Tôi vốn là người thích lãng du, tìm tòi và đến những vùng đất mới, gặp những con người mới nên khi vào đại học, được lên Thủ đô, tôi đã quyết tâm tìm đến "người muôn năm cũ" – "bà bán nón Hà Đông" khi xưa.
Đó là việc bố mẹ không bảo nhưng tôi nghĩ mình phải tìm lại bà cũng như tìm lại ký ức tuổi thơ của mình.
Qua một người quen tôi đã có số điện thoại của ông Khuyên và rồi cuộc gọi đã diễn ra. Có điều làm tôi ngạc nhiên là khi tôi lên tiếng chào thì ở đầu dây bên kia người đàn ông với giọng khàn khàn tức thì đáp: "Thiện à!" (Thiện là tên bố tôi).
Và sau câu chuyện đó tôi nghĩ rằng tình cảm bao nhiêu năm nay không hề mất đi, dù khoảng cách có xa xôi, dù thời gian có làm mái tóc ông bà bạc thêm.
Vậy là một cuộc gặp đã được định sẵn vào một buổi sáng chủ nhật tuần đó. Trên đường đi ông liên tục gọi tôi và nhắc là phải đến cầu Chuông không nhỡ đi lạc.
Tôi chưa hề gặp ông và ông cũng chưa hề gặp tôi (ý nói là trong nhận thức của tôi, chứ có lẽ ông cũng đã gặp tôi nhưng hồi tôi cỡ 2,3 tuổi gì đó) nhưng khi tôi vừa xuống xe buýt như có một linh cảm mách bảo mà ông đã nhận ra tôi và tôi cũng không khó khăn để nhận ra ông.
Về đến nhà nghe bà kể thì tôi mới biết là sáng sớm ông đã ra ngoài cầu Chuông đón tôi, mong tôi về thăm. Còn bà thì đã tất bật cơm nước từ rất sớm.
Gặp lại tôi, ông bà mừng lắm! Ông bà nói một câu rất cảm động: "Thằng cháu ngày nào ông bà bế ẵm đã biết đường tìm về thăm ông bà này! Thật không ngờ có ngày hôm nay".
Rồi ông bà hỏi thăm từng thành viên trong gia đình tôi làm gì, ở đâu và mong muốn tôi kết nối để được nói chuyện cùng họ qua điện thoại.
Những cuộc trò chuyện không ngớt tiếng cười, sự xúc động và bất ngờ hơn mọi người trong gia đình tôi biết tôi "mò" về tận làng Chuông để thăm ông bà.
Hôm ấy ông dẫn tôi đi một số nhà hàng xóm vui vẻ trên gương mặt, khoe: "Cháu ở Hải Dương mới về chơi!".
Vào những nhà dân ở làng Chuông, tôi thấy từ cụ già đến trẻ con đều biết làm nón, miệng thì nói tay thì làm, đôi tay họ cứ nhanh thoăn thoắt.
Tôi hỏi họ thì họ bảo dù nghề làm nón không đem lại thu nhập cao nhưng đã là nghề truyền thống thì phải cố giữ, bởi đó không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là văn hóa, bản sắc của làng quê. Thật đáng quý biết bao!
Trong hai năm gần đây mẹ tôi đã lên Hà Nội sinh sống cùng tôi (sau khi bố tôi qua đời) và ngày 30 Tết vừa qua do dịch Covid-19 mà gia đình tôi không thể về quê ăn Tết như mọi khi vì thế tôi đã đưa mẹ về với ông bà.
Ông bà đã già hơn ở cái lần tôi về thăm đầu tiên nhiều nhưng được cái "trời thương" nên vẫn còn rất mạnh khỏe, minh mẫn để không quên những ký ức một thời vì cuộc sống mưu sinh phải về sống ở Hải Dương.
Nhìn mẹ và bà trò chuyện tôi như sống lại ký ức của một thời thơ bé được bàn tay bà chăm chút cho từng bữa ăn, giấc ngủ (ngủ ngày) những hôm mẹ làm đồng.
Tôi đang sở hữu một căn chung cư ở phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) mà góc làm việc của tôi nhìn thẳng ra cánh đồng Hữu Hòa (huyện Thanh Trì) rộng lớn, chếch mé phải là làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) cổ kính.
Hằng ngày vượt qua quãng đường gần 20 km và qua nhiều quận của Hà Nội với những con phố sầm uất để đến cơ quan ở phố Quán Thánh (quận Ba Đình) nhưng thú thật tôi có suy nghĩ hơi chủ quan là không đâu sống bằng ở Hà Đông.
Hà Đông hiện tại đã là một quận của Thủ đô với nhiều tòa nhà chung cư mọc lên, đang là đô thị mới năng động ở phía Đông Hà Nội nhưng vẫn giữ được nét thôn quê, dân dã ở các cánh đồng, làng nghề và trong từng con người cụ thể.
Nghề báo đã cho tôi nhiều thứ, giúp tôi thêm nhiều trải nghiệm mà một trong những hạnh phúc là tôi được gặp những người mà tôi ngưỡng mộ từ lâu.
Nhạc sĩ Đoàn Bổng là một người như thế. Ông cũng là một người con Hà Tây mà như tôi "mặc định" đã là Hà Tây thì cũng như Hà Đông. Ông sống tình cảm, giản dị, chân thành đúng như những gì tôi cảm nhận về "người Hà Đông" thuở nào.
Trò chuyện cùng ông, ngoài việc được hỏi sâu, kỹ hơn về ca khúc "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em" gắn bó với ký ức thời thơ ấu của mình, tôi còn được nghe nhiều ca khúc về Hà Đông của ông, được cảm nhận nhiều hơn về con người Hà Đông từ xa xưa cũng trong thời kỳ hội nhập và đổi mới.
Thật tình cờ và may mắn, tôi cũng là người kết nối để ông về Hà Đông sáng tác một ca khúc theo "đơn đặt hàng" của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Đông.
Bài hát "Tự hào phụ nữ Hà Đông" là kết quả của một quá trình tôi, ông và nhiều lãnh đạo chủ chốt của phụ nữ Hà Đông đi điền dã ở nhiều phường, nhất là ở các phường xa trung tâm hồi cận Tết năm ngoái để hiểu thêm về một Hà Đông nông thôn.
Về phường Đồng Mai, tôi được ngắm nhìn những cánh đồng rau xanh ngắt được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Về La Cả (phường Dương Nội), tôi rất thích thú với những vườn đào ngập sắc hương khi xuân sắp về.
Về Yên Nghĩa, tôi được ngắm cánh đồng thẳng cánh cò bay và dòng sông "cho anh làm thơ" của nhạc sĩ Đoàn Bổng. Ở đó tôi đã bắt gặp những người nông dân hiền hậu, chịu thương, chịu khó quanh năm ngày tháng "Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".
Sống ở Hà Đông, tôi cũng quen thân với nhiều người Hà Đông, như nhà thơ Nguyễn Quang Hưng – người đã giúp đỡ và động viên tôi trong những bài báo đầu tiên và suốt thời gian sau này.
Tôi cũng quen thân với anh Nam, một kỹ sư xây dựng nhưng lại có tình yêu, sự quan tâm dành cho báo chí, văn nghệ.
Và tôi còn được biết nhóm "Nhân sĩ Hà Đông" do nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đứng đầu có nhiều hoạt động ý nghĩa mà nhất là gần đây nhóm đã sưu tầm, dịch nghĩa và trả lại sắc phong cho các địa phương.
Tôi cũng đã đến nhà Nghệ nhân Nhân dân, họa sĩ Chu Mạnh Chấn trong khu "ba tầng" nổi tiếng Hà Đông một thời và thấy người nghệ sĩ ở tuổi 90 vẫn đau đáu với việc giữ lại những nét văn hóa đáng quý của Hà Đông nói riêng, của xứ Đoài nói chung.
Không những vậy, Hà Đông còn có Giáo sư vật lý nổi tiếng thế giới Nguyễn Văn Hiệu, có nhà thơ lớn Xuân Quỳnh, có giọng hát đi cùng năm tháng - NSND Trung Đức, có huấn luyện viên tài ba Lê Thụy Hải…
Tất cả mỗi người một nghề nhưng đã góp sức "kê cao quê hương" Hà Đông. Có điều đặc biệt là những người đáng mến mà tôi gặp, tôi biết chọn Hà Đông là nơi định cư, gắn bó lâu dài và cũng tự hào khi nhận mình là người Hà Đông thế nhưng sự thực họ lại đến từ nhiều vùng quê khác nhau, chứ không hẳn là người con của mảnh đất này.
Điều đó nào đâu có quan trọng, bởi chính mảnh đất này từng ngày, từng ngày đang bồi đắp trong họ một tính cách, một con người Hà Đông…