Dân Việt

Cô giáo và hàng trăm lá thư của đám trò nghèo

“Biết tôi sắp chuyển đi, chúng bảo nhau đi “thám thính”. Chúng nói: “Cô mình sắp sang trường đó xa lắm… Chúng viết hàng trăm lá thư chia tay...”, cô Hằng rơm rớm nước mắt kể về đám trò nghèo.
Cô giáo và hàng trăm lá thư của đám trò nghèo - Ảnh 1.

Học sinh tặng hoa cô Hằng nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Không lên để… kiếm biên chế

Những lời chia sẻ ở trên là câu chuyện của cô giáo Trần Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Tiểu học (PTDTBT) Đoàn Kết, xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. 17 năm gắn bó với nghề giáo, tiếp cận với biết bao thế hệ học trò từ Lâm Đồng xa xôi cho đến Lai Châu, cô đã có không biết bao nhiêu kỷ niệm.

Cô Hằng sinh ra và lớn lên tại quê hương Ninh Bình nhưng lại chọn Lâm Đồng là nơi bắt đầu cho sự nghiệp của “trồng người”. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt năm 1997, cô Hằng được phân công công tác tại Trường Tiểu học Hà Lâm, xã Hà Lâm, huyện Đạ Hoai (Lâm Đồng).

Năm 1999, cô Hằng kết hôn với một người cùng quê. Sau 7 năm miệt mài đeo bám từng trang giáo án, năm 2004 cô làm đơn xin chuyển về quê Ninh Bình để dạy học.

“Thời điểm đó, Ninh Bình thừa rất nhiều giáo viên nên nguyện vọng về quê dạy học không thành. Chồng tôi thì muốn lên Cửa khẩu Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ (Lai Châu) làm kinh tế. Do vậy, tôi không quay lại Lâm Đồng công tác nữa mà theo chồng lên Tây Bắc luôn”, cô Hằng chia sẻ.

Dẫu đã biết trước lên “cắm bản” ở vùng biên giới, Tây Bắc nhiều vất vả, gian nan nhưng vì tình yêu với nghề giáo, cô Hằng vẫn quyết đi. Chính bản thân cô cũng chưa lường hết được những khó khăn phải đối mặt nơi đất khách, quê người này.

“Ngày đầu đặt chân lên mảnh đất Phong Thổ, thật sự ngoài sức tưởng tượng của tôi. Mọi thứ đều thiếu thốn hơn rất nhiều so với nơi trước đây mình sinh sống và công tác. Câu hỏi đầu tiên của đồng nghiệp, của mọi người dành cho tôi là: Chị chưa được biên chế nên mới lên đây công tác đúng không? Họ nghĩ vậy vì ngày đó hầu như dưới xuôi không có biên chế nên lên đây kiếm suất biên chế rồi tìm cách chuyển về. Nhưng với tôi thì không phải vậy…”, cô Hằng kể lại.

Cô Hằng nói: “Nếu như vài bạn đồng nghiệp từ miền xuôi lên đây luôn thở dài và trông chờ ngày về, thì tôi lại khác. Tôi không muốn rời xa các em và bà con dân bản. Càng ở lâu với người dân nơi đây, tôi càng cảm thấy gắn bó vì sự chân thật, hiền lành, chất phác của họ. Vì thế, tôi đã quyết định chọn Tây Bắc là điểm dừng chân và gắn bó lâu dài”.

Cô giáo và hàng trăm lá thư của đám trò nghèo - Ảnh 2.

Cô Hằng cùng các em học sinh trong buổi tổng kết năm học.

Phải có tiếng nói chung…

Lên Lai Châu, cô Hằng được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp 5 ở điểm bản Mồ Xì Câu (Trường Tiểu học Hoang Thèn, xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ). Năm ấy, Phong Thổ nhìn đâu cũng thấy đói nghèo, không điện, không đường. Trường học thì tuềnh toàng, tạm bợ, mái nhà được lợp bằng những tấm lá mỏng Mặt trời lúc nào cũng xuyên thấu. Ngày nắng thì cô trò còn cố gắng khắc phục. Có hôm chẳng may trời mưa thì cô trò đều ướt như “chuột lột”.

Cô Hằng còn nhớ như in ngày đầu lên nhận lớp. Trong đầu cô có biết bao dự định. Nào là: “Cô xin tự giới thiệu với cả lớp, cô tên là Trần Thị Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp mình kể từ ngày hôm nay (1/10/2004)”. Nào là: “Bây giờ cô muốn làm quen với lớp mình. Cô mời bạn lớp trưởng đứng dậy giới thiệu về mình và các bạn trong lớp để cô được biết”...

“Trời ạ! Không bạn nào thèm nói gì? Và cũng chả cần biết cô nói gì? Chúng cứ nhìn tôi và cười một cách lạ lẫm. Buổi ra mắt với lớp hôm đó coi như không thành công”, cô Hằng nhớ lại.

Được phân công là giáo viên chủ nhiệm, cô Hằng càng có điều kiện gần gũi các em học sinh và gia đình. Cô quyết tâm học tiếng địa phương, nghiên cứu văn hoá, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.

Cô nhận ra rằng, muốn học trò học tập và rèn luyện tốt hơn thì cách tốt nhất là phải hiểu học sinh, hiểu được văn hoá của địa phương. Muốn vậy, cô giáo buộc phải thông thạo tiếng dân tộc. Ban đầu, cô học những tiếng cơ bản như: Vào lớp, ra chơi, xin đi ra ngoài, ăn cơm hay như dặn học sinh ngày mai đến lớp phải nói thế nào? Cứ thế, theo thời gian cô, trò giao tiếp với nhau nhiều hơn. Học sinh cũng không còn nhút nhát như hồi đầu.

“Ngày đó, tôi khích lệ các em bằng các tiết mục văn nghệ, các hoạt động tập thể rất sôi nổi. Còn nhớ, cô và trò nắm tay nhau hát bài “Đi học xa”. Cả lớp cứ ấn tượng mãi điệp khúc: “Hôm nay đi học xa, đường tương lai đường gần”, nghe mà xúc động và thấm thía…”, cô Hằng bộc bạch.

Cứ thế, những tháng ngày tuổi trẻ của cô Hằng đã dành hết cho học trò. Càng sống, cô càng yêu Phong Thổ, càng quý bà con. Cô nói, đó là quãng thời gian đẹp và đáng nhớ nhất của mình.

Chẳng nói đâu xa, mới 4 năm trước thôi, đó là hồi cô Hằng được chuyển công tác sang đơn vị mới. Đó cũng là kỷ niệm mà có lẽ cô chẳng bao giờ quên được. Vào tháng 9/2017, biết tin cô sắp chuyển, đám trò nghèo lại rủ nhau lén lút đi tìm hiểu.

“Biết tôi sắp chuyển đi, chúng bảo nhau đi “thám thính”. Về chúng kể với nhau: Cô mình sắp chuyển sang trường đấy xa lắm, đường đi khó lắm, phía trước trường có cái ao bẩn lắm… Chúng viết hàng trăm lá thư chia tay. Có bạn viết: Cô ơi! Khi biết cô đi, em buồn lắm! Vì chúng em sẽ không được gặp cô. Cô đi cả trường sẽ lặng im… đọc xong thư của các em mà tôi vừa cười, vừa rơi nước mắt”, cô Hằng rơm rớm.

“Và giống như chúng luyến tiếc từng giờ khi được gần cô. Mấy ngày sắp chuyển, khi hết giờ làm tôi về chúng cứ nấn ná để được gần cô. Có em nói: “Nếu cô không ở lại đây, chúng em sẽ rất buồn”. Hôm tôi về trường để bàn giao, học sinh ùa ra ôm cô cứ như cô đi đâu thật xa mới trở về. Nghĩ lại hình ảnh đấy thấy hạnh phúc vô cùng!”, cô Hằng xúc động.

Với cô Hằng, mỗi hành động như thế của học sinh sẽ là động lực để cô thêm yêu nghề hơn.

Cô giáo và hàng trăm lá thư của đám trò nghèo - Ảnh 3.

Một trong số hàng trăm lá thư của học sinh gửi đến cô Hằng.

Lạc lối ở rừng sâu

Hơn 17 năm kể từ ngày bước chân lên đất Phong Thổ, song đến tận hôm nay cô Hằng cũng không thể quên được những năm tháng phụ trách điểm bản Mồ Xì Câu. Đây là điểm bản khó khăn nhất thuộc Trường Tiểu học Hoang Thèn, xã Hoang Thèn lúc bấy giờ. Cô nhớ như in những lần đi bản, những lần ngã xe, nhớ cả những lần lạc lối ở rừng sâu.

“Chuyện ngã xe, rơi xuống vực vì không quen đường, trơn trượt là chuyện thường ngày ở bản. Đường đến điểm trường là đường mòn cheo leo. Tôi nhớ nhất là năm 2005, trên đường vào điểm bản thì gặp trời mưa. Đường trơn quá, cả người và xe trượt một đoạn dài. Có lần thấy trời mưa, sợ ngã nên chọn giải pháp an toàn là đi bộ tắt qua nương. Khi đi thì bị lạc đường. Cứ đi mãi, đi mãi, đến khi trời tối mịt mới xuống được đường nhựa, tìm người đi đường xin đi nhờ về trung tâm. Vừa đói, vừa rét, người thì ướt sũng…” cô Hằng chia sẻ.

Khó khăn, vất vả, cô Hằng nếm trải đủ. Rồi cùng với những đóng góp quan trọng trong việc dạy chữ, huy động trẻ đến trường, cô Hằng được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng (phụ trách) Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Huổi Luông. Sau đó cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Số 2  Huổi Luông. Sau khi sáp nhập vào xã Ma Li Pho, trường được đổi tên thành Trường PTDTBT Tiểu học Đoàn Kết ngày nay.

Với cương vị là Hiệu trưởng nhà trường, cô Hằng đã truyền đạt hết kinh nghiệm bản thân tích lũy được cho những đồng nghiệp đi sau. Tất cả chỉ với mong muốn con, em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường nhiều hơn. Mong muốn các con có được cái chữ, có kiến thức để tương lai tươi sáng hơn.

Quả ngọt sau những năm tháng gắn bó với sự nghiệp giáo dục của cô Hằng chính là những lứa “chủ nhân” tương lai vững vàng về kiến thức, tự tin trong cuộc sống. Phụ huynh yêu mến, tin tưởng khi gửi con đến trường.

Ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được của cá nhân, năm học 2016 – 2017, cô Trần Thị Hằng đã vinh dự được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen. Cô được khen bởi đã có nhiều đóng góp trong “Đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý nâng cao hiệu quả công tác giáo dục”. Đó là niềm vinh dự, tự hào, giúp cô có thêm động lực, tiếp tục theo đuổi ước mơ dạy chữ mà mình hằng mong ước.