Theo các hộ dân kinh doanh dịch vụ ăn uống tại bãi tắm Thuận An, những hộ dân này được chính quyền cho thuê dịch vụ hè năm 2021 tại bãi tắm Thuận An và đã nộp 50% tiền thuế, tiền mặt bằng. Sau khi kinh doanh được 3 tuần thì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, nên các hộ đóng cửa hàng quán theo chủ trương của tỉnh.
Đến ngày 10/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Thông báo số 89/TB-BCĐ điều chỉnh một số biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo thông báo này, từ 0h ngày 11/6, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán ăn, quán cafe...) trên địa bàn tỉnh được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch và tối đa không quá 50% công suất phục vụ.
"Theo Thông báo số 89, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống của chúng tôi tại bãi biển cũng thuộc diện được hoạt động 50% công suất, nhưng UBND huyện Phú Vang lại buộc chúng tôi đóng cửa ngừng kinh doanh", anh Nguyễn Anh Tuấn- đại diện một chủ hộ kinh doanh dịch vụ tại bãi tắm Thuận An, nói.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, hiện tại bãi tắm Thuận An có 7 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống và tất cả những hộ này đều phải ngừng kinh doanh thời gian qua. Tương tự, tại bãi tắm Phú Thuận và bãi tắm 19/5 gần đó với tổng cộng 8 hộ kinh doanh, cũng đã phải đóng cửa hàng quán theo chỉ đạo của UBND huyện Phú Vang.
Các hộ kinh doanh dịch tại đây cho biết, sở dĩ UBND huyện Phú Vang buộc họ phải đóng cửa hàng quán là do áp dụng chưa đúng văn bản thông báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ thể, theo Thông báo số 89, tỉnh tiếp tục cho tạm dừng hoạt động tắm biển trên địa bàn để phòng chống dịch Covid-19, trong khi UBND huyện Phú Vang lại yêu cầu dừng cả hoạt động tắm biển và hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống tại bãi biển.
"Văn bản của tỉnh yêu cầu tạm dừng hoạt động tắm biển chứ không phải dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống tại bãi biển. Huyện đã áp dụng chưa đúng văn bản của tỉnh khiến chúng tôi phải ngừng kinh doanh một cách rất vô lý", một hộ kinh doanh tại bãi biển Thuận An cho hay.
Theo các hộ kinh doanh nơi đây, việc bị buộc ngừng kinh doanh đã khiến họ rơi vào tình trạng rất khó khăn. Tiền thuế và tiền thuê mặt bằng cao trong khi hàng quán không hoạt động trong thời gian dài khiến khiến các hộ rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần.
Theo bà Trần Thị Hoài Trâm- Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Thông báo số 89 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chỉ tạm dừng hoạt động tắm biển. Mục tiêu của việc tạm dừng hoạt động tắm biển là do trời quá nắng nóng, việc tụ tập đông người đi biển tắm dễ lây lan dịch, và hiện nay hoạt động này vẫn chưa điều chỉnh. Các hàng quán kinh doanh tại bãi biển vẫn được hoạt động 50% công suất.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Thanh Long- Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho rằng, việc tạm dừng hoạt động tắm biển theo Thông báo số 89 cũng là dừng hoạt động tất cả các dịch vụ tại bãi biển. Theo ông Long, các quán ăn thông thường được hoạt động 50% công suất, còn quán ăn tại bãi biển là thuộc khu du lịch biển nên phải tạm dừng hoạt động.
Ông Long cho rằng, việc tạm dừng hoạt động các hàng quán tại bãi biển là vì sức khỏe cộng đồng, vì cái chung, và Nhà nước sẽ có chính sách giảm trừ tiền thuế và tiền mặt bằng cho các hộ kinh doanh dịch vụ tại bãi biển.