở Trung Quốc đã đi xa 15 tháng khỏi môi trường sống tự nhiên của chúng, ăn hết những nương ngô và phá hoại nhiều chuồng trại trên đường đi. Các nhà chức trách đã cử hàng trăm người và triển khai máy bay không người lái để cố gắng theo dõi hành trình của đàn voi. Nhiều người cũng đặt câu hỏi tại sao những con voi lại đi xa đến vậy.
Joshua cho biết: "Tỷ lệ voi đi lang thang đang gia tăng ở châu Á và có thể là do sự suy giảm nguồn tài nguyên sẵn có và con người làm xáo trộn môi trường sống của voi.
Nếu bạn không đáp ứng nhu cầu của voi về thức ăn, nước uống và các nguồn tài nguyên khác trong môi trường sống tự nhiên của chúng (hoặc đảm bảo chúng ở một nơi khác), chúng sẽ tìm cách tiếp cận các ngôi làng hoặc cánh đồng để tìm kiếm các nguồn tài nguyên này".